Người đưa những “chuyến đò” thầm lặng

Gieo mầm xanh cho những mảnh đời “đen”
Người đưa những “chuyến đò” thầm lặng

Hơn 30 năm đứng lớp, thầy chưa bao giờ chọn cho mình những ngôi trường khang trang. Những “chuyến đò” của thầy luôn chở đầy ắp những mảnh đời bất hạnh, cơ nhỡ. Ở đó, thầy gieo vào lòng những em thơ niềm khao khát biết vươn lên để có một cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc. Lớp học tình thương của thầy ở chùa Từ Hạnh (Q.6, TPHCM) là một “chuyến đò” như vậy…

Gieo mầm xanh cho những mảnh đời “đen”

Chúng tôi đến thăm lớp học của thầy Thanh Vân vào ngày hè nắng gắt. Vừa bước đến đầu cổng đã nghe tiếng đọc ê, a của lũ trẻ vang lên trong không gian tĩnh lặng của ngôi chùa. Lớp học nằm trong một gian nhà cũ kỹ, xiêu vẹo… Thế nhưng, bàn ghế có xộc xệch, mái nhà có dột tứ tung mỗi khi mưa xuống thì lớp học vẫn chưa một ngày thiếu vắng bóng thầy trò. Thầy vui mừng nói với chúng tôi: “Thời gian qua, mấy em tạm học ở đây vì nhà chùa đang xây một ngôi trường mới khang trang hơn”.

Người đưa những “chuyến đò” thầm lặng ảnh 1

Thầy Nguyễn Thanh Vân đang hướng dẫn các em làm bài tập.

Học trò của thầy là những trẻ mồ côi cơ nhỡ, trẻ bụi đời, trẻ có hoàn cảnh khó khăn không được đến trường. Các em đến lớp học của thầy với nhiều độ tuổi khác nhau. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn không có điều kiện để đến trường, các em phải sớm bước vào “trường đời” rồi nhiễm những thói hư tật xấu của xã hội. Nhìn những “mảnh vỡ” đó, lương tâm của một nhà giáo khiến thầy trăn trở và lo lắng.

Bằng tất cả nghị lực và tấm lòng của mình cùng với sự giúp đỡ của các thầy ở chùa Từ Hạnh, lớp học tình thương đã được gầy dựng.

Lớp học ban đầu chỉ có mấy em nhưng “tiếng lành đồn xa” các em kéo tới học ngày càng đông. Phụ huynh của những gia đình nghèo cũng tìm đến gửi gắm con em họ theo thầy học chữ. Lớp học đông dần, có khi tới 170 em. Lớp đông quá, thầy lại chia ca ra để dạy. Lớp học này bước ra, lớp khác bước vào.

Tám năm qua, nhiều em đã đến với lớp học khi chưa hề biết mặt con chữ, phép toán đơn giản, đến lúc tạm biệt thầy để bước vào ngôi trường khác thì đã trở thành những học sinh giỏi. Thầy đã mang đến cho các em hy vọng được học cao hơn để sau này trở thành những người hữu ích. Có em mơ ước sau này thành bác sĩ để chữa bệnh cho người nghèo; có em ước thành thầy giáo như thầy Vân để đi dạy lại cho các bạn khác…

Đến với lớp học của thầy, các em không chỉ được học con chữ mà còn được học bài học làm người, những câu chuyện từ chính cuộc đời đầy chông gai, sóng gió mà thầy đã trải qua... Thầy Vân tâm sự: “Gắn bó với các em 8 năm nay, nhớ lại những ngày đầu thầy trò sống trong thiếu thốn cho đến khi gặt hái được những “quả ngọt” ngày hôm nay thì không hạnh phúc nào bằng!”.

Tình người ở lớp học nghèo

Có đọc những bức thư của các em viết cho thầy mới thấy hết được tình cảm mà thầy trò ở lớp học này dành cho nhau. Những nét chữ tròn trịa và đầy yêu thương. Có em viết: “Thầy ơi! Em thực sự biết ơn thầy vì thầy đã giúp đỡ em rất nhiều! Gia đình em không được hạnh phúc và nếu như không được gặp thầy thì không biết cuộc đời em sẽ trôi về đâu. Thầy hãy luôn ở lại đây với bọn em thầy nhé!”.

“Đọc những dòng chữ đó tôi không thể không xúc động. Vì ít nhiều tôi cũng thấy phần nào tuổi thơ của mình trong đó”, thầy Vân nghẹn ngào nói. Hoàn cảnh của thầy cũng như bao đứa trẻ trong lớp học này. Lên 5 tuổi, Vân đã vĩnh viễn mất cha mẹ khi chiếc ghe chở cả gia đình bị trúng đạn. Ở với bà ngoại, Vân sớm có ý thức vươn lên hoàn cảnh của mình, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Có khi trong suy nghĩ, thầy biết cuộc sống phía trước còn nhiều khó khăn, vì ngày hai buổi thầy đứng lớp để dạy các em nên toàn bộ kế sinh nhai đều do người vợ và các con của thầy chu tất. Thầy cũng tính làm gì đó để có đồng vào đồng ra nhưng nghĩ đến các em phải bỏ lớp, lang thang ngoài đường, lòng thầy lại thắt lại.

Ấm lòng biết bao khi thầy ốm “các em lại góp những đồng tiền nhỏ mua cho thầy trái cam, hộp sữa. Ra về chúng để lại những bức thư với những lời chúc rất dễ thương!”, thầy kể lại trong xúc động. Hạnh phúc đối với thầy là sáng ra được nhìn những ánh mắt trong veo tràn vào lớp học. Chúng ngoan ngoãn lễ phép làm thầy quên đi chúng đã từng là những đứa trẻ lang thang, chưa hề được học chữ nghĩa.

Hạnh phúc đó khiến thầy quên đi bao lo toan, muộn phiền của cuộc sống thường ngày. Thầy trò thường xuyên tổ chức những buổi giao lưu biểu diễn văn nghệ do chính thầy làm đạo diễn. Những vở kịch từ chính cuộc đời bất hạnh của các em được dựng lên khiến người xem cảm động. Biết bao ước mơ được vun lên từ những câu chuyện như vậy…

Tới đây, thầy còn có ý định mở thêm một lớp học tình thương để đón nhận thật nhiều trẻ em nghèo về học. Ước nguyện đó luôn cháy bỏng trong thầy, bởi tấm lòng của “ông giáo nghèo” đã tâm nguyện một điều rằng: “Hãy luôn làm điều tốt đẹp nhất để những tâm hồn tuổi thơ được chắp cánh bay cao, bay xa!”.

Tám năm! Biết bao “chuyến đò” thầm lặng thầy đã chở các em đến với những ước mơ trong cuộc sống. Chúng tôi ra về, những học trò ngoan của thầy đứng dậy, ngay ngắn đứng chào. Trong mắt các em vẫn luôn long lanh những khát khao, ước mơ cháy bỏng về một ngày mai hạnh phúc!

Ngoài việc dạy học ở lớp tình thương trong chùa Từ Hạnh, hiện thầy Nguyễn Thanh Vân là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chung một tấm lòng. Thầy thường xuyên kêu gọi những người yêu thích các hoạt động tình nguyện, các mạnh thường quân tổ chức những chuyến đi cứu trợ, xây dựng các căn nhà tình thương, tặng quà cho những người dân vùng sâu, vùng xa.

Quang Quý - Mỹ Dung

Tin cùng chuyên mục