Người dân Quảng Nam quan tâm cách giải quyết tình trạng ngập lụt tại TP Tam Kỳ

Tình trạng ngập lụt cục bộ tại TP Tam Kỳ và thời gian đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu là những vấn đề được nhiều đại biểu nhắc đến trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X diễn ra vào ngày 8-12.  

Theo đó, tại phiên chất vấn Sở Xây dựng, các đại biểu nêu quan điểm về tình hình ngập lụt và ngập úng đô thị tại TP Tam Kỳ mỗi khi mưa lớn thời gian qua và phương án giải quyết.

Người dân Quảng Nam quan tâm cách giải quyết tình trạng ngập lụt tại TP Tam Kỳ ảnh 1 Những năm ngần đây, nội đô TP Tam Kỳ thường xuyên bị ngập lụt mỗi khi có mưa lớn. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Ông Nguyễn Phú, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam cho biết, trước diễn biến phức tạp của thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, không những ngập lụt đô thị mà sạt lở đất, xói lở bờ sông ngày càng nghiêm trọng. Sở Xây dựng đã chủ động phối hợp với Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Đánh giá hiện trạng và xác định nguyên nhân ngập lụt thành phố Tam Kỳ và vùng phụ cận”.

Tại Hội thảo, về cơ bản đã tìm ra được nguyên nhân gây ngập cho thành phố và đưa ra một số giải pháp sơ bộ ban đầu để khắc phục, hạn chế ngập.

Người dân Quảng Nam quan tâm cách giải quyết tình trạng ngập lụt tại TP Tam Kỳ ảnh 2 Ông Nguyễn Phú, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam trả lời chất vấn. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG
Về nguyên nhân, đầu tiên kể đến việc mưa lớn, cực đoan, bất thường kèm chế độ bán nhật triều ảnh hưởng đến các sông Bàn Thạch, Kỳ Phú, Tam Kỳ, Trường Giang. Thứ hai là nước từ huyện Phú Ninh và Thăng Bình đổ về làm mực nước sông cao hơn các cao trình cửa xả. Cùng với đó, nước từ đường Nguyễn Hoàng đổ vào nội đô TP Tam Kỳ làm khó tiêu thoát nước ra sông, gây ngập úng cục bộ.

Việc lũ rút chậm cũng do khả năng tiêu thoát lũ tự nhiên của sông Bàn Thạch kém và rất kém nếu khi có triều cường và hiệu ứng ô trữ nước được hình thành từ các tuyến đường giao thông.

Do đó, giải pháp của Sở Xây dựng đưa ra là cần hạ thấp mực nước lũ trên sông Bàn Thạch đoạn chảy qua TP Tam Kỳ bằng cách nghiên cứu phân lũ sang các sông, hồ và địa phương khác. Kiểm soát lũ từ lưu vực trũng phía Tây đổ qua cống Ông Dung vào hồ Duy Tân bằng cách nghiên cứu kiểm soát và chuyển hướng dòng chảy ra sông Tam Kỳ. Cuối cùng là dự báo diễn biến ngập lụt TP Tam Kỳ và vùng phụ cận theo các kịch bản, biến đổi khí hậu và tình huống xả lũ khẩn cấp của hồ Phú Ninh.

Tuy nhiên, sau khi trình bày, các đại biểu cho rằng nguyên nhân chính là do khớp nối hạ tầng hệ thống thoát nước kém, xuống cấp, quá trình phát triển đô thị đã phá vỡ cảnh quan, quy hoạch đồng bộ trước kia.  

Nhìn nhận vấn đề, ông Nguyễn Phú cho rằng, thời gian qua, công tác dự báo, tầm nhìn quy hoạch dài hạn còn có phần hạn chế.

Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng khả năng thoát lũ của TP Tam Kỳ có phần hạn chế do phụ thuộc vào các dòng sông chủ yếu nằm theo hướng Bắc – Nam, song song với thành phố. Thời gian mưa lũ lại thường trùng với thủy triều nên thoát lũ chậm.

Người dân Quảng Nam quan tâm cách giải quyết tình trạng ngập lụt tại TP Tam Kỳ ảnh 3 Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Cùng với đó, việc đầu tư quy hoạch TP Tam Kỳ thời gian trước chưa phù hợp với tình hình phát triển dân số gia tăng, gây áp lực lên hệ thống thoát nước. Các khu dân cư sau lại cao hơn khu dân cư trước dẫn đến bất cập. Do đó, thời gian tới, tỉnh Quảng Nam sẽ đầu tư vốn cho TP Tam Kỳ về cấp thoát nước. Đặc biệt là dự án nạo vét các sông Bàn Thạch, sông Trường Giang đưa vào đầu tư vốn trung hạn cho các địa phương phía Nam của tỉnh Quảng Nam.

Cũng tại phiên chất vấn, các đại biểu cũng nêu ý kiến cử tri quan tâm thời gian cụ thể khi nào sẽ đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh). Việc chậm đóng cửa mỏ gây nhiều hệ lụy khi tình trạng đào vàng trái phép gây phức tạp tình hình an ninh trật tự, xã hội tại địa phương cũng như ô nhiễm nguồn nước khu vực xung quanh và dòng sông gần đó.

Ông Trần Thanh Hà, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Quảng Nam cho biết, về vấn đề này, sở cũng rất trăn trở về việc đóng cửa mỏ vì thuộc thẩm quyền của Bộ TN-MT. Trong thời gian Bộ TN-MT chưa có quyết định đóng cửa mỏ thì Sở TN-MT đã phối hợp tốt với chính quyền địa phương để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc ô nhiễm môi trường của hoạt động khai thác vàng trái phép. Trong thời gian tới, Sở TN-MT tiếp tục liên hệ với Bộ TN-MT để sớm có quyết định đóng của mỏ. Lãnh đạo tỉnh nhiều lần lên kiểm tra thực địa, khảo sát và có chỉ đạo rất cụ thể.

Tin cùng chuyên mục