Ngọt ngào trong tết Huế: "Bí mật" của miền thương nhớ

Cây bồ đề tháng Chạp xòe vòng tay che mái ngói khoe sự bền bỉ với xứ mưa. Những chông hoa giấy được người ta chở từ bên kia làng Sình về ngang đột nhiên rực rỡ góc phố đang trầm xám tiết trời Vũ Thủy. Em nhớ về những ngày bình thường sửa soạn tết có anh.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
a3-ngot-ngao-tet-hue-3606.jpg
Ngọt ngào tết Huế

Trong lúc đợi những chấm hoa vẽ trên nền áo dài thấp thoáng màu chúa xuân của mai vàng, màu tinh tấn hoa thược dược trắng, màu thơ dại của cỏ…, anh bắt đầu bày ra năm màu giấy ngũ sắc đựng bánh. Đứa cháu gái lên 8 tuổi như con ong vò vẽ quanh cậu, nói: “Cậu gấp cái gì hay thế?” và đứng cạnh dòm xem.

anh-a1-5451.jpg

Chiếc hộp ngũ sắc trở thành trò chơi bí mật của hai cậu cháu. Chiện tíu tít cầm chiếc hộp soi trước đèn, hít hà như thể bên trong có tinh dầu mùa xuân. Chiện hồ hởi chạy lên mấy bậc thang khoe với bé Mây và hai đứa oẳn tù tì để chạm vào chiếc hộp năm màu.

anh-5-4570.jpg

Những đứa cháu lớn cũng ngồi xuống, gấp theo cậu mới vài nếp đã gấp lệch, xém rách giấy. Con gái bác Thịnh nhắc nhớ: “Hồi tê bà nội hay ngồi ở đây gấp hộp ngũ sắc. Bàn tay nội gầy như cành ngự mai, trời cuối Chạp lạnh tê cứng tay mà nội làm thoăn thoắt. Giáp Tết, bao giờ nội cũng nổ mấy bì ngô nổ, bốc nổ bỏ vào túi áo khoác từng đứa cháu. Tay gấp, miệng nhai nghe rau ráu, vui tai biết bao”.

Những hộp ngũ sắc xếp đầy một gánh, bà bảo gấp nhiều một chút để cho cái Na, cái Nết về biếu ông bà thông gia chưng tết.

Thoáng chốc, mấy đứa cháu về. Nhà vắng, chỉ có trầm thoảng. Dường như, góc bàn ăn còn văng vẳng những lời mẹ anh nói: “Ra Giêng, lấy vợ đi cho mẹ”.

Anh vừa vuốt lại tà áo dài mẹ đi lễ chùa về vừa nói dằn dỗi: “Mẹ này!”. Từ khi vẽ được trưng bày nhiều phòng tranh trong và ngoài nước có tiền, anh thường bảo mẹ ra ngoài mua bánh ngoại chứ ăn bánh cổ truyền nhiều đường. Mẹ đằng hắng: “Bánh tự làm mới thơm mới thảo”.

Mới đó, mẹ ra đi nhẹ như một áng mây rong chơi cuối trời. Anh ngoài 45 tuổi vẫn như đứa trẻ vô tư với con heo đất được mẹ đi chợ tết, mua cho bỏ tiền lì xì rồi bất chợt rơi vỡ, cứ ôm mãi mảnh vỡ và òa khóc khi thấy hộp bánh ngũ sắc năm trước mẹ làm bị ai vô tình cầm mạnh tay bị méo.

Ba đi chơi với mấy ông bạn già về mang theo mấy bịch đỗ xanh để đổ bánh in. Chiện sà tới ôm cổ cậu đòi ăn chè xanh đánh. Anh không ngần ngừ, trả lời: “Để cậu nấu cho”.

“Hoan hô, hoan hô. Đúng cậu và mợ Chọa Hì là một đôi trời sinh”. Anh nghe Chiện vừa biết nói lái tên tôi vừa kêu tôi là mợ chợt giật mình. Vừa lúc tôi đến chơi, Chiện chạy vụt về phía cầu thang rồi ngoái lại vòng tay làm một hình trái tim và reo lên: “Cặp đôi trời sinh”.

