

Nhà nhiếp ảnh Italia Oliviero Toscani, sinh năm 1942, được cho là mang trường phái “gây sốc”. Nổi tiếng với một số mẫu quảng cáo gây tranh cãi từ năm 1982 nhưng từ cuối những năm 1990 ông chuyển sang chụp ảnh các đề tài xã hội. Một trong những hình ảnh gây nhiều tranh cãi nhất của ông là ảnh bệnh nhân AIDS David Kirby hấp hối nằm trên giường bệnh ở Columbus, bang Ohio (Mỹ) xung quanh là người thân của anh đang gào khóc.
Bức ảnh được cho là phỏng theo bức tranh của Michel Angelo, sáng tác năm 1500, trong đó mô tả hình ảnh Đức mẹ Maria ôm Chúa Jesus vào lòng sau khi được hạ từ trên cây thánh giá xuống. Mặc dù được trao giải thưởng Ảnh báo chí năm 1991 (World Press Award) , nhiều người cho rằng dùng hình ảnh như vậy là xúc phạm đến bệnh nhân bất chấp gia đình nạn nhân đã đồng ý với mong muốn dùng ảnh này để kêu gọi phòng chống HIV/AIDS.
Hay như bức ảnh về hàng loạt tù nhân Mỹ đang chờ đến giờ thi hành án tử hình cũng được cho là quá “sốc”. Tác giả cho rằng ảnh của ông với mục đích kêu gọi xóa án tử hình. Đầu những năm 1990, cùng với nhà thiết kế hình ảnh Tibor Kalman, Toscani đã đồng sáng lập tạp chí Colors (Sắc màu). Những bức ảnh của Toscani đã bị nhiều chính phủ trên thế giới cấm phổ biến và là nguyên nhân của nhiều cuộc tranh cãi trong công luận. Trong một bài trả lời phỏng vấn gần đây với CNN, Toscani cho rằng có nhiều người xem ảnh của ông trở nên giận dữ. Họ nên giận chính bản thân họ vì không đủ can đảm để nhìn thẳng vào vấn đề. “Không có gì gọi là ảnh gây sốc. Chỉ có sự thật gây sốc được các nhà nhiếp ảnh truyền lại cho những người không thể tận mắt chứng kiến”, ông nói.
Theo Toscani, ông có nhiều may mắn vì không phải sống trong thời chiến và sinh ra trong thời có nhóm Beatles, có Rolling Stones, là thế hệ được chứng kiến váy cực ngắn (mini skirt) thịnh hành và nhất là được sinh ra trong một gia đình có xu hướng tự do. “Tôi còn có một bộ nhớ rất chọn lọc, chỉ nhớ những gì mình thích, không bao giờ nhớ những điều mình không thích”, Toscani kể. Bàn về chủ đề các bức ảnh của ông, Toscani cho rằng mọi thứ đều được “đóng khung” từ trí tò mò của ông bởi vì không có sự vật hay hiện tượng nào hoàn thiện. “Cần phải rộng lượng, phải cho nhưng đừng mong đợi nhận lại, và kết quả là bạn sẽ nhận lại được nhiều điều tốt đẹp”, Toscani nói. Ông quan niệm rằng cần phải nhận thức đầy đủ rằng mình đang sống nên không muốn phí thời giờ, luôn tìm những điều mới mẻ và cố đạt được, để sống vì nó và tin vào nó.

Toscani nhận định nhiếp ảnh là nghệ thuật diễn đạt hiện thực cao nhất bởi vì thế giới là những gì chúng ta có thể nhìn thấy thông qua những hình ảnh. Một hình ảnh có thể mang sức mạnh lớn hơn cả quân đội. Chẳng hạn, hình ảnh những trẻ em ném đá vào xe tăng được mọi người cho là “sốc” nhưng đó là sự thật. Giờ đây, lịch sử nhân loại được ghi nhớ qua hình ảnh. Nhiều bi kịch lớn vẫn được nhớ đến qua hình ảnh. “đó cũng là một điều gây sốc và chính tôi đôi khi cũng hổ thẹn vì chứng kiến những hình ảnh như vậy” - ông tâm sự. Vì vậy, theo Toscani, những bức ảnh đặt bạn trước một thực tế mà bạn hầu như không muốn thấy, không muốn biết, không muốn tham gia vào. Nhưng nó vẫn là một thực tế
KHÁNH MINH tổng hợp