Người gom nhặt bụi vàng lịch sử Nam bộ

Nhà văn của “Người Bình Xuyên”
Người gom nhặt bụi vàng lịch sử Nam bộ

Thắm thoát nhà văn Nguyên Hùng đã xa chúng ta tròn 10 năm. Tuy tên tuổi Nguyên Hùng hiếm khi được nhắc tới trên văn đàn hay báo chí, nhưng những tác phẩm mang đậm hơi thở Nam bộ với những nhân vật nghĩa khí của ông vẫn hiện diện trong đời sống văn học và phim ảnh…

Nhà văn của “Người Bình Xuyên”

Nhà văn Nguyên Hùng

Nhà văn Nguyên Hùng thuộc dòng dõi họ Mạc lừng lẫy đất Hà Tiên. Ông tên thật Mạc Đăng Thân, sinh năm 1927 tại Côn Đảo trong một gia đình công chức nghèo đông con. Do cha làm quản lý các trạm xăng của Công ty Shell nên thời ấu thơ của ông xê dịch nhiều nơi khắp Nam kỳ lục tỉnh, rồi được cha gửi lên Sài Gòn ở nhà người cô ruột nuôi học hành. Từ năm 1941 đến 1945, ông học trung học tại Trường Pétrus Ký. Như bao thanh niên học sinh yêu nước lúc ấy, Nguyên Hùng đã xuống đường tham gia Cách mạng Tháng Tám.

Nước nhà độc lập chưa được bao lâu, quân Pháp tái xâm lược, đánh chiếm Sài Gòn và Nam bộ, ông trở về thăm gia đình một thời gian rồi vào bưng biền tham gia kháng chiến. Cũng từ đây ông bước vào con đường cầm bút, làm báo Chống Xâm Lăng, cơ quan ngôn luận của Đảng bộ Sài Gòn - Chợ Lớn. Đến năm 1948, ông được điều chuyển về làm việc tại Sở Thông tin Nam bộ, đóng ở chiến khu Đồng Tháp Mười. Ông là học viên khóa báo chí đầu tiên được đào tạo trong căn cứ kháng chiến Nam bộ.

Hiệp định đình chiến năm 1954 được ký kết. Cùng một số nhà văn như Sơn Nam, Thẩm Thệ Hà, Kiên Giang…, Nguyên Hùng từ bưng biền về Sài Gòn tiếp tục hoạt động báo chí công khai, góp phần đấu tranh thống nhất nước nhà. Ông viết bài cho nhiều tờ báo, như: Lẽ Sống, Nhân Loại, Dân Ta, Dân Tiến… Vừa làm báo vừa viết văn, Nguyên Hùng cũng không ngừng tự học, thông thạo các ngoại ngữ Pháp, Anh, Đức.

Cảm hứng từ thời chống Pháp đã giúp nhà văn Nguyên Hùng viết nên tác phẩm Người Bình Xuyên xuất bản lần đầu năm 1985. Đây là bộ truyện tư liệu lịch sử với đầy ắp những nhân vật giang hồ nghĩa hiệp của Nam bộ thời 9 năm chống Pháp mà trước đó tôi chưa từng biết. Lớp sinh viên chúng tôi hồi ấy cũng nhờ Nguyên Hùng mà được biết rõ hơn những sự kiện bi hùng và những nhân vật nghĩa khí kỳ lạ bước ra từ vùng đất mới phương Nam gần nửa thế kỷ trước, như: Hai Trí, Ba Dương, Bảy Trân, Tám Nghệ, Mười Trí, Bảy Viễn, Hai Vĩnh, Hai Trọng…  Những nhân vật độc đáo xuất thân từ nhiều thành phần khác nhau, chủ yếu là giới giang hồ trước cách mạng, đã hòa mình vào dòng thác kháng chiến cứu nước của dân tộc. Do thành công từ tác phẩm này mà nhà văn Nguyên Hùng được mệnh danh “Người Bình Xuyên”.

