Người đất giồng

Cái vùng đất mà tôi muốn nói, người địa phương gọi nó bằng nhiều tên như đất giồng, giồng giữa, giồng cát,… nhưng hiện tại tên hành chính của nó là Giồng Nhãn. Trên bản đồ hành chính, nó nằm trên các xã ven Biển Đông của TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu và huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.
Giồng Nhãn Bạc Liêu. Ảnh: PHAN THANH CƯỜNG
Giồng Nhãn Bạc Liêu. Ảnh: PHAN THANH CƯỜNG

1. Người ta gọi đất giồng là vì cái thế đất cao ráo như cái bờ giồng. Nói bờ nhưng thực tế cái bờ ấy rất to, chiều ngang có nơi vài trăm mét và chiều dài 30-40 km. Đất giồng nằm thoai thoải và dài theo Biển Đông, giống như một cái đê ngăn cách giữa đại dương và lục địa. Thiên nhiên thật kỳ diệu, nó tự tạo ra cho lục địa một cái đê ngăn mặn. Mép ngoài biển thì đất mặn, còn phía từ đất giồng vào trong lục địa lại rất ngọt. Vùng đất giồng rất màu mỡ tơi xốp và thuần ngọt, phù hợp trồng hoa màu và cây trái.

Bạc Liêu và Sóc Trăng cũng như các tỉnh miệt Hậu Giang xưa có lịch sử khai phá 300-400 năm. Nhiều sách sử ghi chép rằng, đến khẩn hoang vùng đất này có ba dòng dân cư chủ yếu, người Khmer bản địa, người Việt từ miền Trung tiến vào và người Hoa từ Trung Quốc sang. Đây là vùng đất được khai phá sớm để làm nông nghiệp trong lịch sử khẩn hoang. Ngay từ nửa đầu thế kỷ 20, vùng này đã được khắp Nam kỳ lục tỉnh biết đến là nơi sản xuất rau củ hàng hóa ổn định và chất lượng cao. Có thể gọi nó là vương quốc của nghề rẫy Bạc Liêu, Sóc Trăng cũng được.

Ở đây, người Việt chiếm hơn 60%, còn lại là người Hoa và Khmer với tỷ lệ gần bằng nhau. Cơ cấu dân cư này có từ thời tiền khẩn hoang. Cho nên có thể thấy rằng người Khmer Nam bộ đến đây để trồng giống cây truyền thống của mình như khoai môn, mà giới nông học thế giới gọi là nền văn minh nông nghiệp trên đất khô; người Việt trồng bầu, bí, khoai lang khoai mì; người Hoa về đây, trong cái ui ná của kẻ tha hương có một cái gói đỏ bằng vải đựng một nhúm hạt ngò, rau cần tàu, cải tùa xại - thứ rau quả truyền thống của dân tộc mình, mà trồng lên trên đất mới. Chưa hết, họ còn đưa cả kinh nghiệm làm mắm thực vật: dưa cải, dưa muối… làm cho món ăn ở đây trở nên phong phú. Đấy là nguyên nhân giồng cát này nổi tiếng rất sớm với nghề trồng rẫy thương phẩm. Từ đầu thế kỷ 20, xe đò đã chở nông phẩm của vùng này tấp nập lên Sài Gòn như: ngò rí, hành, hẹ, nhãn, cải làm dưa… và bán rất chạy vì chất lượng cao.

2. Dĩ nhiên, sự giao thoa không dừng lại ở trồng tỉa mà còn thể hiện trong tập quán, tín ngưỡng, trong mọi mặt của đời sống trên đất giồng vì đó là sự giao thoa văn hóa. Ngày tôi còn bé, khoảng hơn 50 năm trước, hay theo ba má tôi chèo ghe lên đất giồng mua khoai, nông phẩm chở đi bán. Hồi đó ba tôi hay nói “Lên Giồng Nhãn mà biết tiếng Khmer, tiếng Hoa thì rất dễ làm ăn”. Thật vậy, trong những cuộc trao đổi, mua bán người ta nói “như lặt rau” ba thứ tiếng Việt, Khmer, Hoa. Lên đó, tôi lân la chơi với bọn trẻ đất giồng thì thấy chúng khi nói tiếng Việt, khi bật tiếng Khmer, lúc xổ tiếng Hoa. Thế nhưng có một điều rất lạ là hỏi ra có rất nhiều người không biết chữ, vì thời đó muốn học tiếng Việt thì phải vào tận Châu Thành, Bạc Liêu, cách hơn 10 cây số. Bây giờ thì nền giáo dục mới đã phổ cập trình độ văn hóa cho đa số cư dân trên đất này.

