Người tiêu dùng hưởng lợi từ cuộc đua giảm giá

Các nhà bán lẻ thương mại điện tử và trực tiếp đang bước vào cuộc đua giảm giá hàng cuối năm để thu hút người tiêu dùng trong bối cảnh người tiêu dùng đang cắt giảm chi tiêu những mặt hàng không thiết yếu.
Người tiêu dùng quan tâm mua hàng khi có khuyến mãi
Người tiêu dùng quan tâm mua hàng khi có khuyến mãi

Giảm giá từ trực tiếp đến trực tuyến

Theo báo cáo thị trường ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) Việt Nam của Kantar phát hành quý 2-2023, hơn 1/4 hộ gia đình vẫn đang đối mặt với khó khăn về tài chính. Báo cáo cho thấy từ quý 4-2019 đến quý 2-2023, số lượng gia đình phải cắt giảm chi tiêu đã tăng từ 19% lên 28%. Bước sang quý 3-2023, dù tín hiệu kinh tế đã ổn định hơn, nhưng tâm lý lo ngại về công việc và thu nhập vẫn tồn tại, người tiêu dùng vẫn cắt giảm chi tiêu để đầu tư vào những giá trị cốt lõi như hàng hóa thiết yếu và tập trung chăm sóc sức khỏe.

Dữ liệu từ Cổng thanh toán Payoo cũng ghi nhận, mặc dù có sự tăng trưởng của một số nhóm ngành trong quý 3 nhưng xu hướng tìm kiếm mặt hàng giá rẻ vẫn duy trì ở nhiều nhóm ngành (trừ ngành thực phẩm và dịch vụ ăn uống - F&B). Theo Payoo, xu hướng tiết kiệm chi tiêu và sự phát triển của nhiều nền tảng mua sắm khiến người dùng hình thành thói quen so sánh giá và tích cực tìm kiếm các ưu đãi. Điều này cũng được khẳng định trong báo cáo của Kantar, bởi có tới 49% người tiêu dùng tham khảo nhiều cửa hàng để tìm kiếm chương trình ưu đãi hấp dẫn trước khi quyết định mua hàng. Khuyến mãi cũng đang trở thành động lực kích thích tiêu dùng và là lý do để người dùng chờ đợi khi muốn sở hữu một món đồ mới.

Trước xu hướng trên, các nhà bán lẻ từ trực tiếp đến trực tuyến đều có những chiến lược riêng để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, điểm chung của những chiến lược này vẫn là giảm giá trực tiếp trên hàng hóa để kích thích sức mua. Đầu tháng 10-2023 các nhà bán lẻ online như Shopee, Lazada, Tiki… đã liên tục triển khai nhiều đợt giảm giá mạnh, tập trung vào các nhóm hàng mỹ phẩm, thời trang, hàng tiêu dùng… Cùng với nhà bán trực tuyến, các nhà bán trực tiếp là siêu thị, doanh nghiệp… cũng không đứng ngoài cuộc khi tung ra những đợt giảm giá nối tiếp nhau để hút khách.

Điển hình, nhà bán lẻ Saigon Co.op đã thực hiện một loạt chương trình gồm: “Thương hiệu hội tụ siêu sale” từ cuối tháng 9 đến 11-10, giảm giá mạnh 50% cho hơn 500 sản phẩm là thương hiệu Việt như sữa tươi TH True milk, nước mắm Phú Quốc, mì ăn liền Vifon, bánh quy Cosy, dầu ăn Simply, dầu ăn Tường An, dầu thực vật Cái Lân, đường Biên Hòa, sữa lúa mạch Milo, nước yến Thiên Hoàng, nước giặt OMO, nước xả Comfort, thương hiệu Co.op (Select, Happy, Finest)…

Ngay sau đợt giảm giá này, Saigon Co.op tiếp tục triển khai chương trình “Cùng nàng tỏa sắc”, diễn ra từ ngày 12 đến 25-10, giảm giá hơn 1.000 sản phẩm mỹ phẩm, chăm sóc cá nhân, thời trang may mặc…

Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc Khối vận hành hoạt động Co.opmart kiêm Giám đốc Marketing của Saigon Co.op, chia sẻ, trong tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, thông qua chương trình khuyến mãi, Saigon Co.op mong muốn người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận và mua được sản phẩm Việt chất lượng tốt, vừa túi tiền, từ đó tạo động lực lớn để thúc đẩy lưu thông hàng hóa trong nước. Cũng theo ông Thắng, trong kế hoạch kinh doanh cuối năm, nhà bán lẻ này cho biết sẽ có những chương trình giảm giá luân phiên từ nay đến Tết Nguyên đán. Mức giá giảm linh hoạt từ 30-50% và các đợt giảm giá sẽ được chia theo từng nhóm hàng để người tiêu dùng dễ dàng mua sắm.

Người tiêu dùng hưởng lợi

Việc giảm giá của các nhà bán lẻ, sàn thương mại điện tử đã và đang tạo điều kiện để người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm hàng hóa với giá ưu đãi. Anh Phạm Minh Dương (39 tuổi, nhân viên một công ty xuất khẩu dệt may tại quận Tân Phú, TPHCM) cho biết, gia đình anh ở gần siêu thị Co.opmart Thắng Lợi nên tuần nào cũng ghé siêu thị này 2-3 lần để mua đồ. “Mỗi lần ghé siêu thị tôi đều thấy nhiều mặt hàng giảm giá với mức giảm rất cao. Chẳng hạn đợt 20-10 vừa qua, nhờ giảm giá tới 50% nên ngoài mua quà tặng người thân, tôi còn mua thêm nhiều vật dụng trong nhà với giá tốt”, anh Dương nói.

Còn chị Nguyễn Minh Thy (nhân viên một sàn giao dịch bất động sản tại TP Thủ Đức, TPHCM) chia sẻ, từ đầu năm tới nay thị trường bất động sản gần như đóng băng nên việc cho thuê, bán căn hộ vô cùng khó khăn. Thu nhập của chị Thy giảm khá nhiều so với năm ngoái, buộc chị phải thắt lưng, buộc bụng trong các khoản chi tiêu. “Mỗi khi mua sắm tôi thường xem nhãn hàng có giảm giá hay không. May mắn là thời gian qua các siêu thị như Co.opmart xa lộ Hà Nội giảm giá rất nhiều cho hàng tiêu dùng. Tính sơ cứ mua bình quân 1 triệu đồng tôi giảm được vài trăm ngàn đồng trên giá trị sản phẩm”, chị Thy phấn khởi nói.

Theo đánh giá của Sở Công thương TPHCM, việc các doanh nghiệp liên tục thực hiện khuyến mãi trong giai đoạn thị trường khó khăn hiện nay là giải pháp thiết thực để kích thích chi tiêu của người tiêu dùng. Vì vậy, trong tháng 11, TPHCM sẽ tiếp tục thực hiện chương trình khuyến mãi tập trung giai đoạn 2. Thông qua đó vừa giúp doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa, gia tăng sản xuất vừa giúp người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm giá tốt.

Tin cùng chuyên mục