Sự thành công của tác phẩm nổi tiếng Người Bình Xuyên đã mở đầu cho hàng loạt tiểu thuyết tư liệu lịch sử khác của nhà văn Nguyên Hùng viết về thời kỳ 9 năm chống Pháp ở Nam bộ: Sư thúc Hòa Hảo, Đường xuyên Tây, Nữ kiệt miền Tây, Qua bến, Nguyễn Bình huyền thoại và sự thật, Dương Quang Đông xuyên Tây, Ung Văn Khiêm - Anh Ba nội vụ, Bảy Viễn - thủ lĩnh Bình Xuyên, Chiến khu Đ của tôi… Tinh thần yêu nước, ý thức lưu giữ mỏ vàng lịch sử, niềm đam mê lao động sáng tạo văn học của ông rất đáng ghi nhận.

Ngoài Người Bình Xuyên thì tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Bình huyền thoại và sự thật của nhà văn Nguyên Hùng cũng gây cho tôi nhiều sự thích thú. Tác phẩm này xuất bản lần đầu năm 1995, thời điểm mà tư liệu về Trung tướng Nguyễn Bình, người được mệnh danh “Lưu Bá Thừa của Việt Nam”, còn rất ít được biết đến. Nhà văn Nguyên Hùng đã bỏ công nhiều năm để sưu tra tư liệu, gặp gỡ các nhân chứng còn sống như các nhà cách mạng Trần Văn Giàu, Hà Huy Giáp, Nguyễn Thị Thập, Dương Quang Đông, thi tướng Huỳnh Văn Nghệ, các tướng lĩnh Trần Văn Trà, Tô Ký, Đào Sơn Tây… và đặc biệt là phu nhân của tướng Nguyễn Bình là bà Hoàng Thị Thanh để kịp thời phỏng vấn, ghi chép, chắp nối và tái hiện hình ảnh vị danh tướng có công lao lớn trong việc thống nhất các lực lượng vũ trang Nam bộ buổi đầu kháng chiến chống Pháp tái xâm lược.

Nhà văn Nguyên Hùng dựng truyện theo tiểu thuyết chương hồi cổ điển, nên gây hấp dẫn, lôi cuốn, làm cho độc giả vừa đọc hết chương này phải tò mò đọc chương tiếp “hồi sau sẽ rõ”. Văn phong ông giản dị, ít trau chuốt. Chữ nghĩa mộc mạc gần với ngôn ngữ nói của người phương Nam. Cách kể chuyện mạch lạc dễ hiểu. Nhân vật và sự kiện hầu như là người thực việc thực đã bước tự nhiên vào tác phẩm. Chính điều ấy tạo nên nét đặc sắc riêng của văn chương Nguyên Hùng, một gương mặt độc đáo của văn học Nam bộ cuối thế kỷ 20. Nhờ đó mà tác phẩm của ông cũng dễ được chuyển thể thành kịch bản sân khấu và phim ảnh, mà tiêu biểu là bộ phim nhiều tập Dưới cờ đại nghĩa chuyển thể từ tiểu thuyết Người Bình Xuyên.

Một số thành viên trong đoàn nhà văn TPHCM đi thực tế ở An Giang năm 2000 (từ trái sang: Phan Hoàng, Lưu Trùng Dương, Trần Thanh Giao, Nguyên Hùng, Ngọc Linh, Thanh Giang, Kim Quyên, Nguyễn Bính Hồng Cầu).

Đêm Long Xuyên thức trắng cùng Nguyên Hùng và Ngọc Linh

Mùa thu năm 2000. Đại hội Hội Nhà văn TPHCM lần thứ IV diễn ra được vài tháng. Nhà văn Lê Văn Thảo vừa lên thay nhà văn Nguyễn Quang Sáng làm Chủ tịch hội, đã tổ chức một đoàn nhà văn đi thực tế sáng tác ở An Giang hơn 10 ngày. Đoàn gồm 12 người, trong đó có những gương mặt nổi tiếng từ lâu, như: Lưu Trùng Dương, Nguyên Hùng, Trần Thanh Giao, Thanh Giang, Ngọc Linh… Dù tuổi đã cao, sức không còn mạnh mẽ, nhưng các ông đều hứng khởi và vui vẻ hòa nhập với các cây bút thế hệ sau.

