Người “vớt” chữ bên bến đò Yên Tập

Người “vớt” chữ bên bến đò Yên Tập

Đã 15 năm trôi qua, lớp học tại bến đò Yên Tập (thuộc huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) của chị Đỗ Thị Nga vẫn đều đều vang tiếng ê, a. Tuy không có một đồng lương nào từ việc dạy học và cơ sở vật chất lớp rất sơ sài, nhưng chị Nga vẫn âm thầm “vớt” chữ cho những người vạn chài nơi đây thoát cảnh mù chữ.

Lịch học theo… con nước 

Người “vớt” chữ bên bến đò Yên Tập ảnh 1

Cô giáo Đỗ Thị Nga chuẩn bị giáo án cho buổi học mới

Lớp học vạn chài của chị Nga nằm khép mình bên bến đò Yên Tập. Không giống như tưởng tượng của chúng tôi, lớp học chỉ là một căn nhà cấp bốn nhỏ xíu chừng 10m2. Mái ngói liêu xiêu đã ngả màu thời gian, tường bong tróc từng vạt lớn.

Vào trong, lớp học cũng không có gì ngoài một vài cái bàn học xập xệ bị gãy chân được chắp vá nham nhở. Đó là những thứ được vớt dưới sông lên. Lớp học có chừng 10 người, đủ mọi lứa tuổi, trẻ có, trung niên và người tóc bạc. Người đến sớm được ngồi học tại ba cái bàn học gãy chân, còn lại phải ngồi dưới đất, thậm chí phải kê gạch làm bàn viết.

Thấy khách lạ, học sinh trong lớp lại… trốn biệt, chị Nga phân trần: “Nhiều khi thấy khách lạ, học sinh lớn tuổi thấy ngại nên lánh mặt”. Khi đã quen với khách, anh Đinh Quang Hùng, 40 tuổi, người làng vạn chài gần bến đò Yên Tập, mới ngại ngùng trở về “chiếc bàn gạch”.

Anh Hùng cho biết: “Đầu đã có hai thứ tóc rồi, nhưng hàng ngày vẫn cố gắng đến lớp. Không biết chữ khổ đủ đường, viết cái đơn không được, ký nhận cái tên của mình cũng không xong. Tủi hổ lắm!”.

Anh Hùng vẫn còn nhớ như in những buổi học cực khổ cách đây không lâu. Trời mưa tầm tã, lớp chỉ có 5 người đến học. Mái ngói đã cũ, lớp học dột tứ tung. Mưa dột chỗ nào, học trò lại xê dịch một chút rồi kê giấy lên đùi cặm cụi viết tiếp bài… Vậy mà có những hôm, lớp học lại có tới 15 người, phòng học vốn bé tẹo, khiến cho nhiều người phải ngồi cả ra hiên, ngồi vào gian bếp thông vơi phòng học để nghe bài.

Lịch học của lớp không tính theo thời gian biểu như thông thường, mà giảng dạy theo lịch… của con nước, là nếp sinh hoạt của người vạn chài. Học sinh lớp chị Nga chủ yếu là người dân vạn chài từ khắp nơi như Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang đổ về gần bến đò cắm sào sinh sống.

Quanh năm sống nhờ con tôm, tép nên mùa nước cạn vào vụ đánh bắt chính, dân vạn chài dong thuyền đi khắp nơi, lớp học không tổ chức được. Nhưng mùa nước lũ, học sinh đến lớp chị Nga lại đông hơn, có buổi tới 20 người.

“Nghe trộm”... cách giảng bài

Lớp học vạn chài vốn xập xệ, căn phòng chị Nga ở cũng chẳng khá hơn là bao. Cái giường choán hết không gian trong nhà. Đây là căn phòng chị Nga được Trạm Quản lý đường sông Yên Tập cấp sau bao năm công tác. Đời sống vậy đó, nhưng 15 năm âm thầm mở lớp học cho người vạn chài mù chữ, chị chưa hưởng một đồng tiền công nào.

“Điều tôi băn khoăn không phải tiền lương giảng dạy, tôi đang lo chất lượng học tập của học sinh do cơ sở và đời sống của người vạn chài vốn bộn bề khó khăn”, chị Nga băn khoăn. Chị kể, nhiều khi xảy ra những tình huống dở khóc, dở cười, làm cô và trò cùng tủi thân.

Để có sách giảng dạy, chị thường xuyên sang xã Yên Lư để mượn sách giáo khoa của học sinh về soạn bài. Lớp đang học, học sinh cho muợn sách đến… đòi sách. Cô và trò chỉ biết nhìn nhau lặng người!

Những năm đầu mở lớp, chị Nga luôn cảm thấy lực bất tòng tâm khi học sinh không tiếp thu được bài giảng. Không thể đi học sư phạm, chị đành phải đến Trường Tiểu học Yên Lư, núp sau cửa sổ “nghe trộm” cách giảng bài của giáo viên…  rồi về làm theo.

Chị Nga thổ lộ: “Những bàn tay bắt con cá, con tôm sao mà nhanh nhưng đến khi cầm cây bút, quyển vở thì khó đến vậy! Để viết được một chữ cái, tôi phải nắm tận tay học sinh mới chỉnh được dòng chữ cho bớt “rung”. Nhìn lớp học lố nhố, có học sinh còn lớn hơn cả cô giáo mà vẫn đánh vần từng chữ, nhiều lúc tôi cảm thấy buồn vui lẫn lộn.

Suốt 15 năm qua, chị Nga vẫn âm thầm đứng lớp và mới đây, lãnh đạo Trạm Quản lý đường sông Yên Tập đã nhường một phòng để làm lớp học. Tất cả nhiệt huyết của người “nuôi” chữ không lương như đã được đền đáp và vui hơn khi học trò của chị trở thành thuyền trưởng, như anh Trương Văn Tính (ở Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) và cũng có người đủ điều kiện vào học trường đào tạo nghề .

Hải Ngọc Trân – Trọng Tuân

Tin cùng chuyên mục