20 năm trước, Nguyễn Ngọc Quốc Hùng là một thanh niên mạnh khỏe, sung sức trong một gia đình có năm chị em. Năm 1994, Hùng thi đậu vào một trường trung cấp văn hóa nghệ thuật. Thế mà việc học lại dở dang. Nguyên căn bởi tuổi trẻ không làm chủ được bản thân, Hùng vướng vào ma túy.
Từ một người khỏe mạnh, Hùng ngày càng tiều tụy xơ xác do lệ thuộc ma túy. Càng sử dụng, càng tăng liều lượng, rồi từ hút chuyển sang chích. Ngày tháng qua đi, Hùng vật vờ như một cái xác không hồn, lang thang khắp TP.
Nguyễn Ngọc Quốc Hùng (hàng đầu) hướng dẫn tập văn nghệ trong lần trở lại thăm cơ sở chữa bệnh.
Gia đình Hùng từ khá giả thành khó khăn túng thiếu trước những đòi hỏi chu cấp về tiền bạc của con. Đau buồn trong bế tắc, ba của Hùng bệnh nặng và mất. Mẹ Hùng mỏi mòn với tuổi già, nhìn con trai đang ngày đi vào vòng xoáy của cuộc đời không lối thoát. Đã bao lần Hùng tự cai, tự giam, tự trói mình trong phòng. Bản thân anh cũng chết đi sống lại nhiều lần nhưng tất cả vẫn không thắng nổi cảm giác thèm nhớ ma túy. Anh vẫn lao vào con đường nghiện ngập không lối thoát. Cuối năm 2000, Hùng quyết định đăng ký đi cai dịch vụ tại Trường Giáo dục đào tạo và Giải quyết việc làm số 1 của Lực lượng TNXP TPHCM. Trong trường, qua quá trình lao động học tập và rèn luyện bản thân tốt, vốn có năng khiếu về văn hóa nghệ thuật, Hùng được vào Đội Văn nghệ xung kích của trường. Có năng khiếu văn nghệ, năm 2006, khi hết thời gian cai nghiện, Hùng được ở lại trường, được ký hợp đồng làm việc với chức vụ là nhân viên Phòng Giáo dục tư vấn.
Trang mới cuộc đời tưởng như đã được lật, nào ngờ, cuối năm 2007, trong một lần về thăm nhà (quận 10, TPHCM), Hùng gặp lại bạn cũ. Cảm giác thèm ma túy trong người lại bùng lên. Một lần nữa, Hùng gục ngã. Ý thức được sự nguy hiểm của ma túy, mẹ Hùng quyết tâm đưa anh đi cai nghiện lần nữa mong quyết tâm giành lại sự sống cho đứa con trai duy nhất của mình. Tháng 7-2008, Hùng đăng ký cai dịch vụ tại Trung tâm Nhị Xuân (nay là Cơ sở xã hội Nhị Xuân) với thời gian cai 6 tháng. Sau đó, Hùng tự nguyện gia hạn ở lại, vừa phục vụ trong Đội văn nghệ xung kích vừa tiếp tục cai nghiện. Tháng 12-2013, Hùng tự tin rời khỏi cơ sở chữa bệnh, về huyện Hóc Môn sinh sống. Hàng ngày Hùng làm việc tại tiệm bánh ngọt của chị gái với tiền lương 6 triệu đồng/tháng. Đã hòa nhập cộng đồng, có việc làm ổn định, song mỗi ngày, Hùng vẫn tự kiềm chế bản thân, tự đấu tranh chống lại sự cám dỗ, lôi kéo của bạn bè. “Mình phải tự cai suốt đời, bởi vì với ma túy, chỉ một lần vấp ngã là sẽ trượt dài - người đã từng sử dụng ma túy chỉ cần sang chấn tâm lý một chút sẽ lại tìm đến ma túy ngay” - anh chia sẻ. Hùng tâm sự: “Gia đình và cộng đồng có ảnh hưởng rất lớn. Nếu gia đình, cộng đồng biết cảm thông, chia sẻ và tạo cơ hội cho người nghiện làm lại, họ sẽ có nhiều cơ hội phấn đấu hơn. Ngược lại, họ sẽ bị ức chế, mặc cảm và rất dễ tái nghiện”.
Một kinh nghiệm khác của anh để phòng chống tái nghiện là Hùng công khai tất cả mối quan hệ của mình, công khai tất cả việc chi tiêu cá nhân cho gia đình biết. Từ đó tạo được niềm tin nơi gia đình. Hùng tâm sự: Nhiều khi đi ngang qua các tụ điểm nhìn thấy người nghiện đang sử dụng ma túy, cảm giác ma túy lại tràn ngập làm bấn loạn tinh thần. Cũng lúc đó, anh nghĩ lại chặng đường gian nan đã qua, nghĩ đến mẹ già 80 tuổi còn xách giỏ đi thăm con, trong người Hùng như có nguồn động lực vô biên. Và anh đã vượt qua, thở phào nhẹ nhõm khi mỗi lần như thế, mình đã chiến thắng chính bản thân mình.
NGỌC LÂM - Giáo viên Trường Giáo dục đào tạo
và Giải quyết việc làm số 3 Lực lượng TNXP TPHCM