Nguy cơ dịch trên toàn quốc đã hiện hữu, phải triển khai các biện pháp cứng rắn hơn

“Nguy cơ dịch trên toàn quốc đã hiện hữu. Chúng ta phải triển khai các biện pháp cứng rắn hơn, mạnh mẽ hơn, tích cực hơn, bám sát tình hình thực tế hơn, để ngăn chặn dịch bệnh”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ.

Ngày 9-5, trong chuyến làm việc ở miền Tây Nam bộ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các tỉnh biên giới Tây Nam và triệu tập cuộc họp trực tuyến khẩn cấp từ đầu cầu UBND tỉnh An Giang với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, một số bộ ngành và lãnh đạo 6 tỉnh biên giới phía Tây Nam.

Nguy cơ dịch trên toàn quốc đã hiện hữu, phải triển khai các biện pháp cứng rắn hơn ảnh 1 Trong chuyến công tác tại các tỉnh ĐBSCL, tại trụ sở UBND tỉnh An Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính triệu tập cuộc họp trực tuyến khẩn cấp với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và 6 tỉnh biên giới phía Tây Nam. Ảnh: VIẾT CHUNG 

Đang đi công tác, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình dự họp tại điểm cầu Tây Ninh; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành dự cuộc họp tại đầu cầu An Giang; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 dự họp tại đầu cầu Hà Nội. Lãnh đạo các tỉnh An Giang, Bình Phước, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An và Tây Ninh dự họp tại các điểm cầu địa phương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đây là thời điểm “nước sôi lửa bỏng”, Thủ tướng Chính phủ phải họp khẩn cấp với các địa phương Tây Nam bộ để triển khai các biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới.

Trong 10 ngày qua, tình hình diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh thành. Qua theo dõi cho thấy nhiều tỉnh vẫn còn lơ là, chủ quan, mất cảnh giác khi chưa xảy ra dịch ở địa phương, nhưng đến khi dịch xảy ra lại hốt hoảng, thực hiện nhiều biện pháp  thái quá.

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết diễn biến dịch lần này khá nhanh, đa nguồn lây, đa ổ dịch… Trong khi đó, trong 1 tuần qua, tình hình nhập cảnh trái phép diễn biến rất phức tạp; diễn biến dịch từ Campuchia vẫn căng thẳng.

Do Campuchia đã dỡ phong toả, nên dự báo trong những ngày tới, lượng người nhập cảnh cả hợp pháp, cả trái phép từ Campuchia về nước sẽ tiếp tục tăng…, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh vào khu vực Tây Nam bộ là rất lớn.

Do đó, Bộ trưởng đề nghị phải tiếp tục siết chặt kiểm soát biên giới trên bộ, trên biển; phát động nhân dân tố giác người nhập cảnh trái phép. Các địa phương biên giới Tây Nam bộ phải xác định tinh thần luôn luôn trong trạng thái có nguy cơ, phải “coi như mình đã có dịch”; chuẩn bị cho kịch bản dịch lan trong cộng đồng.

Các tỉnh phải kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống dịch, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, vật tư y tế, nâng cao năng lực xét nghiệm; chuẩn bị cơ sở điều trị và các điều kiện để cách ly số lượng lớn người nhập cảnh ở ngay khu vực biên giới… theo phương châm 4 tại chỗ.

Các địa phương phải phải chống dịch theo cách tiếp cận mới như chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, kết hợp hài hoà giữa phòng thủ và tấn công, trong đó tấn công là chính. Đảm bảo điều kiện cần thiết để chống dịch, nhất là chuẩn bị các phương án triển khai xét nghiệm trên diện rộng…

Nguy cơ dịch trên toàn quốc đã hiện hữu, phải triển khai các biện pháp cứng rắn hơn ảnh 2 Thủ tướng nhấn mạnh, trong 10 ngày qua, tốc độ lây nhiễm dịch bệnh rất nhanh, rất khó lường. Ảnh: VIẾT CHUNG

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình, qua kiểm tra biên giới và một số địa phương khu vực Tây Nam bộ cho thấy hiện nay, chúng ta đang kiểm soát tốt, nhưng áp lực rất lớn, bởi tuyến biên giới Tây Nam không như phía Bắc, bước qua dòng sông, cánh đồng là qua biên giới.

