Người dân bị vướng khi yêu cầu thi hành án

(SGGP).- Ngày 23-7, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội nghị giao ban công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2009. Đây là lần đầu tiên Bộ Tư pháp tổ chức giao ban theo hình thức trực tuyến, diễn ra tại 7 điểm cầu: Yên Bái, Hà Nội, Quảng Bình, Khánh Hòa, Đắc Lắc, TPHCM, Cần Thơ.

Tại hội nghị, Trưởng THA Dân sự TPHCM Nguyễn Văn Lực nêu vấn đề: Luật THA Dân sự 2008 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2009) quy định việc định giá tài sản phải thông qua các tổ chức thẩm định giá. Chi phí thẩm định giá thường từ 50 đến 100 triệu đồng/vụ nên cơ quan THA Dân sự không đủ kinh phí để tạm ứng.

Để việc THA không bị ách tắc, gián đoạn, ông đề nghị Bộ Tư pháp cho phép sử dụng phí THA để tạm ứng hoặc cho phép người được thi hành án tạm ứng, chi phí này sẽ được hoàn trả khi tài sản bán đấu giá thành. Bên cạnh đó, ông Lực cũng thông báo một thực trạng đáng báo động tại TPHCM, đó là hàng trăm doanh nghiệp nợ hàng ngàn tỷ đồng nhưng không có điều kiện THA. Sau đó, những doanh nghiệp này lại lợi dụng sự quy định lỏng lẻo của Luật Doanh nghiệp để thành lập doanh nghiệp mới, tiếp tục làm ăn gian dối, không trả nợ, gây bức xúc cho những người làm ăn chân chính.

Một vấn đề đáng quan tâm khác được nhắc đến: theo quy định mới của Luật THA Dân sự 2008, trong trường hợp THA theo đơn yêu cầu, việc xác minh điều kiện THA của người phải THA không còn thuộc trách nhiệm của chấp hành viên mà thuộc trách nhiệm của người được THA. Khi áp dụng vào thực tế, quy định này gây nhiều khó khăn vì người dân hầu như không thể trực tiếp đi xác minh tài sản.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, THA Dân sự TPHCM đã chủ động gửi văn bản đến các cơ quan chức năng đề nghị giúp đỡ người dân xác minh điều kiện THA, đồng thời cung cấp miễn phí cho người dân mẫu phiếu yêu cầu xác minh. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng chủ động như TPHCM, và vì vậy người dân vẫn bị vướng khi muốn thực hiện quyền của mình, dù đã được tòa án tuyên thắng kiện.

Trong công tác quản lý nhà nước về xây dựng và thi hành pháp luật, lãnh đạo nhiều Sở Tư pháp nhìn nhận rằng công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật nhiều lúc chưa chú ý tính khả thi, dẫn đến tình trạng văn bản ban hành khó thực hiện vì “cơ chế - trên trời, cuộc đời – dưới đất”. Chẳng hạn, có những văn bản về bồi thường giải phóng mặt bằng chưa hài hòa lợi ích giữa chính quyền, người dân và chủ đầu tư.

L.T.Hân - A.Phương

Tin cùng chuyên mục