Tôi ngồi gấp giấy với đôi tay lóng ngóng. Anh nói chuyện vu vơ: “Ngày bao nhiêu em về tết?”. Tôi nói: “27 tháng Chạp, em về. Anh có ra nhà em chơi không?”.

Anh tủm tỉm, nói dè dặt: “Anh sợ rét lắm!”.

Tám năm trước, chúng tôi quen nhau nhưng đến nay anh vẫn không bao giờ nói thương tôi. Cho đến ngày mẹ anh ra đi, chúng tôi tiễn biệt người mẹ hiền yêu dấu của anh đánh đàn hay, nấu ăn ngon, đan len, viết nhạc, chăm con rất giỏi. Anh quay mặt vào cây hạ uy cầm trên tường của mẹ, tuyệt nhiên không nỉ non nửa tiếng khóc nào.

Tôi trao anh chiếc bánh bó mới đặt nói anh ăn thử. Anh rưng rưng cầm và nhìn chiếc bánh cắt lát mỏng còn xạm bột nếp như một miền thương và nhất định để cúng cho mẹ và gia tiên trước. Xưa, bánh bó là loại bánh mẹ thường dùng để đãi khách họ Đặng qua chơi. Hồi bé, phải mỗi lần qua nhà thờ họ tộc bên ngoại, anh mới được nếm thử bánh bó nên anh thường nhét đầy hai túi áo về khiến mẹ ngượng đỏ mặt vì sự “giấu giàu chứ không ai giấu được nghèo”.

Từ ấy về sau, mẹ năm nào cũng làm bánh bó đựng trong hộp ngũ sắc. Suốt hai tháng 9 - 10, mẹ đã về phường Kim Long, nơi từng là những “thôn hoa biếc xanh” từ sớm để mua quất, cam, gừng, vỏ chanh rồi mới đi chợ mua dừa, cà rốt. Mẹ dạy tất cả loại bánh cho chị Nết, chị Na.

Thi thoảng, anh sẽ được các chị nhờ: đổ đường và nước lạnh vào nồi, cắt mứt, rim mứt… riết thành quen. Mứt làm bánh bó loại cắt rối, loại cắt thành sợi, loại cắt khúc. Mỗi loại mứt dùng thứ quả xanh, chín, chín tới khác nhau. Anh khéo tay trộn đều bột, rây lớp bột nếp lên thớt, trút bánh lên trên bột rồi lấy tay bó chặt, ấn thành bó vuông dài. Không đợi cắt bánh, anh nếm thứ bột còn dính trên tay mút lén. Đó là những kỷ niệm ngọt ngào nhất tuổi thơ.

anh-a4-5309.jpg

27 tháng Chạp, anh tỉ mỉ bỏ từng hộp bánh ngũ sắc vào hộp và thắt chiếc nơ đỏ làm quà. Hộp bánh 52 chiếc tượng trưng cho 52 tuần sinh sôi nảy nở, sum vầy của một năm mới. Anh dí vào tay tôi, lí nhí: “Em cầm về cúng gia tiên”.

Tôi lên tàu về ga Hương Phố. Tiết trời Hà Tĩnh rét run rẩy cả vườn hoa chanh trước vườn. Dù không có gì đáng giá, mẹ tôi vẫn sửa soạn một cành đào phai chi chít nụ cho có xuân như mẹ đã cho con gái sự dịu dàng.

Tôi cầm hộp bánh ngũ sắc như bức tranh Pháp Lam của tình yêu đặt lên bàn thờ cúng gia tiên. Thời khắc giao thừa, anh gọi điện, bảo: “Mùng 2 Tết, gia đình anh ra nhà em chơi. Ra Giêng, anh cưới em”.

Trước khi ra Hà Tĩnh, ba anh cầm cây cát sét cũ và mang cả bánh bánh bó, khô nổ đựng trong hộp ngũ sắc lên mộ mẹ anh. Khói lên cay mắt. Mọi người lên xe cả rồi ba vẫn nán lại: “Bà nghe hết bài Nguyệt Ca rồi tôi ra xe sau, bà ăn chút bánh ngọt hôm nay, tôi báo con trai thứ của chúng ta sắp có vợ”.

HẢI HẠC PHAN

Đường Nguyễn Hữu Thọ, P. Hòa Thuận Tây, Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng

Tin cùng chuyên mục