NGƯT Phạm Thúy Hoan: Nỗ lực lan tỏa cây đàn tranh Việt Nam

Nhà giáo ưu tú (NGƯT) Phạm Thúy Hoan vừa đón sinh nhật tuổi 80 bằng việc ra mắt Tiểu phẩm đàn tranh và một số bài hát tập 3, do NXB Đà Nẵng ấn hành. Đây là cuốn sách thứ 16 được bà sáng tác dành cho nghệ thuật đàn tranh. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi cùng NGƯT Thúy Hoan về tình yêu với cây đàn tranh truyền thống.
Nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan
Nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan

PHÓNG VIÊN: Thưa bà, trong đời sống hiện nay, âm nhạc dân tộc và nghệ thuật đàn tranh Việt Nam có tạo được sức hút với người trẻ? 

NGƯT PHẠM THÚY HOAN: Tôi rất mừng khi có nhiều em theo đuổi lĩnh vực âm nhạc dân tộc. Các em giỏi về chuyên môn, kỹ thuật, chịu khó học hỏi và có nhiều điều kiện tiếp cận với công nghệ hiện đại. Kiến thức chuyên ngành, kiến thức cuộc sống sẽ là sự hỗ trợ để các em phát huy tay nghề tốt nhất. Tôi rất mừng là đã có một lớp trẻ có thể thay thế thế hệ thầy cô đi trước. 

Tại TPHCM, hiện có khoảng 20 ban nhạc dân tộc hoạt động, chuyên trình diễn đàn tranh, quy tụ được lực lượng trẻ, giỏi nghề. Các em chịu khó tìm tòi, sáng tạo, thể hiện qua việc gìn giữ và phát triển âm nhạc dân tộc theo phong cách mới nhưng không làm mất đi các giá trị cao quý của âm nhạc dân tộc.

Bà nhận định như thế nào về tính hiệu quả của công tác giảng dạy âm nhạc truyền thống trong nhà trường?

Những năm qua, phong trào học đàn tranh và âm nhạc truyền thống được giới trẻ quan tâm. Hiện nay ở TPHCM, cấp tiểu học có Trường Tiểu học Phan Đình Phùng, Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn… chịu khó đầu tư phong trào học đàn tranh, tìm hiểu âm nhạc dân tộc, được nhiều học sinh và phụ huynh yêu thích, nhiệt tình tham gia.

Các trường thành lập được cả lớp học chuyên về nghệ thuật đàn tranh. Với các lớp đàn tranh ở trường tiểu học, tôi có đề nghị nhà trường tổ chức thi đàn tranh vào dịp cuối năm học và trao giải thưởng động viên tinh thần học sinh, thay vì đợi khi nào có liên hoan mới tham gia thi diễn thì quá ít cuộc chơi thú vị. Làm như vậy cũng góp phần đẩy mạnh phong trào theo học, tìm hiểu và lan tỏa rộng hơn sự yêu thích âm nhạc dân tộc trong các bạn trẻ. 

Mấy năm qua, Trường Đại học FPT cũng có tiêu chí sinh viên tự chọn nhạc cụ: đàn tranh, đàn nhị, đàn nguyệt, sáo, để theo học như một môn học bắt buộc. Sinh viên các khóa, các ngành, phải hoàn thành bộ môn nhạc cụ dân tộc mới đạt điều kiện tốt nghiệp. Với khoảng 30 buổi học, sinh viên được trang bị kiến thức cơ bản về nhạc cụ dân tộc, có thể chơi một số bài nhạc cơ bản và có thể tự mình “vỡ” được bài.

Trước đó, Trường Đại học Hùng Vương cũng mở lớp dạy âm nhạc dân tộc cho sinh viên... Tuy nhiên, để tiếp cận và đào tạo được lớp trẻ kế thừa, cần thiết phải có sự hỗ trợ trực tiếp và cấp thiết của Nhà nước. Sự hỗ trợ ấy không chỉ là tiền bạc, mà Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT hỗ trợ bằng cách yêu cầu các trường đẩy mạnh mô hình sinh hoạt âm nhạc dân tộc học đường, từ đây sự lan tỏa sẽ phát huy mạnh mẽ. 

