Ngoại giao “khiêm tốn”

Bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Barack Obama ở Học viện quân sự Mỹ tại West Point vừa qua đã cho thấy chính sách ngoại giao mới của Mỹ và phần nào giải thích được thái độ của Mỹ trong hàng loạt sự kiện quốc tế thời gian qua.

Theo Bloomberg, Syria có lẽ đã trở thành một thảm họa an ninh đối với Mỹ. Tuy nhiên, lính Mỹ không phải bỏ mạng, Chính phủ Syria đã không sử dụng vũ khí hóa học đối với đồng minh của Mỹ. Đã không còn những thông tin về lính Mỹ tử trận ở Iraq, trong khi quân đội nước này cũng đang triệt thoái khỏi Afghanistan.

Đàm phán về hạt nhân Iran có thể không thành công, nhưng nỗ lực giải quyết khủng hoảng bằng biện pháp hòa bình phần nào đem lại sự tích cực trong quan hệ Mỹ - Iran. Những điều này có được là nhờ chính sách ngoại giao mà Tổng thống Obama đã lựa chọn. Đây là điều mà ông đã nhắc đến trong bài phát biểu tại West Point: cần phải cân nhắc kỹ lưỡng rằng hành động có cân xứng, hiệu quả và chính đáng hay không.

Trong cuộc khủng hoảng tại bán đảo Crimea, chắc chắn một điều rằng nếu Tổng thống Mỹ không phải là ông Obama, vị này cũng sẽ không chọn giải pháp quân sự để đối đầu với Nga. Hay với việc phô trương sức mạnh của Trung Quốc, Mỹ không phải nôn nóng khi mà đồng minh của Mỹ tại châu Á đều rất mạnh. Việc cân nhắc, đong đếm thiệt hơn, là để tránh những sai lầm đắt giá trong quá khứ mà phần nào là do chính sách ngoại giao của Mỹ. Ông Obama chắc chắn không muốn lặp lại những bài học đã từng xảy ra với Mỹ tại Iraq hay Afghanistan.

Trong đường lối ngoại giao của mình, Tổng thống Obama nhấn mạnh đến “hành động tập thể” và sự “đồng thuận của quốc tế”. Ông Obama muốn mở rộng các công cụ bao gồm những biện pháp ngoại giao và phát triển, trừng phạt và cô lập, dùng đến luật pháp quốc tế và chỉ khi cần thiết, hiệu quả mới sử dụng hành động quân sự “đa phương”.

Theo ông Obama, những hành động mang tính tập thể nhiều khả năng sẽ thành công hơn, có thể duy trì dễ hơn, và khó dẫn tới những sai lầm đắt giá. Tổng thống Obama nhấn mạnh Mỹ sẽ sử dụng quân đội, đơn phương khi lợi ích cốt lõi của Mỹ - trong trường hợp người dân bị đe dọa, nguồn sống gặp nguy hiểm hay an ninh của các nước đồng minh bị thách thức.

Một lựa chọn được xem là hợp lý của ông Obama trong thời điểm nền kinh tế Mỹ đang phục hồi hết sức mong manh. Để các đồng minh chia sẻ gánh nặng giúp Mỹ đảm bảo được lợi ích của mình trong khi tiết kiệm một khoản ngân sách không nhỏ.

Theo giới quan sát, việc thay đổi chính sách ngoại giao của ông Obama một phần còn bắt nguồn từ dư luận trong nước. Các cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy nhiều người Mỹ muốn nước này có một chính sách ngoại giao “khiêm tốn” hơn. Hay theo như cách nói của sử gia, nhà bình luận chính sách đối ngoại của Viện Brookings Robert Kagan: một chính sách ngoại giao mà Mỹ không còn đóng một vai trò đầu tàu trên thế giới mà để cho các quốc gia tự giải quyết đối với vấn đề của riêng họ.

Tuy nhiên, một nghịch lý xuất hiện: dù Tổng thống Mỹ đáp ứng mong muốn của cử tri nhưng tỷ lệ ủng hộ ông Obama hiện không cao. Lý giải về điều này, ông Kagan cho rằng trong ngắn hạn cử tri muốn một chính sách có lợi nhiều hơn cho nước Mỹ nhưng họ không cảm thấy tự hào vì những gì mà ông Obama đã làm.

ĐỖ CAO

Tin cùng chuyên mục