Nghệ sĩ cao tuổi - Trẻ mãi với nghề

Nghệ sĩ cao tuổi - Trẻ mãi với nghề

Đến với thế giới nghệ thuật từ phòng tranh (1), trong khoảnh khắc người xem khó đọc được hết những nốt trầm suy tư của họa sĩ Bùi Quang Ánh qua Một ngày với nạn nhân chất độc da cam. Từng là bộ đội vượt Trường Sơn trong chiến tranh, người cựu chiến binh càng đau thắt lòng với những ám ảnh bom đạn B52, ám ảnh về những chiếc máy bay rải chất độc dioxin, tàn phá biết bao cánh rừng, biết bao ngôi nhà… Và di họa nhiều thế hệ nạn nhân nhiễm chất độc da cam.

Tranh sơn dầu Tiếng đàn trong rừng xanh của họa sĩ Huỳnh Phương Đông.

Tranh sơn dầu Tiếng đàn trong rừng xanh của họa sĩ Huỳnh Phương Đông.

Một góc nhìn khác: cuộc sống luôn thay đổi, trỗi dậy muôn vẻ, muôn màu. Đó là cảm nhận của họa sĩ Xuân Đông. Chàng chiến sĩ cảm tử vẽ những bản đồ trinh sát năm xưa, giờ thử nghiệm tác phẩm qua hình thức tranh kỹ thuật số với màu sắc thắm tươi: Mùa xuân, Hạnh phúc. Tương tự, họa sĩ Huỳnh Phương Đông tạm gác lại mảng tranh đề tài chiến tranh như một món nợ lịch sử phải trả với nhân dân, lần này ông bộc lộ niềm vui qua Hoa xuân và thả lòng, rung động, bồi hồi theo Tiếng đàn trong rừng xanh từ một chuyến thăm lại đất Gáo Giồng, Đồng Tháp.

Ở phòng trưng bày, thông thường tác phẩm điêu khắc luôn có số lượng khiêm tốn! Ngoài tác phẩm của các tác giả quen thuộc Võ Văn Tấn, Tô Sanh, Đinh Rú…, có lẽ bất ngờ đối với người xem là bức phù điêu hoành tráng Phụ nữ 54 dân tộc Việt Nam của Nguyễn Lệ Thủy. Tác phẩm bộc lộ cảm hứng của nghệ sĩ. Xuyên suốt 40 năm sáng tác, bà vẫn thủy chung với đề tài người phụ nữ Việt Nam.

Cùng thời điểm với cuộc triển lãm chung này, họa sĩ Nguyễn Thị Tâm chuẩn bị trình làng cuộc triển lãm cá nhân, đánh dấu 55 năm sống cùng dòng tranh lụa và 75 tuổi đời của tác giả (2).

Nhiều người đã đặt biệt danh cho bà là “nữ kiện tướng” vẽ tranh lụa và xê dịch nhiều nhất khắp mọi miền đất nước. Tiếp nhận phương pháp vẽ tranh lụa từ họa sĩ bậc thầy Lê Văn Đệ, ngay từ cuối thập niên 50, Nguyễn Thị Tâm đã phát huy sự cách tân tranh lụa, làm phong phú cho thể loại này; đồng thời bà cũng là người quảng bá và truyền dạy tranh lụa Việt Nam không biết mệt mỏi hơn 50 năm qua.

Với quan niệm nghệ thuật riêng về phong cảnh quê hương, các loài hoa và hình ảnh thiếu nữ Việt Nam, tranh lụa Nguyễn Thị Tâm đã tạo được dấu ấn mỹ thuật đẹp đối với nhiều khách thưởng ngoạn, nhà sưu tập trong, ngoài nước. Lần này, mở rộng chất liệu sơn dầu bên cạnh dòng tranh lụa đã có tiếng tăm, cuộc triển lãm Thì thầm cùng sen được xem là một cách “vẫy vùng” trong thế giới sắc màu riêng của họa sĩ.


(1) Triển lãm tranh CLB Người cao tuổi (Hội Mỹ thuật TPHCM), tại 218A Pasteur, quận 3, từ 29-9 đến 6-10-2011.

(2) Triển lãm tranh chủ đề Thì thầm với sen tại 92 Lê Thánh Tôn, quận 1, từ 5-10 đến 14-10-2011.

Kim Ửng

Tin cùng chuyên mục