Do đó, các lực lượng chức năng phải căng mình với 500m/chốt kiểm soát nên rất vất vả. Cần tiếp tục tăng cường nhân lực, phương tiện, hỗ trợ vật chất. Có thực trạng người nước ngoài nhập cảnh trái phép từ phía Bắc đi vào các tỉnh ĐBSCL để tìm đường sang Campuchia, do đó, cần phải xử lý triệt để, chủ động ngăn chặn, triệt phá các đường dây nhập cảnh trái phép…    

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh Bộ Y tế phải làm việc với các sở ở các tỉnh biên giới, phải có cơ chế khẩn cấp và mua dự phòng trang thiết bị vật tư y tế để bảo đảm vấn đề xét nghiệm.

Do các địa phương ở ĐBSCL chưa xảy ra tình trạng dịch bệnh lây nhiễm trong cộng đồng theo đúng nghĩa nên chưa có kinh nghiệm ứng phó, dễ lúng túng nếu dịch xảy ra trong cộng đồng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị lãnh đạo các tỉnh yêu cầu Sở Y tế xây dựng và báo cáo tỉnh các phương án ứng phó với kịch bản xấu nhất.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, để chủ động ngăn chặn dịch bệnh, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng phân công nhau đi kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ở Hà Nội, với vai trò là Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã rất tích cực, trong mấy tuần vừa qua gần như làm việc cả đêm, cả ngày.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình liên tục đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch ở các tỉnh phía Tây Nam. Thủ tướng cùng Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và một số bộ trưởng kiểm tra trên thực địa tại một số địa phương và xem xét các công việc liên quan đến nhiều mặt ở các tỉnh biên giới phía Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong 10 ngày qua, tốc độ lây nhiễm dịch bệnh rất nhanh, rất khó lường. Nguyên nhân thứ nhất là do dịch bệnh lây lan từ người nhập cảnh vào; cộng với tâm lý lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; thực hiện phòng, chống dịch không đúng quy chế, không đúng quy trình, không đúng nguyên tắc mà tới đây sẽ phải xác định rõ địa chỉ, rõ người để kiểm điểm trách nhiệm.

Nguyên nhân thứ hai là đa nguồn lây, đa ổ dịch, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây lây nhiễm rất nhanh, khó lường, xảy ra trên diện rộng, đã trên 20 tỉnh.

“Nguy cơ dịch trên toàn quốc đã hiện hữu. Chúng ta phải triển khai các biện pháp cứng rắn hơn, mạnh mẽ hơn, tích cực hơn, bám sát tình hình thực tế hơn, để ngăn chặn dịch bệnh”, Thủ tướng nêu rõ.

Nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của Bí thư, Chủ tịch các cấp, Thủ tướng yêu cầu Bí thư, Chủ tịch các cấp, từ tỉnh đến huyện, xã, thôn phải vào cuộc với tinh thần cao nhất, chống dịch như chống giặc, mỗi tỉnh là một pháo đài, mỗi huyện là 1 pháo đài, mỗi xã là 1 pháo đài, mỗi người dân là 1 chiến sĩ, là 1 thành viên của pháo đài, có như vậy mới ngăn chặn được dịch.

Nguy cơ dịch trên toàn quốc đã hiện hữu, phải triển khai các biện pháp cứng rắn hơn ảnh 3 Thủ tướng nêu rõ: Nơi nào để xảy ra dịch bệnh diện rộng, không thể tổ chức bầu cử, trì trệ kinh tế - xã hội do nguyên nhân chủ quan, dứt khoát phải xử lý người đứng đầu các cấp. Ảnh: VIẾT CHUNG

Thủ tướng cũng chỉ ra nguyên nhân thứ ba làm bùng phát dịch là các doanh nghiệp, địa phương, cơ quan, đơn vị mời chuyên gia nước ngoài vào nhưng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không thực hiện nghiêm quy định của Ban Chỉ đạo quốc gia, của Bộ Y tế dẫn tới “bị thủng lưới”. Cùng với đó, tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp ở các nước láng giềng, gây áp lực, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào nước ta là rất lớn.

