Nghiên cứu đề xuất các ưu đãi trong lĩnh vực các ngành văn hóa và sáng tạo

PGS-TS Đỗ Thị Thanh Thủy, Trưởng ban nghiên cứu văn hóa, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã đưa ra quan điểm như vậy trong hội thảo Cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp văn hóa và sáng tạo diễn ra ngày 26-9, tại Hà Nội.
Hội thảo "Cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp văn hóa và sáng tạo"
Hội thảo "Cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp văn hóa và sáng tạo"

Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, các doanh nghiệp văn hóa trao đổi, tham vấn về các thách thức, văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế quản lý để hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam.

Nhận diện vướng mắc về cơ chế, PGS-TS Đỗ Thị Thanh Thủy cho rằng, thách thức đối với Chính phủ là đạt sự cân bằng giữa việc giữ thuế đủ thấp để thu hút đầu tư tư nhân và đủ cao để tài trợ cho các dịch vụ công. Hơn nữa, cải cách kinh tế không nên dẫn đến việc giảm bớt vai trò trung tâm của Nhà nước trong việc quản lý công tác văn hóa.

Việc xác định chính sách văn hóa của Nhà nước là vạch ra các chiến lược hoặc kế hoạch, biện pháp, cơ chế cụ thể nhằm chỉ đạo, hướng dẫn và gây ảnh hưởng đến hoạt động văn hóa hoặc để cung cấp, hỗ trợ cho sản xuất văn hóa.

Trong phát biểu đề dẫn, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng cũng chỉ rõ, được đánh giá là có tiềm năng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam trong những năm tới, tuy nhiên, ngành này hiện đang gặp nhiều khó khăn do thiếu các cơ chế, chính sách ưu đãi chuyên biệt đối với các doanh nghiệp.

Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng phát biểu tại hội thảo
Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng phát biểu tại hội thảo

Liên quan tới cơ chế chính sách ưu đãi, ông Đỗ Quang Minh, chuyên viên Vụ Kế hoạch và tài chính, Bộ VH-TT-DL cũng cho rằng, Nhà nước có vai trò định hướng chỉ đạo, còn “sân chơi” phần lớn thuộc về doanh nghiệp, nghệ sĩ độc lập và tổ chức nước ngoài. Thách thức về chính sách hỗ trợ văn hóa Việt Nam là thiếu cơ sở khoa học, nhiều cơ quan quản lý chồng chéo, thiếu sự tương tác giữa Nhà nước và doanh nghiệp.

Đề xuất giải pháp, đại diện Vụ Kế hoạch và tài chính cho rằng, chính sách, ưu đãi phải có sự tương đồng, hỗ trợ pháp lý, tín dụng để giải quyết bài toán đấu thầu với nhà sản xuất nước ngoài khi việc xuất khẩu sản phẩm văn hóa Việt Nam sang nước ngoài ngày càng phát triển và tạo không gian sáng tạo văn hóa.

Đại diện các tổ chức sáng tạo văn hóa cũng bày tỏ nhiều khó khăn, thách thức khi tuân thủ chính sách, cơ chế quản lý của Nhà nước, đặc biệt là khâu tiền kiểm - hậu kiểm các sản phẩm văn hóa. Việc phát hành sản phẩm văn hóa trên môi trường số ngày càng phát triển, mà quá trình tiền kiểm chậm trễ sẽ làm lỡ nhiều cơ hội cho phía doanh nghiệp.

Tại hội thảo, TS Mai Thùy Hương, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho biết, chủ trương về xã hội hóa đã có từ những năm 2008, có các chính sách ưu đãi về thuế đối với một số loại hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu trong ngành văn hóa và sáng tạo, tuy nhiên, trong thực tế, cơ chế và năng lực thực thi các chính sách đó chưa hiệu quả.

Những năm gần đây, nhận thức rõ được những bất cập và hạn chế trong việc cập nhật chính sách và hiệu quả thực thi chính sách ưu đãi đối với các ngành văn hóa và sáng tạo, Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan đã điều chỉnh và cập nhật.

Hiện nay, Bộ VH-TT-DL nghiên cứu để đề xuất những cơ chế huy động đa dạng nguồn lực cho phát triển như ưu đãi thuế và đặc biệt là áp dụng thí điểm mô hình hợp tác công tư trong lĩnh vực các ngành văn hóa và sáng tạo ở một số địa phương như Hà Nội, TPHCM, Thừa Thiên Huế...

Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam đang thực hiện đề tài nghiên cứu về mô hình hợp tác công - tư trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo ở Hà Nội. Vụ Kế hoạch Tài chính cũng đang thực hiện nhiệm vụ về xây dựng cơ chế ưu đãi thuế đối với lĩnh vực văn hóa.

Tin cùng chuyên mục