

Anh hơn tôi tròn 20 tuổi và cơ duyên văn học đã đưa tôi đến với anh. Nguyên năm 1950, tôi dạy học ở một trường kháng chiến ở một vùng tự do của huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên.
Trường tôi dạy ở gần cơ quan của huyện ủy, tại đó có một bồ sách báo kháng chiến mà tôi là người đọc thường xuyên. Trong số đó có tạp chí Thép Mới, cơ quan của Hội Văn nghệ Liên khu IV. Tôi ngạc nhiên và thích thú với những thiên truyện ngắn ký tên là Tam Giang.
Đó là các truyện viết về cuộc kháng chiến ở Bình Trị Thiên với một đặc sắc là lời tác giả cũng như lời nhân vật toàn bằng phương ngữ quê tôi. Những mô, tê, răng, rứa, chừ… xuất hiện trên trang văn một cách tự nhiên, đàng hoàng, khác với trước đây văn thơ toàn bằng phương ngữ Bắc bộ. Tôi bèn bắt chước lối viết đó để viết một thiên truyện của mình. Đó là truyện Ngày về của đứa con, sáng tác đầu tiên và duy nhât của đời tôi. Bản thảo truyện ngắn này may mắn rơi vào tay nhà văn Bùi Hiển lúc này đang thâm nhập thực tế ở quê tôi, được anh giới thiệu tại một cuộc “Họp bạn” văn nghệ tỉnh và được trao giải thưởng của Chi hội Văn nghệ Thừa Thiên. Lúc này là năm 1952, tôi không còn ở Thừa Thiên mà đang học sư phạm ở Nghệ An... Tôi cũng không ngờ trong việc này, ngoài anh Bùi Hiển có bàn tay của anh Trần Thanh Địch.
Năm 1953, anh và chị từ vùng kháng chiến ra vùng tự do. Cơ duyên lại cho tôi gặp được anh trong lần anh với người anh là nhà văn Trần Thanh Mại từ Thanh Hóa vào Nghệ An gặp nhau tại Chi hội Văn Nghệ Liên khu IV. Anh cho tôi biết chính anh làm việc ở xưởng in và tờ báo Giết giặc ở chiến khu Thừa Thiên, đã biên tập, ấn loạt phim truyện ngắn của tôi rồi phát hành đi các nơi ở Bình Trị Thiên làm một tài liệu “địch vận”, kêu gọi lính ngụy trở về với đồng bào. Anh còn đưa tặng tác giả một bản in trên giấy rất trắng vơi nét chữ rất rõ, do thiết bị và vật liệu in ấn ở chiến khu từ vùng địch chiếm ở Huế mang lên.
Tôi thật không thể ngờ một người “viết văn” mới 18 tuổi như tôi ngày ấy lại được hưởng một sự chăm sóc ân cần như vậy, thật như người xưa nói, đó là “trần ai tri kỷ”. Sau này vì nghề dạy học cũng cuốn hút tôi cho nên tôi đành phục bạn với mối tình đầu văn chương, cả mối thịnh tình của nhà văn Trần Thanh Địch và cũng xa cách anh luôn từ đó. Anh ở bên văn học, tôi ở giáo dục, ít có dịp gặp nhau. Song tôi vẫn đọc những gì anh viết và biết anh nhiều năm cho đến lúc về hưu làm công tác biên tập ở Nhà xuất bản. Tôi thường cảm động nghĩ rằng anh là nhà văn không những rất yêu văn học mà còn yêu hơn nữa những người làm văn học. Tôi chỉ là một người được hưởng tình yêu ấy của anh.
Trước cách mạng, các nhà thơ như Thúc Tề, Trọng Miên, nhất là nhà thơ bất hạnh Hàn Mặc Tử với mối tình lý tưởng trong sáng với nàng Thương Thương đều là “tác phẩm” của tình yêu ấy của anh. Trong thời gian làm biên tập cho Nhà xuất bản Kim Đồng, chắc hẳn nhiều nhà văn viết cho thiếu nhi đã được anh chăm sóc bản thảo. Các nhà văn thế hệ sau anh nhiều người có tài song chưa có nghề. Trong biên tập, anh giúp đỡ họ trên phương tiện đó, như người làm vườn chăm sóc các luống hoa.
Từ khi anh vào TP Hồ Chí Minh, tôi mới có dịp được gặp anh nhiều hơn. Những lần gặp mặt trong Hội Nhà văn TPHCM, tôi thường tìm đến anh, ngồi bên cạnh anh, nhìn khuôn mặt hiền hậu mà hóm hỉnh, giọng nói và nét cười thân ái của anh mà luôn luôn thấy lòng ấm áp, chỉ muốn yêu thương. Tôi là người có “phận cải duyên kim”, cứ hay bị thu hút về phía những người hiền đức, như hạt cải, cây kim bị bút vè hổ phách, nam châm như vậy. Nhà thơ Bàng Sĩ Nguyên, cũng là một nhà biên tập lão thành của Nhà xuất bản Văn học, có lần ngồi với tôi và nói với Trần Thanh Địch: “Anh là người viết văn có đức!”.
Tôi sững sờ vì nhận xét đó của nhà thơ. Thật đúng quá. Văn của Trần Thanh Địch không nhiều. Anh thường viết về quê hương, về kháng chiến, viết cho thiếu nhi, viết cả lý luận văn học (như thiên tiểu luận của anh và truyện ngắn). Văn anh không rực rỡ, sắc sảo mà đúng như nhà thơ cảm nhận, đó là văn của người có đức; ở anh, cái tài lẫn với cái đức, đọc thấy tâm hồn ấm áp, trong lành, tươi sáng như khi ở gần anh, tiếp xúc với anh.
Thứ văn chương ấy của anh không phải là không kén độc giả có những nhà văn tài danh hơn anh, viết sắc sảo, thâm thúy, đáo để nữa, nhưng người đọc như tôi thấy hơi sờ sợ như đối diện với một người quá sành sỏi, lọc lõi, quá rành rẽ về con người và cuộc sống, song chưa chắc đã có đủ lòng nhân. Văn Trần Thanh Địch khác thế. Vì con người anh khác thế.
Lúc anh còn sống cũng như sau khi anh ra đi với tuổi trời 95, văn chương anh còn mang mãi bóng dáng và tấm lòng hiền đức của anh để lại cho độc giả của anh, bạn bè, con cháu và những người không bao giờ nguôi thương nhớ anh.
Người xưa có câu: Nhân khứ, phương đức lưu, nghĩa là: Người đi rồi, nhưng đức thơm còn để lại. Đó cũng là trường hợp của nhà văn Trần Thanh Địch chăng?
12-10-2007
Trần Thanh Đạm
(Thương tiếc nhà văn Trần Thanh Địch)