Ngôi trường di sản

Ngôi trường di sản

L.T.S: Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong vừa nhận bằng chứng nhận Di tích kiến trúc - nghệ thuật của TPHCM. Trước năm 1975, trường có tên là Petrus Trương Vĩnh Ký, đã từng đào tạo nhiều nhân tài cho đất Việt. Nhân dịp này, chúng tôi xin lược trích đoạn hồi ức của một thầy giám thị già Trường Petrus Ký - từng là học sinh cũ của trường trong truyện dài Mùa hè năm Petrus (tái bản lần thứ 5) của nhà văn Lê Văn Nghĩa.

Học sinh lớp 10 trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TPHCM tươi vui trong ngày khai giảng năm học 2015-2016. Ảnh: Mai Hải

Quá khứ của thầy Tư lại tràn về hình ảnh một cậu bé làng quê tỉnh Mỹ Tho lên Sài Gòn trọ học của những năm 40. Mái tóc húi cua vẫn còn vết tích “bảo tàng” của cái đầu ba vá. Lúc ấy, trường chưa xây hàng rào trước cổng đường Cộng Hòa (nay là đường Nguyễn Văn Cừ) với một “lãnh thổ” rộng lớn bao gồm tứ giác Cộng Hòa, Thành Thái, Trần Bình Trọng, Nguyễn Hoàng(*). Lúc vào trường, thầy có tìm hiểu thì được biết sau sự ra đời của Trường Collège Chasseloup-Laubat (năm 1874) và Trường Collège de Jeunes Filles Indigèges (1915), chính quyền thuộc địa Nam kỳ mở thêm trường bậc trung học thứ 3 tại Sài Gòn. Năm 1925, kiến trúc sư Ernest Hebrard được giao nhiệm vụ vẽ đồ họa xây cất cho ngôi trường mới tại Chợ Quán. Ngày 28-11-1927, Toàn quyền Đông Dương Alexandre Varenne ra nghị định thiết lập tại Chợ Quán một phân hiệu tạm thời của Collège Chasseloup Laubat dành cho học sinh người bản xứ lấy tên là Collège de Cochinchine. Năm 1928, khi các khu trường mới xây dựng xong, nhân dịp khánh thành tượng đồng của nhà bác học Petrus Trương Vĩnh Ký, Thống đốc Nam kỳ Blanchard de la Brosse chính thức đặt tên trường là Lycée Petrus Trương Vĩnh Ký. Do đó, trường còn có tên gọi là Petrus Ký.

Đây là công trình được thiết kế theo phong cách kiến trúc Đông Dương. Thầy Tư đã có những lúc đứng giữa trường một mình ngắm nhìn toàn bộ khuôn viên. Mặt bằng trường gồm ba dãy phòng học và một dãy hành lang trước bao quanh sân lớn ở giữa. Các dãy phòng học bố trí lầu, có hành lang rộng trước phòng học. Thay vì sử dụng lan can con triện theo kiểu kiến trúc Phục hưng Pháp thì hành lang được trang trí kiểu khung viền theo kiểu kiến trúc Romanesque.

Khoảng những năm giữa của thập niên 1950, phần đất của trường bị cắt xén để thành lập những trường khác như Đại học Sư phạm, nằm ở đường Thành Thái. Cạnh đó là Trung tâm Anh ngữ, trước kia là nhà dành riêng cho Tổng giám thị Trường Petrus Ký, hay ba dãy lầu lớn của trường được dành cho Đại học Khoa học và Đại học Sư phạm. Sau này phần đất kế bên được tiếp tục cắt để xây Trường Trung học Trung Thu ở đường Thành Thái (nay là đường An Dương Vương) và Trung tâm học liệu của Bộ Giáo dục phía đường Trần Bình Trọng, cạnh sân vận động Lam sơn. Tuy trường càng ngày càng thu hẹp về diện tích nhưng không vì thế mà uy tín của nó kém bớt đi.

Từ năm 1948, học sinh Trường Petrus Ký mở đầu phong trào đấu tranh đi “Dạy và học bằng tiếng Việt”, bãi bỏ chế độ thi hà khắc, chống khủng bố kiềm kẹp học sinh. Trong ngày tựu trường 10-9-1949, học sinh các trường kết hợp với trí thức và cha mẹ học sinh đưa yêu sách yêu cầu Bộ Giáo dục giải quyết ngay và tiến hành bãi khóa kéo dài một tháng. Chính quyền thực dân Pháp đàn áp và bắt bớ. Giám đốc Nha học chính Nam phần ra lệnh đóng cửa hai trường Petrus Ký và Gia Long, sau đó ra lệnh cho học sinh làm đơn xin đi học lại. Học sinh vẫn tiếp tục đấu tranh với ba yêu sách: Lập tức thả ngay những học sinh bị bắt; bảo đảm an ninh cho học sinh, không được khủng bố, bắt bớ vô cớ; mở các trường vô điều kiện, không phải làm đơn xin học lại. Cuộc đấu tranh lên đỉnh điểm khi học sinh của trường là  trò Trần Văn Ơn bị bắn chết lúc biểu tình tại dinh thủ hiến Nam phần.

Thầy nhớ lại cảnh mình đi theo đoàn biểu tình vào ngày 9-1-1950. Từ trường, thầy đi theo các bạn mình cầm biểu ngữ có chữ “Phải thả ngay các học sinh Petrus Ký bị bắt” đến dinh thủ hiến Trần Văn Hữu tại vườn hoa đường Lagrandière (nay là đường Lý Tự Trọng). Càng lúc học sinh các trường tham gia càng đông. Thủ hiến Trần Văn Hữu không chịu tiếp xúc với đại diện học sinh mà trái lại, còn đưa bọn “mã tà” đến đàn áp. Anh Trần Văn Ơn, khi leo qua rào dinh thủ hiến đã bị bắn chết.

Từ đó đến nay, khi nhắc đến Trường Petrus Ký không ai lại không biết đến đó là ngôi trường mà trò Trần Văn Ơn đã từng theo học. Giáo sư Hán Văn - Ưng Thiều đã  làm bài thơ Đường để ngợi ca trường: Trường tôi ở tại lối Nancy/ Trung học đường kia có bản ghi/ Mượn hiệu người xưa Trương Vĩnh Ký/ Lẫy lừng danh tiếng đã bao thì.

…Thầy nhìn những “đứa trẻ” ngồi đây, sau vài năm nữa cũng sẽ ra trường, học đại học và có em sẽ trở thành những người có danh giá trong xã hội, xây dựng đất nước giữ vững và duy trì truyền thống của ngôi trường xinh đẹp, cổ kính này n

__________
(*) Nay là đường Nguyễn Văn Cừ, An Dương Vương, Trần Bình Trọng và Trần Phú.

LÊ VĂN NGHĨA

Tin cùng chuyên mục