Ông HUỲNH THANH NHÂN - Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM: Động viên lực lượng cán bộ công chức cấp xã Chúng tôi ghi nhận và thấu hiểu những khó khăn, áp lực của cán bộ cấp xã phường, nhất là ở những xã phường đông dân. Thời gian qua, nhất là sau khi thực hiện Nghị định 34 về cán bộ công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố. Hiện TPHCM đang tổng kết, đề xuất Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Trong đó, TPHCM đề xuất trung ương cho phép HĐND TPHCM quyết định số lượng, mức chi cho lực lượng hoạt động không chuyên trách ở xã phường. Trong lúc này, TPHCM trong khả năng của mình cũng động viên lực lượng cán bộ công chức cấp xã bằng các chế độ chính sách, trong đó thu nhập tăng thêm cũng là một nguồn động viên. Dự kiến cuối năm nay sẽ có nghị định cho phép các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được ký hợp đồng để có thêm nhân sự, cũng là một hướng tháo gỡ vấn đề cho các phường xã đông dân. TS THÁI THỊ TUYẾT DUNG - Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TPHCM: TPHCM cần được chủ động trong sắp xếp biên chế cấp xã Trong dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, tôi thấy TPHCM đề xuất quy định cho phép HĐND TPHCM xác định cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức tăng thêm để bổ sung đối với các phường, xã, thị trấn đông dân ngoài số lượng quy định của Chính phủ; số lượng tăng thêm không quá 3 công chức cho một đơn vị hành chính cấp xã. Tôi cho rằng, đề xuất này chưa phù hợp với thực tiễn, cần thiết phải căn cứ vào dân số, khối lượng công việc mà UBND cấp xã đang phải xử lý. Bởi lẽ, tinh thần của dự thảo nghị quyết là sẽ phân cấp, ủy quyền cho cấp xã nhiều hơn, thì lượng công việc sẽ nhiều, việc tăng thêm 3 biên chế không giải quyết tận gốc của vấn đề. Mà cái gốc là cần để TPHCM chủ động trong việc sắp xếp biên chế cấp xã. |
Một người kiêm nhiệm nhiều công việc
18 giờ 30 một ngày giữa tuần, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại UBND xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, vẫn sáng đèn. Hồ sơ quá nhiều, xã tổ chức tiếp nhận hồ sơ đến 18 giờ 30 vào các ngày thứ 3 và thứ 5 trong tuần. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ ở đây cho biết, từ khi tinh giản cán bộ, lượng công việc đổ dồn, một người phải kiêm nhiệm, choàng gánh thêm nhiều công việc của các bộ phận khác.
Cảnh tượng này cũng trở nên quen thuộc ở nhiều xã phường đông dân tại TPHCM. Mới đây, chia sẻ trước đoàn công tác của Bộ Nội vụ, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh Nguyễn Ngọc Tuấn khiến không khí trong phòng họp như lặng đi: “Áp lực quá lớn, khiến cuộc sống, sức khỏe của cán bộ công chức bị ảnh hưởng rất nhiều. Anh chị em bị vợ/chồng cự nự, tình trạng ly hôn cũng rất phổ biến vì thời gian dành cho gia đình rất ít. Nhiều người 2-3 năm chưa được nghỉ phép, chưa được nghỉ thứ bảy, chủ nhật”.
Phường Hiệp Bình Chánh có diện tích 647ha, dân số 107.000 người, lượng công việc rất lớn mà số lượng cán bộ công chức thì liên tục giảm. Trước năm 2019, phường có 62 người, nay chỉ còn 34. Áp lực công việc quá lớn, cán bộ công chức liên tục nộp đơn xin nghỉ việc, trong đó có cả một Phó Chủ tịch UBND phường. Mà mỗi lần có người nghỉ thì xin bổ sung, thay thế rất khó khăn.
Theo thống kê, hiện nay TPHCM có không ít xã, phường có dân số trên 100.000 dân, như: Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), Bình Hưng Hòa A, Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân), Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức)… Chưa kể những phường xã có số dân ngót nghét 100.000 cũng chiếm số lượng rất lớn. Khi góp ý về việc thực hiện Nghị quyết 54, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM, chia sẻ, “ấn tượng mãi” khi chứng kiến đến 18 giờ 30 mà công sở các xã ở huyện Bình Chánh còn sáng đèn, công việc vẫn diễn ra như thường.
