
Sinh ra không được lành lặn như bao người nên đôi lần họ trách số phận sao nghiệt ngã với mình. Nhưng rồi bằng nghị lực, ý chí, họ vượt lên nỗi đau, họ học nghề, làm việc để nuôi sống bản thân, gia đình. Hơn thế và cả tích cóp, dành dụm để giúp đỡ những mảnh đời khó khăn hơn mình.

Anh Nguyễn Văn Út cần mẫn làm việc tại xưởng tranh ghép gỗ
Dìu nhau bước tiếp
Đến căn nhà trọ nhỏ tại huyện Hóc Môn (TPHCM) của anh Nguyễn Văn Út (quê Kiên Giang) và chị Phạm Thị Thủy (quê Lâm Đồng) vào một ngày cuối năm, hai anh chị đang tất bật người đếm, người vô túi ni lông bao lì xì đang làm cho khách. Hàng ngày, anh Út đưa con đến trường rồi đến Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TPHCM làm việc. Vợ anh thì làm việc tại một xưởng gần nhà. Chiều tối về nhà, hai vợ chồng tranh thủ gia công dán bao thư, thiệp cưới, bao lì xì…, chị còn may vá để kiếm thêm thu nhập. Nói về công việc hiện tại, anh Út vui vẻ cho biết dù có một số nơi nhận anh về làm với mức lương hơn 7 triệu đồng/tháng nhưng anh từ chối. Hiện anh đang dạy nghề tranh ghép gỗ cho các bạn khuyết tật tại trung tâm. “Ngày trước, khi tôi không có nghề nghiệp, mất phương hướng trong cuộc sống, chính các thầy cô ở trung tâm đã giúp nuôi và dạy tôi nên người. Giờ tôi muốn trả ơn ấy bằng cách giúp đỡ lại các bạn có hoàn cảnh giống mình. Với lại cũng chính ở trung tâm, tôi được gặp vợ mình để xây dựng gia đình hạnh phúc. Đó cũng là cái duyên níu chân tôi ở lại”, anh Út bày tỏ.
Cũng tại Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TP, cô gái bị liệt hai tay và một chân Huỳnh Thị Xậm (quê Hậu Giang) đã cho mọi người thấy nghị lực của người khuyết tật. Hàng ngày, Xậm làm việc tại thư viện của trung tâm. Nhìn cô nhanh nhẹn, tháo vát, sắp xếp các giá sách gọn gàng, ngăn nắp rồi thống kê số đầu sách được đọc, ai cũng thán phục. Từ ngày có Xậm, các học viên thường xuyên đến thư viện hơn. Có khi đến chỉ để trò chuyện hoặc xem Xậm viết chữ bằng chân nhanh thoăn thoắt và đều tăm tắp. “Để bắt bàn chân viết chữ là cả một quá trình gian khó. Nhưng với quyết tâm, mọi việc cũng ổn”, Xậm cười cho biết. Ngày trước, Xậm cũng rất mặc cảm về bản thân, nhưng sau khi đến trung tâm học nghề, cô đã có suy nghĩ tích cực hơn. Ngoài học xong nghề, Xậm cũng đã tốt nghiệp Khoa Xã hội học Trường Đại học mở TPHCM.
Giờ đây, ngoài công việc tại thư viện, mỗi tối Xậm lại lên lớp dạy chữ cho các học viên. “Nghĩ đến niềm vui của các bạn khuyết tật khi biết đọc, biết viết, mình đã thấy hạnh phúc lắm rồi. Có thêm con chữ, sau này các bạn dễ hòa nhập cộng đồng hơn. Còn mình thì xem như đã không phụ lòng tin tưởng của thầy cô”, Xậm chia sẻ.
Tích lũy thực hiện ước mơ
Dẫn chúng tôi đến “khoe” dàn âm thanh của mình, anh Vũ Văn Tá (54 tuổi, bị mù từ nhỏ, nhà ở quận Tân Bình) nói trong hạnh phúc: “Tài sản tích cóp của tôi đấy. Nhiêu món đây vẫn chưa đủ, nhưng cũng tạm ổn để phục vụ văn nghệ các nơi”. Nhiều năm qua, hàng ngày, buổi sáng anh đi bán vé số, tối thì vác đàn đi hát dạo tại các quán ăn, quán nước để bán kẹo. Nơi này bán ế thì anh sang quận khác để bán. Kéo ống quần lên, anh Tá cho chúng tôi xem đôi chân đầy sẹo của mình. Các dấu tích ấy là kết quả của những lần anh va phải cạnh bàn, sụp ổ gà, miệng cống… trong những đêm đi bán. “Có khi đến 2 giờ sáng anh ấy mới về tới. Ở nhà tôi lo lắng vô cùng. Đêm nào tôi cũng thức chờ cho đến khi anh về an toàn mới dám đi ngủ. Tôi khuyên anh nghỉ, nhưng anh nói phải ráng làm khi còn sức khỏe”, chị Huỳnh Thị Nga, vợ anh Tá cho biết.
Với anh Tá, khó khăn có hề gì. “Tôi chỉ mù đôi mắt chứ chân tay vẫn lành lặn thì vẫn có thể làm việc. Chịu khó một chút để con cái có thể đến trường, gia đình có gạo để ăn thì cực khổ mấy tôi cũng chẳng nề hà. Chứ nếu vì tôi mù lòa mà các con phải đi xin ăn thì khi đó tôi là người cha đáng trách”, anh Tá tâm niệm. Chính vì suy nghĩ như vậy nên anh luôn cố gắng trong cuộc mưu sinh. Hàng ngày, đi bán về anh thường chia tiền ra nhiều phần, trong đó có một phần tích lũy để thực hiện ước mơ. “Mua một dàn nhạc là mong muốn lớn nhất của tôi. Nhưng mua một lần thì tôi không có khả năng, vậy nên mỗi đợt khi số tiền tích cóp vừa đủ thì tôi mua một món. Nhờ vậy mà từ 4 cái loa, đến nay dàn nhạc đã tạm ổn”, anh Tá cười vui.
Từ khi có dàn nhạc, anh cho thuê để kiếm thêm thu nhập. Nhờ đó cuộc sống gia đình anh dần ổn định. Không chỉ cho thuê, dàn nhạc của anh còn đi làm từ thiện tại các trại trẻ mồ côi, bệnh viện tâm thần. Những gia đình khó khăn trong xóm có đám tiệc anh cũng đưa dàn nhạc đến phục vụ miễn phí. Và anh xem đó là niềm vui của mình. Hiện anh Tá đang dành dụm tiền để có thể sắm thêm vài món cho dàn nhạc tốt hơn. Khi đó anh sẽ không cực khổ đi bán vé số, bán kẹo mà sẽ ổn định với nguồn thu từ dàn nhạc. Rồi anh cũng sẽ có thời gian mang niềm vui đến cho những người khó khăn hơn mình. Với người đàn ông mù lòa ấy, cứ bước từng bước một, rồi mọi gian khó cũng sẽ qua.
THÁI PHƯƠNG