Nathan Sigworth nhớ mãi về sự hồi hộp khi quyết định tới Ấn Độ làm việc. Là sinh viên vừa tốt nghiệp một trường đại học tại Mỹ, có ước muốn theo nghề kinh doanh, Sigworth không lo lắng điều kiện sống tại các thành phố đông đúc ở Ấn Độ mà chỉ quan ngại về cuộc cạnh tranh khốc liệt với các doanh nhân trẻ thông minh của Ấn Độ.
Sau 3 năm làm ăn tại Ấn Độ, công ty chuyên về phát hiện dược phẩm giả của anh đã có bước tiến đáng kể khi vừa đạt được hợp đồng với các nhà sản xuất dược phẩm Ấn Độ kiểm tra 50 triệu kiện hàng thuốc tây nhập về đây hàng năm.
Sigworth đã không đợi việc đến với mình mà đã chủ động ra nước ngoài tìm việc. Trong khi nhiều người Ấn Độ muốn tới Mỹ để làm giàu thì những người như Sigworth xem nơi đây là vùng đất cơ hội, nơi mà người Mỹ có thể áp dụng những kỹ năng đã học của mình. Đó cũng chính là mục đích chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới châu Á, trong đó có Ấn Độ nhằm thúc đẩy mậu dịch, tăng xuất khẩu của Mỹ để giải quyết tình trạng thất nghiệp tại nước này.
Từ đầu năm tới nay, kim ngạch thương mại Mỹ - Ấn đạt 50 tỷ USD. Trong năm 2009, Mỹ xuất khẩu sang Ấn Độ 16,4 tỷ USD nhập khẩu 21,2 tỷ USD. Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Mỹ - Ấn, xuất khẩu của Mỹ sang Ấn Độ liên quan đến 96.000 việc làm của Mỹ.
Theo các chuyên gia Ấn Độ, nếu như Nhật Bản có thế mạnh về xuất khẩu xe hơi, Trung Quốc có thế mạnh về xuất hàng hóa giá rẻ thì Ấn Độ là thị trường thu hút lao động chất xám khi nước này đang có ngành công nghệ thông tin được xếp vào nhóm các nước hàng đầu thế giới. Hàng ngàn nhân viên kỹ thuật cao gắn liền với các tên tuổi như IBM hay Accenture của Mỹ đã tới Ấn Độ.
Theo các nhà lãnh đạo IT của Ấn Độ, 350.000 việc làm tại Mỹ đã chuyển tới Ấn Độ trong vòng 10 năm qua. Số liệu tại Mỹ còn cho rằng, con số này cao hơn. Theo Washington Post, Infosys, tập đoàn lớn thứ hai về IT của Ấn Độ gần đây đã thuê người Mỹ đứng đầu bộ phận nghiên cứu và phát triển. Hàng năm, tập đoàn này đưa 100 sinh viên xuất sắc nhất từ các trường đại học danh tiếng của Mỹ như Stanford, Harvard, MIT tới Ấn Độ để giảng dạy cho họ biết những gì Ấn Độ đang cần. Ngược lại, 65% hoạt động kinh doanh của Infosys phục vụ thị trường Mỹ.
Theo ông N.R. Narayana Murthy, người sáng lập Infosys, bất cứ nơi nào trên thế giới có cơ hội về việc làm, mọi người trên thế giới sẽ đến đó. Đó là những gì đang diễn ra tại Ấn Độ. Ngoài ra, nhiều trường đại học Mỹ cũng đang đổ bộ vào các thành phố lớn của Ấn Độ như Mumbai, Delhi… với mục đích thu hút hàng triệu USD tiền học phí. Người dân Ấn Độ vẫn ấn tượng với tính sáng tạo của người Mỹ thông qua các sản phẩm như điện thoại iPhone hay trang web Amazon.com.
Theo các nhà kinh tế Mỹ, Ấn Độ đang là thị trường đầy tiềm năng cho nền kinh tế tri thức của Mỹ. Bất chấp cơ sở hạ tầng, an ninh và tình hình cung cấp điện tại nhiều nơi ở Ấn Độ vẫn còn nhiều hạn chế, các chuyên gia kinh tế dự báo đến năm 2015, các công ty Mỹ sẽ đưa hơn 3,5 triệu lao động ra nước ngoài, phần lớn là tới Ấn Độ.
KHÁNH MINH