Người làm báo phải đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết

Tối 21-6, tại Hà Nội, đúng ngày kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2015) đã diễn ra lễ trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ 9 - năm 2014.
Người làm báo phải đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang:

(SGGP).- Tối 21-6, tại Hà Nội, đúng ngày kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2015) đã diễn ra lễ trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ 9 - năm 2014.

Tới dự có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; các đồng chí nguyên Tổng Bí thư: Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt; đồng chí Đinh Thế Huynh, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng; các Phó Thủ tướng: Vũ Văn Ninh, Vũ Đức Đam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi lẵng hoa chúc mừng.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao giải A cho các tác giả đoạt giải báo chí quốc gia

Phát biểu tại lễ trao giải, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi tới những người làm báo cả nước lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chủ tịch nước ôn lại truyền thống 90 năm của Báo chí Cách mạng Việt Nam kể từ ngày đồng chí Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất bản Báo Thanh Niên ngày 21-6-1925. “Suốt 90 năm qua, báo chí cách mạng luôn đồng hành cùng dân tộc, lớn lên cùng cách mạng, phục vụ cách mạng, phụng sự nhân dân. Người làm báo thực sự là chiến sĩ với cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén góp phần xứng đáng vào công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta”, Chủ tịch nước nhấn mạnh. Trong thời kỳ chiến tranh, hơn 400 nhà báo đã anh dũng hy sinh trong tư thế của người chiến sĩ. Trong thời kỳ đổi mới, vai trò và đóng góp to lớn của báo chí cách mạng tiếp tục được thể hiện qua những bài phóng sự điều tra về những điển hình tiên tiến, về chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực… đã làm nức lòng nhân dân cả nước, góp phần làm nên những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của đất nước ta trong 30 năm đổi mới vừa qua.

 

* Giải Báo chí quốc gia lần thứ 9 - năm 2014 có 118 tác phẩm được hội đồng chọn để trao giải, gồm 9 giải A, 26 giải B, 54 giải C và 29 giải khuyến khích theo 11 loại giải ở 4 loại hình báo chí. Trong đó, Báo SGGP đoạt giải C với loạt bài “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: Những cách làm hay” của tác giả Phạm Hoài Nam.

 

Theo Chủ tịch nước, năm 2015, đất nước ta có nhiều ngày lễ lớn, Đảng ta tiến hành đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII. Trong bối cảnh đó, báo chí cần tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, làm tròn trách nhiệm là lực lượng tiên phong xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền, góp phần củng cố, tăng cường lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, vào sự thắng lợi của quá trình đổi mới đất nước, tạo sự đồng thuận xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh: Báo chí cần phản ánh trung thực tình hình đất nước, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân, là tiếng nói của nhân dân, cầu nối của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, cần đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội. Góp phần ngăn chặn những người có bản lĩnh chính trị không vững vàng, có biểu hiện cơ hội chính trị, nói và làm trái với cương lĩnh, đường lối, nguyên tắc của Đảng, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt vận động cá nhân, tư tưởng cục bộ bè phái, lợi ích nhóm, mị dân, chuyên quyền độc đoán, trù dập người đấu tranh phê bình, để xảy ra tình trạng mất đoàn kết nghiêm trọng, tham nhũng tiêu cực lớn ở địa phương, đơn vị; nói không đi đôi với làm, kê khai tài sản không trung thực; có biểu hiện giàu nhanh mà không giải trình rõ được nguồn gốc, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính... lọt vào cấp ủy các cấp như tinh thần của Nghị quyết Trung ương và bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Trung ương 11 vừa qua đã chỉ rõ. Đồng thời, báo chí cũng phải đấu tranh, phản bác các luận điểm sai trái của các thế lực xấu và thù địch.

Để thực hiện nhiệm vụ đó, Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan quản lý báo chí cần tham mưu cho Đảng và Nhà nước để có những cơ chế chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí hoạt động, phát triển. “Đội ngũ làm báo cần không ngừng rèn luyện, phấn đấu nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, vững vàng vượt qua mọi sự cám dỗ, có đủ dũng khí, đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết. Bám sát thực tiễn để có nhiều tác phẩm hay, có tính thuyết phục và cuốn hút công chúng, xứng đáng là người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng như Bác Hồ đã căn dặn”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

PHAN THẢO


Khai trương trang thông tin điện tử Văn phòng Chủ tịch nước

Ngày 21-6, Văn phòng Chủ tịch nước đã khai trương trang thông tin điện tử với địa chỉ: www.vpctn.gov.vn. Đây là trang điện tử chính thức của Văn phòng Chủ tịch nước.

Theo Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung, trang thông tin điện tử Văn phòng Chủ tịch nước tích hợp tin tức về hoạt động chỉ đạo điều hành, đối nội, đối ngoại của Chủ tịch nước và Phó Chủ tịch nước, lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước. Việc ra đời trang thông tin điện tử này có ý nghĩa chính trị quan trọng, góp phần giúp nhân dân, độc giả tìm hiểu hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, từ đó nắm bắt thêm đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Trong thời gian chuẩn bị vận hành, lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước đã tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng, chuẩn bị nội dung, kỹ thuật, an ninh, nhằm bảo đảm trang thông tin sau khi khai trương sẽ vận hành hiệu quả, đúng quy định.

TRẦN BÌNH

Tin cùng chuyên mục