Các quốc gia phương Tây nói chung và Mỹ nói riêng luôn tự hào với nền báo chí gắn liền với tôn chỉ tự do ngôn luận, cung cấp thông tin nóng, chính xác để phục vụ độc giả. Thế nhưng, truyền thông Mỹ ngày càng sa vào chức năng công cụ tuyên truyền, lót đường cho những cuộc chiến nhằm vào các quốc gia đối đầu với Mỹ hoặc đất nước gặp bất ổn nội bộ.
Được nhắc nhiều trên báo chí Mỹ trong thời gian qua là “đích ngắm” Iran và Syria. Những bản tin, bài phân tích trên báo Mỹ đều muốn ám thị người dân nước này rằng can thiệp quân sự vào Iran là điều không thể tránh khỏi.
Trước tiên, thông tin về việc Iran đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz và sau đó là xoáy vào những báo cáo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Trong báo cáo của IAEA mới đây, cơ quan này chỉ nhắc đến việc Iran có thể trang bị được điều kiện kỹ thuật cần để họ phát triển vũ khí hạt nhân nếu muốn. Tuy nhiên, tờ New York Times đang hướng dư luận hiểu theo cách: Iran đang thực hiện kế hoạch chế tạo vũ khí hạt nhân và “sứ mệnh” của một nước lớn như Mỹ, phải ngay lập tức có động thái can thiệp. Đây là cách truyền thông Mỹ áp dụng thành công trước khi đưa quân sang Iraq.
Jeff Cohen, một nhà sản xuất chương trình truyền hình kỳ cựu, từng làm việc cho kênh MSNBC của Mỹ chia sẻ, ở giai đoạn Mỹ chuẩn bị thực hiện cuộc chiến ở Iraq năm 2003, anh và đồng nghiệp của mình phải chịu áp lực vô cùng căng thẳng. Họ có trách nhiệm phải chuyển tải thông điệp làm sao để người dân đồng tình với chiến tranh, như thế mới có lợi cho ông chủ của các tập đoàn truyền thông chủ quản.
Và theo Cohen, báo chí Mỹ ngày nay không khác gì một kênh thông tin chính thống để ủng hộ các kế hoạch chiến tranh của chính quyền Mỹ. Ở Syria, Mỹ và phương Tây, cùng với sự sát cánh của Liên đoàn Ảrập (AL), thông tin đến với độc giả phần lớn theo một chiều, người dân quốc gia Trung Đông đang bị chính quyền Tổng thống thống Bashar al-Assad đàn áp, sử dụng bạo lực. Con số người thiệt mạng liên tục được truyền thông Mỹ nhấn mạnh.
Cây bút bình luận nổi tiếng Robert Parry từng làm việc cho nhiều cơ quan truyền thông lớn của Mỹ như Newsweek, AP… nói rằng: “Người Mỹ phần lớn đang được dẫn đường, chứ không phải được thông tin như họ nghĩ”. Lùi về trăm năm trước, khi Mỹ chuẩn bị chiến tranh với Tây Ban Nha (1898). Căng thẳng gia tăng trong lòng người Mỹ sau khi Mỹ đưa thông tin cáo buộc Tây Ban Nha đánh chìm chiến hạm USS Maine của Mỹ. Nhưng thật ra, chiến hạm này nổ vì gặp sự cố ở kho than. Thêm vào đó, báo chí khắp nơi tố cáo sự đàn áp của Tây Ban Nha tại các thuộc địa. Tất cả những đều này đã khuấy động công chúng Mỹ ủng hộ cuộc chiến.
Trong xu thế truyền thông mở, đòi hỏi sự minh bạch và tiếng nói của dư luận thì dường như truyền thông Mỹ - một nền truyền thông lớn, chuyên nghiệp đang đi ngược với xu thế thời đại.
NHƯ QUỲNH