Câu lạc bộ Tiếng hát quê hương do bà thành lập đã có hơn 40 năm hoạt động, bà thấy mình đã hoàn thành được khát vọng truyền nghề? 

Thành lập từ năm 1981, bình quân sinh hoạt tại Câu lạc bộ Tiếng hát quê hương có khoảng 40 em. Lớp học viên lớn lên, rời câu lạc bộ, lại có những lớp học viên nhỏ tuổi khác tham gia. Tại câu lạc bộ, các em vừa học lý thuyết, vừa thực hành thường xuyên. Những em này được tôi chỉ dạy thêm về cách truyền đạt kiến thức như một hình thức sư phạm thực hành. Tôi thấy an tâm, nếu như mình không còn sức khỏe để tiếp tục công việc yêu thích, vẫn có một lớp trẻ thay thế. 

Cũng từ câu lạc bộ, nhiều học viên đã chọn theo đuổi con đường âm nhạc dân tộc chuyên nghiệp, tham gia công tác giảng dạy âm nhạc tại các trường học, biểu diễn quảng bá âm nhạc dân tộc. Trong đó, có thể kể đến Nguyễn Hoàng Khánh Vân, Hoàng Khánh Vân, Đức Dũng, Mộng Hằng, Thanh Thảo, Tiến Vũ, Minh Thư… Tôi cũng mong được tạo thêm nhiều điều kiện trong công tác tổ chức giao lưu, biểu diễn, phục vụ khán giả của câu lạc bộ với các trường học, để có thể giới thiệu, tiếp cận với học sinh nhiều hơn.

Cả cuộc đời theo đuổi công tác giáo dục âm nhạc dân tộc và nghệ thuật trình diễn đàn tranh truyền thống, bà mong mỏi gì cho niềm đam mê và tình yêu lớn của mình?

Theo đuổi công tác đào tạo, truyền nghề suốt 60 năm, nhìn thấy các em tiến bộ, tôi rất vui mừng, đó cũng là động lực lớn để tôi bền bỉ theo đuổi sự nghiệp giáo dục âm nhạc truyền thống. Trong hành trang làm nghề, tôi tâm huyết với việc viết sách về kỹ thuật đàn tranh, mong đó sẽ là những kiến thức quý và cần thiết cho những bạn trẻ muốn theo đuổi niềm đam mê với cây đàn dân tộc này. Tôi hy vọng mình còn sức thì cứ cố gắng nhiều hơn cho âm nhạc dân tộc, cho sự phát triển và lan tỏa của cây đàn tranh Việt Nam.

"Tôi đang lo là trên thị trường cũng có một cây đàn nước ngoài gần giống với đàn tranh Việt Nam, giá bán rẻ, tặng kèm nhiều phụ kiện, dễ sử dụng, ít lạc dây… Việc lan tỏa sức ảnh hưởng của cây đàn này trong đời sống là một trong những hình thức “đồng hóa” văn hóa nghệ thuật mà chúng ta cần phải cẩn trọng. Tại TPHCM, có một số nơi chuyên dạy loại đàn này, đó là nỗi lo. Trong khi đó, tôi đến rất nhiều quốc gia trên thế giới, các bạn Việt kiều lại không hề bị “đồng hóa” trong sinh hoạt, giảng dạy và trình diễn âm nhạc dân tộc. Các bạn chỉ sử dụng đàn tranh truyền thống để quảng bá âm nhạc dân tộc ra thế giới và cây đàn tranh Việt Nam luôn tạo được ấn tượng sâu sắc với các chuyên gia, nghệ sĩ và công chúng quốc tế về sự độc đáo và đặc sắc của âm thanh, đó là sự réo rắt, tế nhị, thanh thoát, nhẹ nhàng, du dương, mềm mại, uyển chuyển, tha thướt, mà không phải cây đàn nào cũng có được" - NGƯT Phạm Thúy Hoan

Tin cùng chuyên mục