Đài RFI cho hay số vaccine ngừa Covid-19 chủ yếu do 2 tập đoàn của Trung Quốc là China National Biotec (CNBG) và Sinovac Biotech cung cấp. 2 loại vaccine do CNBG phát triển và 1 loại của Sinovac Biotech đang ở trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng ở Nam Mỹ, Trung Đông và châu Á.
Trước khi nhà khoa học Wang Junzhi cung cấp thông tin trên, Phó thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan đã yêu cầu các nhà sản xuất chuẩn bị cung ứng số lượng lớn vaccine ngừa Covid-19 ra toàn cầu. Đây được xem là chiến dịch “ngoại giao vaccine” đánh bóng hình ảnh Bắc Kinh sau “ngoại giao khẩu trang” trước đó.
Hồi đầu năm nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã loan báo nhân đại hội thường niên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) rằng vaccine Trung Quốc sẽ là “tài sản chung của thế giới”. Tuy nhiên, sẽ không có chuyện Trung Quốc cung cấp miễn phí vaccine. Bắc Kinh sẽ ưu tiên cung cấp cho những nước thử nghiệm vaccine, các nước bạn của Trung Quốc và nhất là các quốc gia đang phát triển.
Điều này đã được thấy rõ nhất qua hình ảnh đợt giao vaccine lần thứ hai của Sinovac Biotech đến Brazil hôm 4-12, hay những chiếc máy bay vận tải chờ đợi trước các kho lạnh trong sân bay Trung Quốc ở vùng duyên hải phía Đông, sẵn sàng vận chuyển hàng trăm triệu liều vaccine tới Nam Mỹ, Trung Đông, châu Phi và châu Á.
Giới quan sát nhận định thông qua ngoại giao vaccine ngừa Covid-19, Trung Quốc muốn xóa bỏ những cáo buộc Bắc Kinh chậm trễ phản ứng khi đại dịch vừa khởi phát bằng cách đóng góp vào việc kết thúc dịch Covid-19. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để thúc đẩy tài chính cho các công ty sinh học của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Không chỉ Trung Quốc, Nga cũng rất tích cực với ngoại giao vaccine. Tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào tháng 11 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, tất cả mọi người nên được tiếp cận với vaccine ngừa Covid-19, đồng thời khẳng định Nga sẵn sàng cung cấp vaccine ngừa Covid-19 cho tất cả các nước có nhu cầu. Nga là nước đầu tiên trên thế giới đăng ký vaccine ngừa Covid-19 (vaccine Sputnik V do Trung tâm Nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh học Gamaleya nghiên cứu phát triển). Hàng loạt quốc gia như Belarus, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ấn Độ... đã bày tỏ sự quan tâm dành cho vaccine Sputnik V.
Tờ The Straits Times dẫn lời cựu Đại sứ Pháp tại Nga Jean de Gliniasty nhận định vaccine Sputnik V là một trong những loại vaccine đầu tiên được nghiên cứu, phát triển độc quyền ở Nga thời hậu Xô viết. Đây là một biểu tượng, đánh dấu sự trở lại của Nga trên trường quốc tế trong lĩnh vực dược phẩm. Thông qua vaccine Sputnik V, Nga sẽ cố gắng đạt được lợi ích tối đa về quyền lực mềm.
Trong khi đó, ngày 8-12, hãng Sputnik đưa tin Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh: ưu tiên hàng đầu của Mỹ là phân phối đủ vaccine cho tất cả người dân Mỹ, những người muốn được tiêm vaccine ngừa Covid-19, trước khi cung cấp ra thế giới.
Ngoài ra, Mỹ sẽ giúp các nước nghèo mua vaccine sau khi Washington thiết lập được cơ chế để quốc tế tiếp cận được với vaccine. Một lần nữa, ông Donald Trump lại cho thấy cam kết với chính sách “Nước Mỹ trước hết” của mình.