Chia sẻ về vấn đề này, TS khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu cũng cùng nhận định, trong thời gian ngắn nữa thôi, nếu chúng ta không quan tâm, đầu tư, phát triển ngư nghiệp thì sẽ không còn ngư dân. Mà đã không còn ngư nghiệp và ngư dân thì sẽ mất đi bản sắc văn hóa của người dân vùng biển Cần Giờ, và Lễ hội Nghinh Ông cũng sẽ mất đi trong tương lai không xa. Phát triển kinh tế biển cần gắn với Lễ hội Nghinh Ông như là một hoạt động gửi gắm niềm tin. Bên cạnh đó, lễ hội còn là một hoạt động văn hóa độc đáo của thành phố, có thể thu hút lượng lớn khách du lịch, mang đến nguồn lợi kinh tế giúp phát triển khu vực này. Để làm được như thế thì lễ hội cần có sự nâng tầm lên nữa.
Hiện nay, Lễ hội Nghinh Ông hàng năm tuy mang danh là lễ hội cấp thành phố, nhưng hầu hết nguồn lực tổ chức, con người thực hiện đều là của huyện Cần Giờ. Sự hỗ trợ của thành phố chủ yếu là gửi thêm người phối hợp cùng tổ chức một vài hoạt động như chạy marathon, cờ tướng, đạp xe đạp… Chính vì thế, Lễ hội Nghinh Ông hiện vẫn chưa xứng tầm là một lễ hội văn hóa truyền thống người dân vùng biển của một thành phố lớn như TPHCM.
Cho nên, muốn duy trì hoạt động lễ hội này cần thiết phải nâng tầm lên và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. “Thành phố có sự kiện gì lớn đúng dịp Lễ hội Nghinh Ông thì có thể đưa về Cần Giờ, để thu hút người dân và du khách đến tham dự. Có sự kiện mới thu hút được du khách, mới có thêm nguồn lực đầu tư cho phát triển Cần Giờ trong tương lai”, TS khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu chia sẻ.
Từ sau năm 1975, dân cư từ khắp nơi trở về Cần Giờ canh tác, cư trú đã dựng lại được cả một quá trình lịch sử, văn hóa của vùng đất Nam bộ xưa, đặc biệt là lễ hội Lăng Ông Thủy Tướng có từ những năm đầu của thế kỷ 20.
Về mặt lịch sử, đạo quân Cần Giờ từ thời triều Nguyễn thuộc thành Gia Định, nhưng đã vươn ra xa khai thác ở vùng biển đảo Côn Đảo ngày nay. Thành Gia Định thời đó kiêm bảo vệ luôn cả Côn Đảo và Cần Giờ - là cửa biển, mặt tiền Biển Đông của vùng đất Sài Gòn, khi đó đã trở thành một nơi hết sức đặc biệt. Cùng với quá trình phát triển đô thị, ngư nghiệp dần lụi tàn và kéo theo đó là ngư dân cũng dần giảm mạnh. Thiếu ngư dân, các lễ hội liên quan đến nghề biển cũng dần mất đi, trong đó có Lễ hội Nghinh Ông. Vùng đất Cần Giờ cũng vì thế dần mất đi những nét riêng, những truyền thống văn hóa độc đáo của mình. TPHCM cũng sẽ mất đi một vùng văn hóa mang tính chất biển vốn dĩ có truyền thống lịch sử lâu dài.
Chính vì thế, để phục hồi lại nét văn hóa truyền thống không chỉ là công việc riêng của ngành văn hóa, nếu như thế thì các lễ hội chỉ còn là dạng kịch bản sân khấu hóa, rất khó để hấp dẫn du khách. Song song với việc phục hồi ngư nghiệp, để người dân quay lại với biển, tận dụng nguồn lợi thủy hải sản quan trọng vùng cửa sông, giúp đời sống người dân vùng Cần Giờ trở nên tốt hơn, thì vấn đề hồi sinh, khuyến khích các lễ hội mang nét văn hóa đặc sắc của người dân miền biển cũng là yếu tố không thể thiếu. Các lễ hội như Lễ hội Nghinh Ông khi đó sẽ đóng vai trò gắn kết giữa sự phát triển hiện đại của đô thị ven biển, của ngư nghiệp tiên tiến với những nét văn hóa truyền thống của người dân vùng biển. Lễ hội sẽ không chỉ góp phần lưu giữ những nét đẹp truyền thống của dân tộc mà còn là sản phẩm văn hóa độc đáo thu hút khách du lịch.