La cà buôn bán ở đất giồng nhiều năm nên ba má tôi có rất nhiều bạn. Đặc biệt là ba tôi có ní Hoa, ní Việt và cả ní Khmer. Ní là bạn cùng tuổi kết giao, mà cấp độ giao tình có thể đạt cao hơn cả tình nghĩa sui gia. Từ tả ngạn sông Cửu Long dài xuống Mũi Cà Mau chỉ có các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang… là những nơi có cơ cấu dân cư Việt, Hoa, Khmer đậm đặc thì mới có mối giao tình này.

Người đất giồng là người diễm phúc, họ thừa hưởng văn hóa của cả 3 tộc người. Người Khmer dù không ăn Tết Nguyên đán nhưng khi tết về những công dân người Khmer ở đất giồng cũng diện áo mới, được ăn bánh vì ní Việt và bạn Việt, bạn Hoa gửi biếu. Ngược lại, khi Tết Chôl Chnăm Thmây, hay đại lễ Vu lan báo hiếu (Oóc Om Bóc), người Việt, người Hoa cũng thành kính đi chùa, ăn bánh gừng, bánh ớt và cốm dẹp. Rồi họ háo hức đi xem đua ghe Ngo ở tận Nhu Gia, Sóc Trăng… Trên đất giồng này chùa Khmer, chùa Việt, chùa người Hoa đều có. Từ xưa ai cũng biết, văn hóa hun đúc tâm hồn, xây dựng nhân cách, làm nền tảng cho trí tuệ. Thế nên đất giồng có nhiều cái khác biệt.

Tôi có một ông bạn vong niên, lớn hơn tôi 6 tuổi, tên Trần Kia. Du khách đến vùng biển Bạc Liêu mà hỏi tên anh, thì nam phụ lão ấu đều nghe danh, biết mặt. Gia đình anh có gốc từ Trung Quốc, qua định cư ở đất giồng từ thời ông nội anh. Sau đó, gia đình, dòng họ anh Việt và Khmer hóa dần dần vì họ cưới vợ, gả chồng người Việt lẫn người Khmer. Cha anh là những người trồng nhãn Bạc Liêu nổi tiếng đầu tiên trên đất giồng, sau này gọi là thanh nhãn - vẫn được nhiều người coi là loại nhãn ngon nhất nước.

Phần Trần Kia, sau mấy chục năm bôn ba làm ăn bên Mỹ, anh gom góp, dốc tiền về thuê của nhà nước hơn 500ha đất mặn, bãi bồi nằm liền kề với đất giồng để quyết chí biến vùng đất hoang vu quê hương thành một vùng nuôi tôm trù phú, thịnh vượng. Anh cũng là người xác lập mô hình nuôi tôm công nghiệp sớm nhất Đồng bằng sông Cửu Long. Và cũng tại phần đất của anh, mô hình nuôi tôm công nghệ cao được thí điểm thành công, để sau này, năm 2020, Chính phủ quy hoạch trung tâm nuôi tôm công nghệ cao của cả nước với đại bản doanh nằm liền kề đất giồng. Chưa hết, điện gió cũng được triển khai ở vùng đất biển bồi của đất giồng sớm nhất Đồng bằng sông Cửu Long. Nghề muối truyền thống của cư dân đất giồng, ngày nay được xây dựng, quy hoạch thành trung tâm nghề muối cả nước.

Từ lâu, Giồng Nhãn được quy hoạch thành khu du lịch sinh thái trọng điểm của tỉnh Bạc Liêu, thu hút nhiều du khách thập phương. Chạm tới đất giồng thôi là đã chạm được hai khu du lịch tiêu biểu của miền Tây là giồng Nhãn và Chùa Xiêm Cán. Và cũng chỉ đứng trên đất giồng đã ngắm được những tua bin điện gió lãng mạn vươn lên trời xanh và ngắm được cả khu Chùa Phật Bà Nam Hải nổi tiếng.

Về đất Giồng Nhãn, ngắm sâu một tí là ta phát hiện nhiều điều rất lạ. Cái văn hóa cộng cư đã phát tiết, sinh ra nguồn năng lượng tích cực cho phát triển. Văn hóa cộng cư là bản sắc văn hóa của vùng đất nằm trong văn hóa Việt Nam. Tỉnh ủy Bạc Liêu vừa chủ trương xây dựng “Người Bạc Liêu nhiệt huyết, khát vọng phát triển”, tôi nghĩ đây cũng là tiến trình xây dựng phát triển văn hóa. Cái văn hóa cộng cư có được ở những nơi như Giồng Nhãn phải được nhận diện, giữ gìn và phát huy, lấy truyền thống hun đúc tinh thần nhiệt huyết. Bởi, văn hóa là nền tảng tinh thần, là sức mạnh nội sinh của phát triển.

Tin cùng chuyên mục