Đưa ra con số bình quân một xã phường ở TPHCM có hơn 31.100 dân, cao gấp 3,5 lần bình quân chung cả nước (khoảng 9.000 dân), đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, cần phải coi đây là một đặc thù. Muốn phục vụ tốt thì số lượng người dân mà một công chức phải phục vụ không thể vượt quá con số nhất định, không thể cứ làm gấp 3 lần mức bình thường mãi. Việc thiếu nhân lực càng thể hiện rõ trong khoảng thời gian TPHCM căng mình chống dịch. Dịch Covid-19 vừa được kiểm soát chưa lâu, dịch sốt xuất huyết đã bắt đầu tăng mạnh, “báo hiệu” núi công việc khổng lồ đang đợi chờ đội ngũ cán bộ công chức cấp xã.
Trong khi đó, ở quận 1, nơi dân số chỉ hơn 140.000 người, nhưng áp lực lại đến từ các hoạt động sôi động trên địa bàn. Bí thư Quận ủy quận 1 Trần Kim Yến cho biết, một ngày có 24 giờ thì có tới 16 giờ, địa bàn quận 1 có đến hơn 1 triệu người tham gia các hoạt động kinh tế, văn hóa giải trí. Nhiều hôm, cán bộ các phường Phạm Ngũ Lão, Bến Nghé phải làm việc đến 2-3 giờ sáng mới nghỉ và đến 7 giờ sáng lại đã phải có mặt ở nhiệm sở.
Vượt qua áp lực
Trước đây, lãnh đạo nhiều xã phường quá tải với việc ký hồ sơ sao y chứng thực. Ở những nơi đông dân, lãnh đạo xã phải “hì hục” ký hàng trăm, thậm chí cả ngàn chữ ký mỗi ngày. Nay, việc ký hồ sơ sao y chứng thực được ủy quyền cho công chức tư pháp hộ tịch, nên công chức lĩnh vực này cũng bận rộn nhiều hơn. Ở các xã phường đông dân, trong giờ hành chính, công chức này gần như chỉ làm được mỗi việc là giải quyết hồ sơ sao y chứng thực cho người dân. Còn nhiệm vụ tham mưu cho lãnh đạo UBND xã phường phải để sau cùng, dĩ nhiên là khi đó đã hết giờ làm việc từ lâu.
Lãnh đạo UBND phường Hiệp Bình Chánh cho hay, anh chị em ở phường phải chia sẻ công việc với nhau, bộ phận nào ngơi tay một chút thì qua giúp bộ phận khác, nếu không thì không biết khi nào xong việc. Hiện bộ phận quá tải nhất là hộ tịch, địa chính, văn phòng; những bộ phận khác cũng không khá hơn bao nhiêu. Công chức bộ phận kinh tế phải quản lý cả về thuế, hộ kinh doanh. Phường có hơn 4.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh mà chỉ có một công chức đảm đương. Công chức địa chính phụ trách các mảng về đất đai, xây dựng, đô thị, môi trường, mà hiện cũng chỉ có 3 người.
Quá giờ hành chính, công chức xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TPHCM vẫn miệt mài làm việc vì hồ sơ quá nhiều
Để “chia lửa” với các công chức phường, xã đông dân, một số nơi đang thực hiện việc thuê cộng tác viên, chủ yếu là các việc như hướng dẫn người dân tiếp nhận hồ sơ, sắp xếp hồ sơ... Tiền lương của các cộng tác viên, phường xã phải xoay sở cân đối, thường là các khoản lẽ ra dùng để chăm lo đời sống cho công chức, thì nay phải chia ra để thuê thêm cộng tác viên làm việc. Kiêm nhiệm một lúc nhiều công việc cũng là một cách để tạm thời giải quyết bài toán “việc nhiều, dân đông, cán bộ ít”. Khi được hỏi, một số công chức ở xã phường đông dân cũng mong muốn có thêm các ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết công việc nhanh gọn, bớt áp lực hơn.
Hiện nay, TPHCM đang xây dựng Đề án biên chế ở các xã phường đông dân. Lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết, đang xây dựng đề án để tháng 9 có thể trình Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM. Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, với đề án này, bên cạnh việc đề xuất thêm nhân sự cho các xã phường thì TPHCM trước tiên chú trọng đến ứng dụng công nghệ để giải quyết công việc, giúp công chức cấp xã giải quyết công việc hiệu quả hơn.
Liên quan đến các đề xuất tăng biên chế, lãnh đạo TPHCM cũng khẳng định quan điểm mong muốn trung ương giao biên chế theo dân số và khối lượng công việc để phù hợp đặc điểm TPHCM nói riêng và các địa phương đông dân nói chung. Ngoài “biên chế cứng” giao cho các địa phương thì trung ương cũng nên có quy định cụ thể để địa phương được tăng thêm “biên chế mềm” phù hợp với thực tế địa phương.