

Nói về cồng chiêng Tây Nguyên, cụ YGếuh trầm giọng: “Thế là chúng không phải là của riêng người Tây Nguyên nữa rồi, mà của cả thế giới...”.
Theo chân người trưởng thôn có tên ABLeh, chúng tôi đến gặp cụ bà YGếuh, người BaNa ở làng KRoong Klah, xã KRoong, thị trấn Kon Tum. Tuy đã 90 “mùa rẫy” có lẻ, nhưng trông cụ còn nhanh nhẹn lắm.
Theo các cán bộ ngành VH-TT tỉnh Kon Tum, cụ bà YGếuh là người hiện còn lưu giữ nhiều bộ cồng chiêng nhất tại tỉnh. Trong nhà cụ ngổn ngang cồng chiêng, cụ tách ra từng bộ cho chúng tôi xem. Tôi đếm cả thảy có tới 5 bộ, toàn đồ cổ loại quý hiếm.
Tôi đã được tiếp xúc với nhiều loại cồng chiêng ở vùng cực bắc Tây Nguyên, nhưng đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy cồng chiêng lớn như vậy. Trọng lượng chiếc lớn nhất phải hơn 10 kg, đường kính 70cm, khi làng có hội phải người to khỏe mới đánh được.
Tùy từng loại, mỗi bộ có từ 10-12 chiếc. Cụ cho biết: “ngày xưa để có được những bộ chiêng này, gia đình tôi đã phải đổi 5-7 con trâu lớn, ngoài trâu, bò còn phải đưa thêm tiền nữa!”.
Cụ bảo tôi mang ra đánh thử và bảo: “người ta nói, cồng chiêng của nhà tôi phát ra âm dài như con sông PôKô kia, vang xa cả chục cây số, đêm càng về khuya tiếng nó càng đi xa, hầu hết các làng xung quanh của người JơRai, Xê Đăng đều nghe thấy!”.
Cụ quay về phía tôi: “Có rất nhiều người đến hỏi mua, họ bảo sẽ trả rất nhiều tiền nhưng... già không bán! nếu bán sẽ có tội lớn với ông bà tổ tiên, Yàng sẽ tức giận và trừng phạt, rồi mấy đứa trẻ sau này mà biết được mình làm điều xấu thì chúng rất oán giận...”.
(Theo TP)