Căng thẳng sẽ tiếp tục leo thang tại bán đảo Crimea khi ngày 6-3, với 78 phiếu thuận, 8 phiếu trắng và không có phiếu chống, Nghị viện nước CH tự trị Crimea của Ukraine đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết về sáp nhập vào LB Nga, đồng thời đề nghị Tổng thống và Quốc hội Nga xem xét bắt đầu các thủ tục sáp nhập nước này vào LB Nga. Không lâu sau đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp với Hội đồng An ninh liên bang về đề nghị sáp nhập vào Liên bang Nga của CH tự trị Crimea.
Nga họp khẩn về vấn đề Crimea
Phó Thủ tướng thứ nhất CH tự trị Crimea Rustam Temirgaliev cho biết Nghị viện Crimea đã thông qua quyết định có tính nguyên tắc về việc sáp nhập bán đảo này vào thành phần Liên bang Nga với tư cách là một chủ thể. Nghị quyết được thông qua cũng ấn định thời điểm diễn ra cuộc trưng cầu ý dân tại Crimea về vấn đề này là ngày 16-3 tới.
Ông Temurgaliyev cho biết, vùng tự trị này có thể thông qua việc sử dụng đồng rouble của Nga làm đồng tiền chính của khu vực và “quốc hữu hóa” tài sản nhà nước như một phần trong kế hoạch sáp nhập vào Liên bang Nga. Hàng ngàn người dân tại Crimea tập trung bên ngoài tòa nhà Quốc hội đã bày tỏ vui mừng trước quyết định này.
Các hãng thông tấn Nga ITAR-TASS và RIA Novosti cho biết, không lâu sau khi nghị quyết trên được loan báo, Tổng thống Putin đã tổ chức cuộc họp bất thường với các thành viên Hội đồng An ninh liên bang, gồm Thủ tướng Dmitry Medvedev, Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Valentina Matvienko, Chủ tịch Đuma quốc gia (Hạ viện) Nga Sergei Naryshkin cùng lãnh đạo các bộ ngành khác.
Nội dung cuộc họp nhằm thảo luận về tình hình Ukraine, bao gồm đề nghị sáp nhập của Nghị viện nước CH tự trị Crimea. Tuy nhiên, người phát ngôn điện Kremlin chưa cung cấp chi tiết nội dung cuộc thảo luận trên.
Phản ứng trước việc CH Crimea bỏ phiếu nhất trí trở thành một phần của Liên bang Nga, Tổng thống tạm quyền của Ukraine Oleksander Turchinov ngay lập tức tuyên bố: “Chính quyền ở Crimea là hoàn toàn bất hợp pháp, bao gồm cả nghị viện và chính phủ. Họ đang bị buộc phải hoạt động bên dưới một thùng súng. Tất cả các quyết định của họ được đưa ra do sợ hãi và là bất hợp pháp”.
Cùng ngày, các nghị sĩ Ukraine đã giới thiệu một dự luật, theo đó sẽ xóa bỏ quy chế không liên kết của Kiev và cho phép nước cộng hòa từng thuộc Liên Xô cũ này gia nhập các liên minh quân sự như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Dự luật trên có thể sẽ được đưa ra bỏ phiếu vào tuần tới.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Vasily Nebenzya cho biết Mátxcơva thẳng thắn loại trừ khả năng Ukraine sẽ gia nhập NATO. Ông nhấn mạnh rằng cả Nga và NATO đều nhận thức rõ hậu quả của việc Ukraine trở thành thành viên của liên minh quân sự này.
EU đổ tiền viện trợ cho Ukraine
Những động thái trên diễn ra vào thời điểm các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp một hội nghị khẩn cấp nhằm gây áp lực yêu cầu Nga lùi bước trong vấn đề Ukraine.
Tại cuộc họp báo diễn ra ở thủ đô Brussels (Bỉ), ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của EU bàn về tình hình Ukraine, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo đã thông qua gói hỗ trợ trị giá 11 tỷ EUR cho Ukraine. Gói hỗ trợ này dành cho Ukraine trong 2 năm được trích từ ngân sách của EU và các tổ chức tài chính của EU. Chủ tịch EC cũng tái khẳng định EU vẫn luôn sẵn sàng ký hiệp định liên kết với Ukraine.
Ngoài ra, EU cũng có thể giúp Ukraine trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt bằng cách đổi chiều đường ống dẫn khí để cung cấp cho Ukraine, thay vì nhập khẩu khí đốt qua đường ống của quốc gia Đông Âu này.
Bên cạnh đó, EU cũng tuyên bố xem xét đóng băng cuộc đàm phán về quy chế miễn thị thực với Nga như cách thức đáp trả việc Nga chủ trương sáp nhập với CH Crimea. Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố các động thái của EU là “hành động chính trị hóa, không mang tính xây dựng và vô căn cứ”, đồng thời bày tỏ hy vọng điều này sẽ không xảy ra.
Tiêu chuẩn kép và chính sách thời Chiến tranh lạnh
Các diễn biến tại nước CH tự trị Crimea và CH Liên bang Nga diễn ra trong bối cảnh cuộc họp ngoại giao đầu tiên thảo luận về tình hình Ukraine giữa các ngoại trưởng Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ukraine và Nga tại Paris (Pháp) đã thất bại.
Trong khi các bên đều nhất trí rằng cuộc khủng hoảng cần được giải quyết thông qua đối thoại, thì các nguồn tin cho biết Lầu Năm Góc vừa ra lệnh điều thêm 6 máy bay chiến đấu F-15 và một máy bay tiếp liệu KC-135 tới châu Âu tuần này, tức tăng gấp đôi số lượng máy bay chiến đấu, để tham gia NATO nhằm trấn an các nước đồng minh châu Âu ở khu vực Baltic gồm Estonia, Latvia và Litva.
Trước đó, ngày 5-3, ngay khi bắt đầu cuộc họp Hội đồng Nga - NATO, Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đã thông báo Hội đồng NATO vừa thông qua quyết định tạm ngừng hợp tác với Nga.
Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen nêu rõ liên minh quân sự này sẽ xem xét lại “toàn bộ phạm vi” hợp tác với Nga nhằm gây áp lực với Mátxcơva do vấn đề Ukraine, trong đó có việc đình chỉ sứ mệnh chung liên quan đến tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria, ngừng các cuộc gặp trong khuôn khổ Hội đồng NATO - Nga.
Dự kiến, các quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra tại cuộc họp ngoại trưởng NATO vào đầu tháng 4 tới tại Brussels (Bỉ).
Đại diện thường trực Nga tại NATO Alexander Grushko đã chỉ trích liên minh này áp dụng “tiêu chuẩn kép” và rập khuôn chính sách thời Chiến tranh Lạnh trong quan hệ với Nga.
| |
HẠNH CHI (tổng hợp)
- Căng thẳng tại Ukraine: Nga thúc đẩy các biện pháp ngoại giao