“Việc kiểm soát đường biên giới rất khó khăn, vì điều kiện đường biên giới khu vực Tây Nam dễ tạo điều kiện cho người qua lại trái phép nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập qua biên giới rất lớn”, Thủ tướng lưu ý.

Từ thực tế đó, Thủ tướng khẳng định tình hình dịch bệnh Covid-19 đã xuất hiện những tính chất mới hơn, có những đặc thù diễn biến nhanh hơn, phức tạp hơn.

Bài học kinh nghiệm tại các địa phương, bệnh viện xảy ra ổ dịch cho thấy vẫn lơ là chủ quan, mất cảnh giác, thực hiện không đúng quy trình, quy định, đặc biệt chưa chuẩn bị đầy đủ cho chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”.

Cán bộ, nhất là người đứng đầu còn có những lúc lơ là, chủ quan, thậm chí phân công nhiệm vụ, trách nhiệm không rõ ràng. Đến khi có dịch thì lúng túng, hốt hoảng, lo sợ, mất bình tĩnh, mất bản lĩnh, áp dụng các biện pháp cực đoan làm cho nhân dân hoang mang, sản xuất kinh doanh trì trệ. Thủ tướng yêu cầu phải rút kinh nghiệm, chấn chỉnh ngay tình trạng này.

“Tình hình rất phức tạp, nguy cơ lây nhiễm trên toàn quốc rất cao, có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chúng ta đang kiểm soát tốt nhưng nếu không chủ động, cảnh giác, không có các biện pháp ứng phó, không huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, sức mạnh toàn dân, thì chúng ta sẽ thất bại”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Nếu dịch xảy ra trên phạm vi cả nước thì ảnh hưởng đến ổn định chính trị, sức khoẻ nhân dân, cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, việc kết thúc năm học 2020-202, hậu quả sẽ khôn lường.

Vì vậy, các địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm, có hiệu quả chỉ đạo của Ban Bí Thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ dạo quốc gia, hướng dẫn của Bộ Y tế… tiếp tục phòng, chống dịch, khắc phục hậu quả, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội với tư tưởng chỉ đạo “thần tốc, thần tốc hơn nữa; tích cực, tích cực hơn nữa; quyết liệt, quyết liệt hơn nữa; hiệu quả, hiệu quả hơn nữa; thành công, thành công hơn nữa”.

Chúng ta cũng phải chuẩn bị cho kịch bản cả nước có 30.000 người nhiễm và điều trị trên toàn quốc, bởi dịch bệnh đã hiện hữu, không còn là dự báo.

Thủ tướng yêu cầu khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân thực hiện tốt, có hiệu quả, xả thân vì công tác chống dịch; đồng thời phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm, xử lý nghiêm các trường hợp lơ là, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, xử lý nghiêm minh, có tính răn đe.

Thủ tướng biểu dương tỉnh Vĩnh Phúc vừa qua kiên quyết xử lý Phó Giám đốc Sở Y tế, lãnh đạo huyện Bình Xuyên do lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch.

“Nơi nào để xảy ra dịch bệnh diện rộng, không thể tổ chức bầu cử, trì trệ kinh tế - xã hội do nguyên nhân chủ quan, dứt khoát phải xử lý người đứng đầu các cấp. Lơ là, chủ quan, mất cảnh giác là trả giá đắt cho xã hội, cho hệ thống chính trị, sức khoẻ người dân, cho lợi ích quốc gia, dân tộc”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương có kịch bản đảm bảo cuộc bầu cử; kết thúc năm học 2020-2021 đúng luật, có hiệu quả; nhanh chóng ổn định tình hình, tập trung cho sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống của nhân dân.

Tin cùng chuyên mục