Công việc chuẩn bị cho Tết Nguyên đán ở Hàn Quốc thường bắt đầu trước một tuần. Người trong gia đình cùng dọn dẹp nhà cửa, mua sắm và chuẩn bị thức ăn, đồ lễ tết. Người Hàn Quốc tin rằng việc dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ giúp xua đi những điều không may của năm cũ và chào đón may mắn trong năm mới.
Mâm lễ cúng tổ tiên được người Hàn Quốc hết sức coi trọng và xem đây là một nét văn hóa trong những ngày tết. Mâm lễ thường được chia làm 5 hàng. Theo thứ tự từ trên xuống dưới gồm: Bài vị tổ tiên, Tteokguk (canh bánh gạo - món ăn truyền thống ngày Tết Nguyên đán), Songpyeon (bánh gạo), cốc rượu. Hàng thứ hai gồm gà, thịt và các món nướng khác, được đặt ở phía Tây mâm lễ. Món cá được đặt ở phía Đông (đầu cá hướng về phía Đông, đuôi hướng về phía Tây).
Tiếp đến là đậu phụ, canh thịt hầm, rau, kim chi và các món ăn phụ, cuối cùng là các món tráng miệng (bánh Yakgwa và các loại hoa quả). Tại mỗi địa phương, các món ăn có thể khác nhau nhưng đều tuân theo quy tắc chung khi bày mâm cúng.
Ngày nay, nghi thức cúng bái trong những dịp lễ tết ở thành phố đã được đơn giản hóa đi nhiều. Tuy nhiên, ở những vùng quê, đặc biệt là đối với các dòng họ lớn, nghi thức này vẫn được duy trì như một nét văn hóa truyền thống không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền.
Mâm lễ được bày trên một chiếc bàn gỗ lớn, chân thấp, đặt ở giữa phòng và thường được xoay về hướng Bắc, phía sau là một bức bình phong. Hai cây nến được đặt hai bên mâm lễ cúng.
Về cơ bản, một mâm cúng truyền thống của người Hàn Quốc bao gồm các đồ lễ và tuân theo cách sắp xếp như trên nhưng điều này cũng có sự khác biệt tùy theo văn hóa địa phương hay phong tục của từng gia đình. Ngoài ra, người Hàn Quốc cũng rất coi trọng hình thức, màu sắc và sự kết hợp hài hòa giữa các món ăn trên mâm cúng tổ tiên.
Tương tự Việt Nam, trưởng nam hoặc người đàn ông lớn tuổi nhất trong gia đình thường là người đảm nhận tiến hành các nghi thức cúng lễ trong dịp Tết Nguyên đán.