Người được lấy phiếu tín nhiệm phải báo cáo kết quả phòng chống tham nhũng

(SGGP). – Ngày 16-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận, thông qua Nghị quyết hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 35 của QH về lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Sau khi chỉnh lý lại một số nội dung của dự thảo nghị quyết trên cơ sở những ý kiến góp ý của các ủy viên UBTVQH tại phiên họp này, nghị quyết hướng dẫn chính thức sẽ được ban hành, có hiệu lực từ ngày 1-2-2013.

(SGGP). – Ngày 16-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận, thông qua Nghị quyết hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 35 của QH về lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Sau khi chỉnh lý lại một số nội dung của dự thảo nghị quyết trên cơ sở những ý kiến góp ý của các ủy viên UBTVQH tại phiên họp này, nghị quyết hướng dẫn chính thức sẽ được ban hành, có hiệu lực từ ngày 1-2-2013.

Theo hướng dẫn, việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện định kỳ tại kỳ họp thường lệ đầu tiên hàng năm của QH, HĐND các cấp, kể từ năm thứ hai của mỗi nhiệm kỳ. Người được lấy phiếu tín nhiệm cần gửi báo cáo đến đại biểu QH, HĐND trước kỳ họp lấy phiếu tín nhiệm. Nội dung báo cáo nêu rõ kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật đối với chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (như đánh giá kết quả thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước trong lĩnh vực phụ trách; khối lượng, chất lượng, tiến độ, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn; trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, điều hành công việc phụ trách theo thẩm quyền). Đặc biệt, nội dung báo cáo còn phải nêu rõ kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiếp dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri.

Bên cạnh kết quả công việc, người được lấy phiếu tín nhiệm phải tự đánh giá về các nội dung tu dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống thể hiện ở việc thực hiện các quy định của Luật Cán bộ, công chức về đạo đức, văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức, những điều cán bộ, công chức không được làm và các quy định khác về chuẩn mực đạo đức có liên quan.

Qua thảo luận, các ý kiến trong UBTVQH đều thống nhất với quy định: trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có trên 2/3 tổng số đại biểu QH, HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” hoặc 2 năm liên tiếp có hơn 1/2 tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì UBTVQH, Thường trực HĐND có trách nhiệm trình QH, HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm ngay tại kỳ họp đó hoặc chậm nhất tại kỳ họp tiếp theo (trừ trường hợp người đó đã có đơn xin từ chức và được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận). Nếu người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có hơn 1/2 tổng số đại biểu bỏ phiếu “không tín nhiệm” thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền đã giới thiệu người đó để QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình QH, HĐND xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức tại kỳ họp đó hoặc chậm nhất tại kỳ họp tiếp theo.

Trường hợp một người đồng thời giữ nhiều chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 1 của Nghị quyết số 35/2012/QH13 thì việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện đối với chức vụ cao nhất trên cơ sở xem xét kết quả đảm nhiệm cả các chức vụ khác do QH, HĐND đã bầu hoặc phê chuẩn.

Ở những địa phương đang thực hiện Nghị quyết số 26/2008/QH12 về việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường thì không thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm theo quy định tại Nghị quyết số 35/2012/QH13. Việc đánh giá tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ tại các địa phương này được thực hiện theo quy định tại văn bản khác của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. 

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục