Hiện nay, trồng hoa lan là một trong những nghề được nông dân cả nước nói chung, TPHCM nói riêng quan tâm và đầu tư xây dựng mô hình. Bởi trồng lan không những góp phần tăng vẻ đẹp mỹ quan, cải thiện môi trường sinh thái, mà còn là sản phẩm nông nghiệp mang lại lợi nhuận cao, tạo thu nhập đáng kể cho người dân. Vì thế, cùng với hoa kiểng, hoa lan là một trong những tiền đề khuyến khích nông dân TPHCM chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nông nghiệp đô thị đạt chất lượng cao. Nắm bắt nhu cầu đó, chị Trần Thị Kiều Thơ (ảnh, ngụ tỉnh lộ 43, khu phố 2, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức) đã tìm đến cây lan với niềm đam mê luôn thôi thúc trong chị.
Trước khi đến với cây lan, hàng ngày ngoài công việc quen thuộc của một người nội trợ vừa làm vợ vừa làm mẹ, thời gian còn lại chị dành cho việc chăm sóc cây cảnh trong nhà. Vốn là một người yêu hoa, yêu cây kiểng, chị tích cực tham gia các lớp tập huấn do Trạm Khuyến nông quận 9 - Thủ Đức tổ chức. Sau đó, chị mạnh dạn vận dụng kiến thức học được để chăm sóc cây cảnh trong nhà ngày càng khởi sắc hơn.
Chị Trần Thị Kiều Thơ tìm đến cây lan với niềm đam mê rất lớn
Không dừng lại ở đó, chị mạnh dạn đầu tư trồng lan với diện tích trên 250m². Chị kể, tháng 12-2014, Trạm Khuyến nông quận 9 - Thủ Đức chọn gia đình chị là hộ có đủ điều kiện triển khai mô hình trình diễn trồng hoa lan và hỗ trợ 2.500 cây lan; bao gồm nhiều loại như: Dendrobium Rattana Pink (hồng), Bunny (trắng phớt tím), Burana Sweet (trắng sọc tím), Sonia (trắng tím)… Các loại này đều cho hoa to, phát hoa dài, màu sắc sáng tươi và đặc biệt đều có thể vừa cắt cành vừa bán chậu được.
Với tâm trạng phấn khởi, chị cho biết: “Tôi rất đam mê trồng hoa, cây kiểng. Vì thế, sau khi được trạm khuyến nông giúp đỡ về kỹ thuật cũng như cây giống, tôi tích cực chăm sóc lan, luôn tìm tòi những kỹ thuật mới, phù hợp để áp dụng cho vườn lan của mình”.
Sau gần 2 năm trải nghiệm thực tế, chị đã có những nhận định xác thực về giống lan Dendrobium. Chị nói, giống lan này cho năng suất cao, tỷ lệ ra hoa tốt, một cành trung bình ra được 7 hoa, có nhiều cành 9 - 10 hoa, rất phù hợp với thị hiếu chơi hoa của người dân TP hiện nay. Vì thế, mỗi tuần, vườn lan của chị được thương lái đến nhà chọn mua theo chậu, còn lại chị cắt cành giao đến các tiệm hoa ở chợ Thủ Đức, số tiền bán lan trong vườn mỗi tháng chị thu được 5 - 6 triệu đồng/tháng.
Nhắc đến lan, cây kiểng là nhắc đến niềm đam mê luôn âm ỉ trong chị, chị say sưa chia sẻ: “Dù mới theo nghề trồng lan, nhưng qua thực tế, tôi thấy không có gì khó, chỉ cần niềm đam mê và thích thú với nghề. Còn quy mô đầu tư ban đầu hơi cao, nhưng sau khi đã có cơ sở đủ về nhà lưới, cây giống… thì chỉ cần nhân rộng mô hình ra là có thể đạt kết quả. Về kỹ thuật chăm sóc, khi trồng lan, bà con nên nắm kỹ các yếu tố như nguồn nước, nhiệt độ ánh sáng, chế độ dinh dưỡng, độ thông thoáng… để áp dụng trên vườn lan của mình đạt kết quả tốt nhất, đồng thời có thể phòng ngừa và phát hiện sớm những sai sót về kỹ thuật”.
Với sự chân thành, chị gửi lời cảm ơn Trung tâm Khuyến nông TP, Trạm Khuyến nông quận 9 - Thủ Đức và các cán bộ kỹ thuật đã luôn theo sát, hướng dẫn tận tình chu đáo, để chị cũng như những hộ trồng lan có được thành quả đáng mừng trong việc chăm sóc và trồng lan, hoa kiểng như hôm nay; góp phần nâng cao đời sống nông dân, đồng thời tạo ra những sản phẩm nông nghiệp đô thị, có lợi nhuận kinh tế cao và có vẻ đẹp mỹ quan, cải thiện môi trường sinh thái, phù hợp với nhịp sống đô thị hóa như TPHCM.
MINH HIẾU