Những diễn biến bạo lực leo thang nghiêm trọng mấy ngày qua ở Dải Gaza khiến dư luận cả Palestine và Israel không khỏi lo lắng về một cuộc chiến Intifada lần thứ 3. Các chuyên gia tình báo Trung Đông khẳng định chỉ cần một nhà thờ Hồi giáo bị người định cư Do Thái phá hủy, như đã xảy ra vào tuần rồi, hoặc thêm khu định cư Do Thái mới được xây dựng, nỗi lo này sẽ thành hiện thực.
Báo New York Times số ra mới đây nhận định, chính khoảng cách giữa lời nói và hành động của chính quyền Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ngày càng lớn đã làm thất vọng người dân ở quốc gia Ảrập này. Tâm lý chán nản dâng cao ở Palestine đã dẫn đến những phản kháng bằng bạo lực. Tháng trước, một cuộc đấu súng đã xảy ra trên đường phố Jenin, 1.600 tù nhân Palestine đã tuyệt thực tuần thứ tư… Nguyên nhân sâu xa của sự bất ổn này, vì người Palestine đã mất hết hy vọng được công nhận trở thành quốc gia độc lập. Sau khi đệ đơn xin gia nhập LHQ vào tháng 9 năm ngoái, chính quyền của ông Abbas dường như án binh bất động, không đạt được bước đi tích cực nào nữa.
Sự chùn bước này thực tế này đã đẩy người Palestine vào thế chỉ còn 2 lựa chọn đối với Israel: biểu tình hoặc kháng cự vũ trang. Lựa chọn đầu tiên sẽ vấp phải các trở ngại rất lớn vì sự chia rẽ chính trị giữa phong trào Hamas ở Gaza và lực lượng Fatah của Tổng thống Abbas ở Bờ Tây. Nếu các cuộc biểu tình diễn ra ở Bờ Tây, Israel sẽ yêu cầu các lực lượng của phe ông Abbas ngăn chặn, buộc họ phải bắn vào người biểu tình Palestine hoặc chấm dứt hợp tác an ninh với Israel. Giới phân tích nhận định bản thân ông Abbas biết và e ngại rằng các cuộc biểu tình lớn đều có khả năng leo thang quân sự hóa ở cả hai bên. Vì lý do đó, Chính phủ Palestine sẽ chủ động ủng hộ tài chính các cuộc biểu tình nhỏ hàng tuần.
Lựa chọn thứ hai, đối đầu có vũ khí khi lực lượng Hamas vẫn lập luận rằng bạo lực là chiến thuật hiệu quả nhất buộc Israel và cộng đồng quốc tế hành động. Họ tin chính đá, bom xăng và hàng loạt các cuộc biểu tình đã buộc Israel ký Hiệp ước Oslo năm 1993. Cuộc biểu tình đẫm máu ngăn chặn quân đội Israel ở Lebanon đã buộc người Israel rút lui vào năm 2000. Cuộc Intifada lần thứ 2 đã gây áp lực khiến Tổng thống Mỹ George W. Bush khi đó tuyên bố ủng hộ một nhà nước Palestine độc lập và cộng đồng quốc tế đã phải suy nghĩ đề ra các Sáng kiến Hòa bình Arập, Sáng kiến Geneva, Lộ trình Hòa bình Trung Đông… Đối với Israel, Hamas (và cả Jihad) vẫn bảo lưu quan điểm chiến lược của họ “không công nhận sự tồn tại của Israel trên toàn bộ lãnh thổ Palestine” bao gồm cả Gaza và Bờ Tây. Dải Gaza gồm một vùng phía Bắc đông dân và một vùng phía Nam ít dân hơn, rất quan trọng do có 11km chung biên giới với Ai Cập. Giới phân tích cho rằng nếu “Intifada 3” bùng nổ, mức độ nghiêm trọng sẽ không lường hết và thiệt hại cả hai bên tranh chấp sẽ vượt mọi dự đoán. Trong 5 năm của Intifada 2, Israel có 1.064 người thiệt mạng và phía Palestine có 4.224 người, 20.000 người bị thương, chủ yếu là dân thường, cùng 8.000 người bị bắt giam.
Hạnh Chi