
Chỉ là ca sĩ, diễn viên nghiệp dư, bằng lòng nhiệt huyết và sức trẻ của mình, các bạn đoàn viên, thanh niên, phóng viên của các báo, đài TPHCM đã mang đến các chiến sĩ biên cương và đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới tỉnh Gia Lai tình cảm ấm áp trong chuyến công tác xã hội vào những ngày giáp Tết Ất Dậu.
Suốt 3 ngày liên tục, cuộc hành trình bắt đầu từ 6 giờ sáng đến 22 giờ đêm, cùng với lãnh đạo tỉnh Gia Lai, gần 50 thành viên của các báo Sài Gòn Giải Phóng, Mực Tím, Công an TPHCM, Đài Truyền hình TPHCM đã vượt hàng trăm kilômét bụi đường đất đỏ gập ghềnh, mang theo tình cảm, những phần quà tình nghĩa, lời ca tiếng hát của tuổi trẻ TPHCM đến với các chiến sĩ biên phòng và đồng bào dân tộc thiểu số các xã biên giới Việt Nam - Campuchia.

Thiếu nhi các xã vùng biên giới xem văn nghệ.
Ảnh: TƯỜNG VÂN
Tháp tùng cùng đoàn luôn có Đội Thông tin lưu động và Đoàn Nghệ thuật Đam San của Sở Văn hóa- Thông tin tỉnh Gia Lai kết hợp biểu diễn. Nhưng các đoàn bạn đã ưu ái dành phần nhiều sân khấu cho các ca sĩ… phóng viên. Những bài hát về tuổi trẻ, cách mạng được khai thác triệt để trong các buổi giao lưu với các chiến sĩ biên phòng và hòa theo đó là tiếng ca vang, tiếng vỗ tay nhịp nhàng của tất cả mọi người.
Bên cạnh lời ca, tiếng hát, các đoàn còn có nhiều tiết mục phục vụ rất ý nghĩa. Sẽ rất khó hình dung “Củ cải khổng lồ” nó như thế nào nhưng tiết mục múa rối của các bạn Đài Truyền hình TPHCM đã mang đến một món ăn tinh thần mới lạ cho các bạn nhỏ ở đây.
Những bộ trang phục áo dài truyền thống Việt Nam (CLB Xì-tin Báo Mực Tím thiết kế) được người mẫu phóng viên đủ “kích cỡ” của các báo trình diễn chẳng kém gì các siêu mẫu chuyên nghiệp đã làm cho không khí đêm giao lưu văn nghệ tại xã Ia Mơr, huyện Chư Prông thêm vui nhộn.

Cùng hát với chiến sĩ biên phòng.
Có lẽ, đây là lần đầu tiên bà con xã Ia Mơr được xem trình diễn áo dài, các phóng viên trẻ cũng lần đầu tiên được làm người mẫu và sau đó mọi người tự hỏi sao mình “gan” đến thế! Từng cặp nam nữ, áo dài, khăn đóng, đi chân đất, xuống dưới sân khấu đi một vòng cho gần khán giả theo đúng kịch bản của buổi trình diễn thời trang.
Trong lúc các phóng viên trẻ tập tành làm người mẫu trên sân khấu, thì ở bên dưới các anh trong Đội Thông tin lưu động của tỉnh Gia Lai lại đứng ngồi không yên, ái ngại cho cái sân khấu dựng bằng xe lưu động sẽ không chịu nổi sức nặng của gần 30 người ?!
100% đồng bào ở các xã biên giới Ia Mơr, Ia Phôn thuộc huyện Chư Prông, Đức Cơ mà đoàn đến thăm đều là người Jơrai, đa số nghe và nói tiếng phổ thông không rõ. Để gần gũi với bà con, trong suốt cuộc hành trình chị Rmah H’Nin, Phó Chủ Tịch Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh, đã kiêm luôn chức “thông dịch” cho đoàn, nhờ đó mà các em nhỏ được biết nhiều trò chơi hơn.
Là một cán bộ Đoàn nhiệt tình và cũng là một người con của dân tộc Jơrai chị H’Nin hiển nhiên trở thành người phiên dịch sáng giá nhất. Với đồng bào, ca sĩ nổi tiếng hay nghiệp dư cũng như nhau, bà con thấy múa hát sôi nổi, vui nhộn là thích mà không cần phải trau chuốt. Đấy là kinh nghiệm mà anh Đỗ Tuấn (Báo Sài Gòn Giải Phóng) rút ra sau chuyến đến đây năm ngoái. Để phục vụ hiệu quả nhất những bài hát tập thể đầy khí thế, hừng hực sức trẻ mà ai cũng thuộc làu làu như : Hành trình tuổi 20, Khát vọng tuổi trẻ, Nối vòng tay lớn, Hát mãi khúc quân hành…
MỸ HẠNH