Sinh năm 1929 tại Hà Nội, sự nghiệp trên sân khấu của nghệ sĩ Trần Hạnh bắt đầu từ những buổi đi tập kịch phong trào, sau đó ông đầu quân cho Nhà hát Kịch Hà Nội và gắn bó với sân khấu cho tới lúc nghỉ hưu. Là diễn viên sân khấu kịch trong suốt 4 thập niên, ông khẳng định khả năng diễn xuất, ghi dấu ấn với nhiều vai diễn. Ông là một trong những nghệ sĩ đầu tiên được phong danh hiệu nghệ sĩ ưu tú từ năm 1984.
NSND Trần Hạnh từng tâm sự, khi là diễn viên sân khấu, nghệ sĩ được coi trọng nhưng tiền thì không được bao nhiêu. Đã có lúc vợ ông khuyên chọn nghề khác cho đỡ khổ nhưng ông chỉ ậm ừ. “Tôi yêu nghề diễn vì được hóa thân vào nhiều dạng nhân vật khác nhau, được trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Đây là điều mà không nghề nghiệp nào có được”, ông nói.
Trong suốt 60 năm theo nghề diễn xuất, ông cũng không nhớ nổi mình có bao nhiêu vai diễn trên màn ảnh cũng như trên sân khấu kịch. Có những vai diễn xuyên suốt cả bộ phim, có vai xuất hiện trong vài tập, thậm chí có những vai chỉ thoáng qua, nhưng với tâm niệm “không có vai diễn nhỏ, chỉ có diễn viên nhỏ”, nên dù vai chính hay phụ, qua diễn xuất chân thực, sinh động của ông, nhân vật có sức sống, có cuộc đời.
Trên màn ảnh, hình ảnh một lão nông với dáng vẻ hanh hao, khuôn mặt già nua khắc khổ nhưng lúc nào cũng nở trên môi một nụ cười đôn hậu, hiền lành đã in đậm trong tim khán giả. Đó là bố An trong Chuyện cổ tích cho tuổi 17, ông Cơ trong Tướng về hưu, ông Khiển trong Người cầu may, bố Giang Minh Sài trong Thời xa vắng, người ông trong Cha cõng con… ở phim nhựa. Những vai diễn của ông đã đi vào lòng công chúng với vẻ khổ hạnh, đáng thương, vai nông dân hiền lành, chất phác, mặc dù ông là người Hà Nội gốc. “NSND Trần Hạnh là một gương mặt nghệ sĩ điển hình. Nhắc đến ông, người xem nhớ ngay đến một khuôn mặt chân chất, khắc khổ, tạo ra được một “thương hiệu” riêng. Chính sự khắc khổ ấy lại rất gần gũi và chân thật, cuốn hút người xem”, NSND Lê Tiến Thọ nhớ về ông.
Cuộc đời thực của NSND Trần Hạnh có khi còn buồn và khổ hơn phim. Sau khi chăm vợ nhiều năm ốm nặng, ông lại tiếp tục chăm con trai bị tai nạn. Ở tuổi ngoài 80, có thời gian khi thấy ông ra cửa hàng phụ giúp con cái, nhiều người đã thương, yêu mà kêu gọi hỗ trợ để người nghệ sĩ già không cần “mưu sinh kiếm sống”… Song khi ấy, ông từ chối nhận giúp đỡ mà chỉ nhận tấm chân tình của mọi người. Trò chuyện, ông cười rất hiền mà nói rằng: “Khán giả xem các vai diễn của tôi cứ cảm thấy tôi vất vả lắm, song không phải vậy, tôi sống vui vẻ…
Mọi người yêu quý nghệ sĩ Trần Hạnh có thể qua cửa hàng chơi, trò chuyện hoặc mua vài món đồ tạp hóa ở ga Trần Quý Cáp là vui rồi”. Năm 2019, ở tuổi 90, nghệ sĩ Trần Hạnh được đặc cách phong tặng danh hiệu NSND. Ông tâm sự: “Tôi đến với sân khấu vì tình yêu, vì sự đam mê. Tôi hạnh phúc vì được phong tặng danh hiệu NSND nhưng đó không phải mục đích của tôi. Mấy chục năm làm nghề, từ hồi còn ở Sân khấu Kịch Hà Nội cho đến khi chuyển sang đóng phim truyền hình… tôi chưa bao giờ mong mình được cái nọ, cái kia. Tôi chỉ mong làm sao để hoàn thành thật tốt những vai diễn của mình”.
Dẫu biết tuổi cao, sức kiệt, ngày chia tay sẽ cận kề nhưng không dễ để nói lời tiễn biệt. “Vĩnh biệt bố! Người nghệ sĩ nghèo và khắc khổ nhưng giàu lòng nhân ái nhất màn ảnh. Con yêu quý và kính trọng bố nhiều lắm bố biết không, bố Hạnh!”, diễn viên Quốc Quân chia sẻ trên trang cá nhân. “Cảm ơn bố đã đem đến cho cuộc sống này một tâm hồn giản dị. Chắc ở thế giới bên kia giờ này bố đã đoàn tụ cùng các cô chú và các anh các chị đi trước, chắc bố lại đang chuẩn bị cho một vai diễn mới của mình ở thế giới đó, dù ở thế giới nào cái nghiệp diễn vẫn là lẽ sống của bố, cái nghiệp diễn mang đầy lòng trắc ẩn, chia sẻ với con người, với cuộc đời này!”, nghệ sĩ Chiều Xuân xúc động chia sẻ.
Lễ viếng NSND Trần Hạnh sẽ được cử hành vào hồi 9 giờ 30 ngày 6-3 tại Nhà tang lễ số 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội. |