Nhà thơ Khánh Chi và tôi là hai người trẻ nhất đoàn. Ngay khi vừa xuống tới Long Xuyên nhận khách sạn, nhà văn Lê Văn Thảo đã “mật lệnh” cho tôi phải ở chung một phòng với hai nhà văn Nguyên Hùng và Ngọc Linh để… coi ngó các cụ lúc nửa đêm về sáng. Tôi cười “tuân lệnh” trưởng đoàn. Bởi ngay chiều hôm đó trước lúc lên phà sang cù lao Ông Hổ thăm Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng thì nhà văn Ngọc Linh đã bất ngờ lên huyết áp nên phải ở lại nghỉ ngơi tại khách sạn.

Nếu như nhà văn Ngọc Linh là người có thân hình cao to, trông rất phương phi, ăn mặc hiện đại thì nhà văn Nguyên Hùng là người nhỏ thó, săn chắc, mộc mạc như lão nông, dù ông luôn chỉnh tề áo bỏ trong quần, mang giày thể thao. Và nếu như Nguyên Hùng là nhà văn, nhà báo được biết đến nhiều với Người Bình Xuyên cùng những tiểu thuyết lịch sử tái hiện các nhân vật giang hồ hảo hớn Nam bộ, thì Ngọc Linh là nhà văn, nhà báo, soạn giả nổi tiếng với những tiểu thuyết tình cảm và những vở cải lương vượt thời gian. Cả hai đều gắn bó và quen thuộc với làng văn - làng báo Sài Gòn từ trước năm 1975. Tôi yêu quý hai ông ở những góc độ khác nhau về nhân cách và tài năng. Ở chung với hai bậc cao niên, tôi được nghe hai ông “ôn cố tri tân” nhiều chuyện thú vị.

Đã bước vào tuổi “cổ lai hy” nên lúc bấy giờ hai nhà văn Nguyên Hùng và Ngọc Linh không còn khỏe lắm. Đêm về cả hai ông đều ho khan. Tôi có thói quen thức khuya để viết, nên nghe rõ hai ông ho ra sao. Trung bình một giờ mỗi ông ho một lần. Khi ông này ho thì ông kia thức giấc và… đi vệ sinh. Cứ vậy. Chưa từng sống trong hoàn cảnh ấy nên gần như cả đêm tôi không tài nào ngủ được. Hết viết, đọc sách rồi tắt đèn nằm lim dim nghe hai ông thay nhau ho!

Điều lạ là sáng hôm sau hai ông thức dậy rất tỉnh táo, không còn ho và đi ăn điểm tâm với cả đoàn rất bình thường. Chúng tôi ngồi chung bàn với nhau, cùng các nhà văn Lê Văn Thảo, Thanh Giang, Trần Thanh Giao. Uống xong ngụm nước trà, nhà văn Ngọc Linh quay sang cười, nói: “Này, ông Nguyên Hùng, cả đêm hồi hôm ông ho làm tôi không ngủ được”. Nhà văn Nguyên Hùng vừa đưa chén trà lên định uống, vội đặt xuống: “Cái thằng cha này nói ngược, ông ho thì có. Mỗi lần ông ho là tôi phải thức dậy. Không tin, ông hỏi thằng Phan Hoàng coi”. Nghe vậy, tôi mới nói: “Dạ, thưa hai chú! Cả hai chú đều ho cả đêm. Chỉ có cháu là không tài nào ngủ được”. Cả đoàn ồ lên cười. Hai ông cũng nhìn nhau cười thật vui… rồi cùng lên xe đi tiếp về miền biên giới Thất Sơn.

Gần 5 năm sau chuyến đi An Giang, nhà văn Nguyên Hùng, người lặng lẽ gom nhặt bụi vàng lịch sử kháng chiến Nam bộ, đã đột ngột ra đi sau một tai nạn giao thông vào cuối tháng 3-2005. Và bây giờ, 15 năm sau chuyến đi ấy, không chỉ ông mà còn có hai nhà văn khác trong đoàn là Ngọc Linh và Lưu Trùng Dương cũng bước vào cõi hư vô. Thời gian mây bay, ngồi nhớ hình ảnh người đi trước, đọc lại trang văn của các ông, bao kỷ niệm đẹp xúc động trong tôi lặng lẽ ùa về.

PHAN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục