Nghề biển đối diện ô nhiễm

Tình hình ô nhiêm nguồn nước tại các vùng nuôi trên biển đang đặt ra cho ngành thủy sản Việt Nam những thách thức lớn. Nếu không có những giải pháp đồng bộ và hiệu quả, vị thế của ngành thủy sản có nguy cơ tụt hạng trong thời gian tới.  
Nghề biển đối diện ô nhiễm

Tình hình ô nhiêm nguồn nước tại các vùng nuôi trên biển đang đặt ra cho ngành thủy sản Việt Nam những thách thức lớn. Nếu không có những giải pháp đồng bộ và hiệu quả, vị thế của ngành thủy sản có nguy cơ tụt hạng trong thời gian tới.  

Tiềm năng nhiều, hiệu quả ít

Mới đây, tại tỉnh Khánh Hòa diễn ra hội thảo toàn quốc về “Phát triển nuôi trồng thủy sản biển” do Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) chủ trì. Tại hội thảo, một lần nữa những căn nguyên làm chậm tốc độ phát triển của ngành nuôi trồng thủy sản tiếp tục được đưa ra bàn thảo. Theo Tổng cục Thủy sản, Việt Nam là một trong 10 quốc gia có nghề nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh, nhưng vài năm trở lại đây, tình hình ô nhiễm môi trường nuôi ngày càng tăng khiến nghề này đứng trước những thách thức to lớn.

Theo ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, tiềm năng nuôi trồng thủy sản biển ở nước ta rất lớn với gần 250.000ha, trong khi đó, diện tích nuôi trồng hiện này chỉ khoảng 40.000ha. Theo ông Trần Công Khôi, việc nuôi trồng hải sản thiếu quy hoạch, trình độ kỹ thuật sản xuất kém, ô nhiễm môi trường ngày càng tăng khiến nghề biển phát triển thiếu bền vững.

Tại Khánh Hòa, thời gian qua nhiều vùng nuôi thủy sản truyền thống bị ảnh hưởng nghiêm trọng do môi trường ô nhiễm. Tại TP Cam Ranh, từ tháng 7 năm ngoái đến nay, hải sản các lồng bè nuôi liên tục chết, ảnh hưởng khoảng 4.000 ô lồng nuôi thủy sản ở đây. Nguyên nhân do không thực hiện kiểm dịch cá giống, sử dụng cá tạp làm thức ăn khiến nhóm vi khuẩn Streptococcus SP gây ra (bệnh bỏng đỏ) tấn công làm cá chết hàng loạt.

Người dân thu gom cá chết tại vùng biển huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa

Còn tại đầm Nha Phu (thị xã Ninh Hòa), khu vực nuôi trồng lý tưởng bậc nhất miền Trung hiện nay cũng chịu cảnh tương tự. Trong vòng nửa năm qua, tình trạng cá bớp nuôi chết trắng lồng với số lượng hàng trăm tấn đã gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng cho người dân. Điều đáng nói, đây là lần đầu tiên nghề nuôi cá bớp tại đầm Nha Phu chịu cảnh cá chết như vậy. Nguyên nhân cá chết cũng do ô nhiễm môi trường, cá nhiễm khuẩn Vibrio alginolyticus. Ngoài ra, thống kê cũng cho thấy, ở các tỉnh như Bình Thuận, Phú Yên… nghề nuôi biển cũng điêu đứng không kém. Đa số ý kiến cho rằng, môi trường nuôi ở các vùng biển đang ô nhiễm nặng, khi tần suất, mức độ thủy sản chết ngày một tăng.

Cần cơ chế đặc thù

Nghề nuôi trồng thủy sản đang cưu mang hàng triệu dân miền Trung nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, thế mạnh này ngày một chông chênh khi ô nhiễm môi trường nước ngày một báo động. Nhiều ý kiến còn lo ngại, nếu không đảm bảo được sản lượng và chất lượng hải, sản cùng lúc, nghề nuôi biển chúng ta có thể tụt hạng so với hiện nay. Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho rằng, gian nan nhất với nghề biển là vấn đề ô nhiễm môi trường ven biển. “Ai cũng nhận thấy nước ta có nhiều lợi thế để nuôi trồng thủy sản, nhưng vì sao nhiều lợi thế mà lại để môi trường ô nhiễm thì chưa được bàn bạc kỹ càng?”, ông Luân đặt câu hỏi.

Còn ông Phạm Đức Phương, quản lý trại nuôi cá biển quy mô công nghiệp tại vịnh Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa), Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, cho biết: Trại nuôi này đầu tư 12 tỷ đồng với quy mô sản xuất 200-300 tấn/năm. Công nghệ làm lồng bè tại trại nuôi này là nhựa của Na Uy. Nhựa Na Uy tuy có giá thành cao, nhưng có khả năng chịu sóng gió, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm trong sản xuất nên trại nuôi chưa bao giờ chịu thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Tuy nhiên, đối với đại đa số bộ phận ngư dân nuôi biển thì khó tiếp cận công nghệ này vì giá thành đầu tư ban đầu cao, vượt khả nặng của họ.

Theo lãnh đạo các địa phương có biển, ngoài những nguyên nhân kể trên, nghề nuôi biển hiện đang mâu thuẫn rất lớn với hoạt động khu công nghiệp, hoạt động xây dựng, du lịch… Như ở đảo Cát Bà (Hải Phòng), đây là điểm nuôi trồng lớn với trên 500 lồng, sắp tới phải giảm xuống còn trên 100 lồng vì ô nhiễm do các dự án du lịch, khu công nghiệp gây ra. Bàn về điều này, ông Nguyễn Quang Huy, Viện phó Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, cho biết: Dịch bệnh thường xuyên xảy ra ở các vùng biển ô nhiễm môi trường, mật độ ô lồng cao. Bên cạnh đó, sau sự cố môi trường Formosa khiến chất lượng, sản lượng nuôi trồng thủy sản biển ở nhiều khu vực lân cận giảm sút. Vì thế, áp lực về mật độ nuôi ở các vùng nuôi khác ngày một tăng nên kéo theo mối lo ô nhiễm vùng nuôi tăng. “Để giải quyết các thách thức một cách tổng thể, đòi hỏi phải có một chương trình khoa học, công nghệ riêng dành cho lĩnh vực nuôi trồng hải sản nhằm giải quyết đồng bộ việc phát triển bền vững cho nghề này, như con giống, thức ăn, công nghệ nuôi, quản lý về môi trường, công nghệ bảo quản, thị trường sau khai thác…”, ông Huy kiến nghị. 

Tính đến ngày 28-11, nguyên nhân cá chết hàng loạt xảy ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa xác định được nguyên nhân. Trước đó, từ ngày 21-11 đến nay, trên địa bàn xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) xuất hiện tình trạng cá chết tại các bè nuôi và kể cả các loại cá tự nhiên ở tầng đáy. Theo ông Nguyễn Thành Thênh, Chủ tịch Hội nông dân xã Vạn Thạnh, cá chết xuất hiện nhiều nhất tại vùng biển của địa phương trong khoảng 3 ngày trở lại đây. Hiện chưa có thống kê chính xác, nhưng qua kiểm đếm ban đầu có đến hàng tấn cá bị chết, chủ yếu là cá nôi và cá tự nhiên loại nhỏ ở tầng đáy. Theo phản ánh của người dân, họ chưa bao giờ chứng kiến cảnh cá nuôi chết lẫn cá tự nhiên chết bất thường như vậy. Sau khi có tình trạng cá chết hàng loạt, Chi cục Thủy sản Khánh Hòa đã cử cán bộ chuyên trách phối hợp với chính quyền địa phương lấy mẫu cá và mẫu nước để xác định nguyên nhân.

 KHÁNH NGÂN

Tin cùng chuyên mục