Người biểu tình Thái Lan quyết phá bầu cử

Hàng chục ngàn người Thái Lan ngày 23-12 tiếp tục xuống đường tuần hành với nỗ lực phá hoại cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 2-2-2014. Họ phong tỏa các địa điểm đăng ký tham gia tranh cử của các đảng và tiếp tục đòi Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra từ chức.
Người biểu tình Thái Lan quyết phá bầu cử

Hàng chục ngàn người Thái Lan ngày 23-12 tiếp tục xuống đường tuần hành với nỗ lực phá hoại cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 2-2-2014. Họ phong tỏa các địa điểm đăng ký tham gia tranh cử của các đảng và tiếp tục đòi Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra từ chức.

        Bà Yingluck vẫn ra tranh cử

Hàng trăm người đã bao vây một sân vận động tại Bangkok, nơi các đảng phái đăng ký tranh cử mà thời hạn chót sắp hết (vào ngày 27-12). Theo Ủy ban Bầu cử (EC), đảng Puea Thai cầm quyền của Thủ tướng tạm quyền Yingluck may mắn đến sớm nên cũng đã vào bên trong sân vận động để đăng ký. Trong số 35 chính đảng đủ tư cách đăng ký tranh cử, chỉ có đại diện của 9 đảng có thể vào bên trong sân vận động do người biểu tình vây kín, trong khi những đảng còn lại đăng ký danh sách tranh cử tại một đồn cảnh sát gần đó. Quyền Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra tiếp tục là ứng viên số một của đảng Puea Thai ra tranh cử. Điều này có nghĩa nếu Puea Thai giành chiến thắng sau bầu cử, bà sẽ trở lại làm thủ tướng.

Đoàn tuần hành đã khiến phần lớn thủ đô Thái Lan bị tê liệt. Họ mặc áo sơ mi vàng, dấu hiệu thể hiện sự ủng hộ nền quân chủ, hàng chục ngàn người tuần hành trên các trục đường chính của thành phố, huýt sáo và hô vang các khẩu hiệu chống chính phủ của bà Yingluck Shinawatra.

Theo RFI, người biểu tình không muốn bầu cử diễn ra vào tháng 2-2014 như chính phủ tuyên bố, phần vì muốn có cải cách trước khi bầu cử, tránh tình trạng dùng tiền mua chuộc người dân.

Toàn cảnh người biểu tình ở Bangkok.

Toàn cảnh người biểu tình ở Bangkok.

        Quân đội từ chối can thiệp

Những người biểu tình ủng hộ đảng Dân chủ đối lập cho biết họ muốn “quét sạch” mọi tàn dư của “thể chế Thaksin” vì nếu không ông Thaksin sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng lên chính trường Thái Lan. Người biểu tình kêu gọi chuyển giao quyền lực cho một cơ quan lâm thời để tiến hành các hoạt động nhằm làm trong sạch hệ thống chính trị, trước khi tổ chức bầu cử Quốc hội. Đây cũng chính là lý do mà đảng đối lập chính, đảng Dân chủ Thái Lan, thông báo tẩy chay cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn. Nếu các đảng phái chính trị khác cũng quyết định không tham gia, tính chính đáng của kỳ bầu cử này sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Người phát ngôn đảng dân chủ Thái Lan Chavanond Intharakomalsut nói trên tờ The Nation rằng nếu cuộc bầu cử diễn ra, “cái vòng chính trị luẩn quẩn của Thái Lan lại trở lại theo sự sắp xếp của ông Thaksin và bà Yingluck”.

Quyết định không bất ngờ của đảng Dân chủ khiến Thái Lan lún sâu vào khủng hoảng chính trị. Trong cuộc trả lời báo chí ngày 22-12, Thủ tướng Yingluck Shinawatra lấy làm tiếc vì thái độ cứng rắn đến cùng của đảng Dân chủ và cho rằng “nếu họ không tôn trọng nền dân chủ, thì họ còn biết dựa vào cái gì khác?”.

Hiện tại, quân đội Thái Lan vẫn từ chối can thiệp vào khủng hoảng. Đảng Dân chủ, được coi là đảng chính trị lâu đời nhất tại Thái Lan, chưa bao giờ giành được đa số trong các cuộc bầu cử Quốc hội kể từ 20 năm nay.

Trong khi các cuộc biểu tình đòi bà Yingluck từ chức, bà tiếp tục chuyến công du miền Bắc Thái Lan, nơi có đa số cử tri ủng hộ đảng Puea Thai. Theo The Nation, bà Yingluck vẫn theo dõi sát sao các cuộc biểu tình ở Bangkok và yêu cầu nhân viên chính phủ thông báo với người biểu tình đang bao vây nơi ở của bà rằng bà không có ở đó. Dự kiến, bà sẽ ở lại miền Bắc và Đông Bắc Thái Lan cho đến năm mới 2014 mới trở về Bangkok. Những người biểu tình tuyên bố sẵn sàng tiếp tục biểu tình kéo dài sang năm 2014.

THỤY VŨ (tổng hợp)

>> Thái Lan: Giao thông Bangkok tê liệt vì biểu tình

>> Thái Lan: Khủng hoảng kéo dài

Tin cùng chuyên mục