“Người lao động nên cân nhắc kỹ việc lĩnh bảo hiểm một lần”

nhận định:
“Người lao động nên cân nhắc kỹ việc lĩnh bảo hiểm một lần”

Bên lề phiên họp sáng 21-5 của Quốc hội, liên quan đến đề xuất của Chính phủ về việc sửa đổi Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội nhận định:

Đề xuất nói trên của Chính phủ xuất phát từ nguyện vọng của người lao động. Luật pháp là làm cho người lao động, chứ không phải làm để cho người làm luật. Người lao động chưa hoàn toàn thỏa mãn, thì phải có thêm một thời gian để họ suy nghĩ lựa chọn. Tuy nhiên, tờ trình của Chính phủ vẫn khẳng định, Điều 60 vẫn bảo đảm quan điểm của Đảng, tinh thần của Hiến pháp, vì lợi ích cho người lao động. Thứ hai, nó bảo đảm đúng quy trình làm luật.

Ông Bùi Sỹ Lợi

Thực tế, một bộ phận người lao động không đồng ý là do thị trường lao động của chúng ta chưa hoàn thiện, việc làm chưa bền vững, đời sống khó khăn, lương tối thiểu mới đáp ứng được 70% nhu cầu nên người ta mong muốn lấy tiền này để trước mắt làm việc kiếm sống nuôi bản thân và gia đình.

Điều hết sức quan trọng chúng ta phải làm tốt hơn khâu tuyên truyền để người lao động thấy Điều 60 được thiết kế hoàn toàn vì lợi ích an sinh xã hội của người lao động.

- PV: Vậy ông nhắn nhủ điều gì với người lao động?

>> Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội: Qua nghiên cứu đề nghị của Chính phủ, Ủy ban chúng tôi cơ bản đồng tình với hướng sửa đổi điều này để một bộ phận người lao động khó khăn có thể giải quyết những vấn đề trước mắt. Nhưng tôi muốn nói rằng, người lao động nên nghiên cứu kỹ, cân nhắc kỹ, nếu quả thực khó khăn trước mắt không có biện pháp nào khác xử lý được thì hãy nhận một lần, còn nếu không thì nên cố gắng tiếp tục đóng góp, tích lũy thời gian tham gia BHXH để khi hết tuổi lao động có lương hưu bảo đảm cuộc sống khi về già, tránh rủi ro khi về già.

- Liệu có phải khi làm luật chúng ta chưa đánh giá hết tác động, hoặc chưa tham khảo đầy đủ lấy ý kiến người lao động?

Tờ trình của Chính phủ và tôi cũng đồng tình như vậy, nhìn nhận rằng, Điều 60 hoàn toàn bảo đảm quan điểm, mục tiêu an sinh xã hội và quá trình làm luật đã lấy ý kiến người lao động. Chúng ta cũng đã có bài học khi xây dựng Luật BHXH 2006, khi đó người lao động cũng đã đình công để yêu cầu duy trì BHXH trả một lần, và chúng ta đã điều chỉnh theo hướng sau một năm không có việc làm thì người lao động có quyền nhận BHXH một lần để lo cuộc sống trước mắt.

- Ông có nói thị trường lao động chưa ổn định, đây có lẽ là trách nhiệm của nhà nước nhiều hơn?

Đúng là chúng ta đang trong quá trình hoàn thiện thị trường lao động; chuyển dần người lao động từ khu vực phi chính thức sang chính thức. Chỉ khi có quan hệ lao động chính thức thì Nhà nước mới có thể chăm lo toàn diện hơn cho đời sống người lao động, thông qua BHXH, BH y tế. Thời kỳ bao cấp có ai về một lần đâu, vì được ký hợp đồng dài hạn! Nhiều nước không đặt vấn đề BHXH một lần vì thị trường lao động đã hoàn thiện.

- Còn tình trạng “cai đầu dài” thu gom sổ BHXH thì nên có giải pháp gì? Trách nhiệm của cơ quan nhà nước về vấn đề này như thế nào?

Một số cai đầu dài đã thu gom sổ BHXH của người lao động trên thị trường để “làm hộ” chính sách BHXH cho người lao động. Đây có thể xem như một  hình thức bán lúa non, người lao động cho cai đầu dài đó sử dụng sổ BHXH, “cai” thanh toán một lần cho người lao động để lấy chênh lệch. Người lao động chỉ được khoảng 70% giá trị, còn “cai” được hưởng 30%. Sửa luật lần này phải đi cùng công tác tuyên truyền cho người lao động để khi họ thực sự khó khăn thì có thể đến cơ quan BHXH để làm thủ tục hưởng một lần, không mất đồng nào cho “cai đầu dài”.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý chặt chẽ sổ BHXH; đảm bảo thanh toán đúng người, đúng việc.

- Tỷ lệ muốn nhận BHXH một lần có lớn không?

Rất cao. Hiện nay bình quân mỗi năm khoảng có 500 ngàn người ra khỏi hệ thổng, vào cũng tương đương.

- Với số vào với số ra cao bằng như vậy thì liệu mục tiêu đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH có đạt được?

Rõ ràng là không đạt được mục tiêu của nghị quyết. Nếu hôm nay Quốc hội đồng ý giải quyết BHXH một lần thì hệ thống BHXH những năm sau sẽ giảm đi, nghĩa là không đạt mục tiêu về đối tượng và quan trọng là nhà nước phải dành một khoản ngân sách để lo cho người già. Hiện nay là 1,5 triệu người từ 80 tuổi trở lên và ngân sách phải bỏ ra 3,5 nghìn tỷ đồng/năm; nay nâng lên thì ngân sách phải bỏ ra khoảng 7 nghìn tỷ đồng/năm thì rõ ràng rất khó khăn. Vì thế tôi vẫn muốn khuyến cáo với người lao động thêm một lần nữa là hôm nay anh đang khó khăn, nhưng ngày mai có thể tốt hơn; vượt qua được khó khăn trước mắt thì tương lai được bảo đảm tốt hơn; ích nước lợi nhà.

- Ở đây có một lý do rất đáng lưu ý mà người lao động đưa ra là họ thiếu niềm tin vào cơ quan nhà nước?

Điều này là do các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chức năng chưa làm rõ, giải thích rõ chính sách cho người lao động. Tiền lương BHXH như là của để dành của người lao động, không ai có quyền được vi phạm kể cả cơ quan quản lý quỹ này. Cơ quan quản lý quỹ là Hội đồng Quản lý quỹ quốc gia do Bộ trưởng Bộ Tài chính đứng đầu. Quỹ này được quản lý tập trung thống nhất ở trung ương, không phải do cơ quan BHXH “ôm”. Quỹ này phải được bảo toàn, khi có tiền nhàn rỗi thì đầu tư cho Chính phủ, cho các ngân hàng vay để đầu tư phát triển đất nước sao cho có sinh lời cao hơn chỉ số tăng giá cả tiêu dùng (CPI).

Một cách hiểu sai lầm phổ biến nữa là đóng BHXH mà không may bị chết thì không được hưởng. Bằng giá nào người lao động cũng được trả hết. Nếu không may chết vẫn được 10 tháng lương; mai táng phí... Thân nhân của người chết vẫn được hưởng tiền tuất một lần, hoặc tuất hàng tháng nếu bố mẹ hết tuổi lao động và con dưới 18 tháng tuổi. Tiền này dù sống hay chết, người lao động đã đóng thì đều được hưởng.

- Xin cảm ơn ông!

ANH THƯ thực hiện

Tin cùng chuyên mục