Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS), gồm 34 nước, vừa thông qua một nghị quyết được đánh giá là có khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Colombia và Ecuador cùng các nước khu vực Nam Mỹ.
Theo nghị quyết, phía Colombia phải thừa nhận đã vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Ecuador. OAS sẽ thành lập một Ủy ban điều tra theo yêu cầu của phía Ecuador và triệu tập một cuộc họp tham vấn cấp ngoại trưởng vào ngày 17-3 để đánh giá vụ việc trên.
Dư luận thế giới đánh giá nghị quyết mới của OAS sẽ làm dịu tình hình căng thẳng ngoại giao giữa Colombia, Venezuela, Ecuador trước nguy cơ rơi vào “thời kỳ chiến tranh lạnh trên dãy núi Andes”. Sự việc khởi đầu từ khi Colombia mở chiến dịch quân sự tiêu diệt lực lượng nổi dậy cánh tả FARC trên lãnh thổ Ecuador.
Ecuador đã lên tiếng cáo buộc Colombia xâm phạm lãnh thổ trong khi Colombia cho rằng họ phải tiêu diệt FARC vì tổ chức này đang chuẩn bị sản xuất bom bẩn nhằm vào các nước Nam Mỹ. Quân đội 2 nước được đặt trong tình trạng báo động.
Căng thẳng gia tăng sau khi chính phủ Venezuela điều động 9.000 binh sĩ đến khu vực biên giới giáp Colombia. Colombia lại tiếp tục đổ thêm dầu vào lửa bằng cách cáo buộc Tổng thống Chavez cung cấp tài chính cho phong trào nổi dậy lâu đời nhất ở Mỹ Latin này.
Các nước trong khu vực Nam Mỹ như Venezuela, Ecuador, Brazil, Chile, Nicaragua… kịch liệt lên án hành động của Colombia. Điều này đã thể hiện rõ sự phân cực về quan niệm tư tưởng giữa 2 phe chống Mỹ và thân Mỹ tại châu Mỹ Latin.
Các nước Nam Mỹ do các nhà lãnh đạo cánh tả cầm quyền đã cáo buộc Tổng thống Uribe là mối nguy hiểm của khu vực Mỹ Latin vì nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Mỹ từ quân sự, kinh tế.
Liên tưởng đến cuộc chiến Trung Đông, Tổng thống Venezuela đã gọi Colombia là “Israel tại Nam Mỹ”. Nhiều nhà phân tích cho rằng, căng thẳng ngoại giao giữa 3 nước sẽ tạo “lý do chính đáng” cho Mỹ điều động thêm quân đến Colombia, để lập lại trật tự tại châu Mỹ Latin.
Nhận thấy được kịch bản của Mỹ, Ecuador và Venezuela đã nhanh chóng phản ứng, triển khai quân ứng chiến tỏ rõ họ sẵn sàng bảo vệ chủ quyền. Đồng thời, nhằm cảnh báo Mỹ rằng, khu vực châu Mỹ Latin giờ đây là của lực lượng cánh tả. Một cách tỏ rõ quan điểm chứ thật sự không nhằm nổ ra chiến tranh dù là chiến tranh lạnh.
Trước đó, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, cuộc khủng hoảng ở biên giới giữa 3 nước khó có thể trải dài từ các sa mạc khô cằn, xuyên qua dãy núi Andes và sang Thái Bình Dương vì nguy cơ xảy ra chiến tranh là khó có thể xảy ra.
(Theo New York Times, THX)
THANH HẰNG