Nguyễn Bá Khoản - Hành trình dấn thân và những khoảnh khắc lịch sử

Tháng 7-2017, tháng kỷ niệm tròn 100 năm ngày sinh của nhà nhiếp ảnh lớn Nguyễn Bá Khoản - ông là tác giả của hàng ngàn bức ảnh lịch sử cách mạng quý hiếm ở thế kỷ XX, một trong bốn nghệ sĩ đầu tiên của ngành nhiếp ảnh Việt Nam được Chủ tịch nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1. 
Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Hiệp ước sơ bộ ngày 6-3-1946 với đại diện Chính phủ Pháp Sainteny ở số 4 phố Lê Lai - Hà Nội; Thứ trưởng Ngoại giao Hoàng Minh Giám đang đọc bản hiệp ước. Ảnh: Nguyễn Bá Khoản
Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Hiệp ước sơ bộ ngày 6-3-1946 với đại diện Chính phủ Pháp Sainteny ở số 4 phố Lê Lai - Hà Nội; Thứ trưởng Ngoại giao Hoàng Minh Giám đang đọc bản hiệp ước. Ảnh: Nguyễn Bá Khoản
Nguyễn Bá Khoản được xem là phóng viên nhiếp ảnh báo chí cách mạng đầu tiên của nước ta từ trước Cách mạng Tháng Tám. Vào thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương 1936-1939, ông đã sớm có những bức ảnh đăng trên các tờ báo Tin Tức, Bạn Dân, Thời Thế… Đây là các cơ quan ngôn luận cách mạng hoạt động công khai bấy giờ dưới hình thức chủ quản là các nghiệp đoàn, trong đó có Hội Ái hữu các thợ ảnh Hà Nội. Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản đã ghi dấu ấn lịch sử bằng các bức ảnh đăng trên báo như: Hội nghị Báo giới Bắc Kỳ năm 1937, Quang cảnh Hội nghị về Chương trình giảng dạy và truyền bá Quốc ngữ tại Hà Nội, nhất là những tấm ảnh chụp cuộc mít tinh biểu dương lực lượng quần chúng hùng hậu của 25.000 đồng bào nhân Ngày Quốc tế Lao động 1-5-1938 tại khu Đấu xảo - Hà Nội. Vào thời kỳ tiền khởi nghĩa, dù trong hoàn cảnh rất khó khăn, ông vẫn kiên trì cùng chiếc máy ảnh ngược xuôi bám sát đời sống nhân dân lao động và phong trào cách mạng để phản ánh kịp thời trên báo chí.
Cùng với Võ An Ninh, Vũ Năng An, Nguyễn Tiến Lợi…, Nguyễn Bá Khoản cũng là một trong những nhà nhiếp ảnh tiên phong, tiêu biểu thời kỳ nước nhà mới giành được độc lập tự do và chống quân Pháp tái xâm lược ở miền Bắc. Bằng tài năng và lòng yêu nước nhiệt thành, các ông đã vượt qua mọi gian khó, ghi lại những bức ảnh mang tính lịch sử ở thủ đô Hà Nội và chiến khu Việt Bắc. Đó là những hình ảnh sống động phản ánh hoạt động của các nhà lãnh đạo đất nước tới những người lính cảm tử đang trực chiến chống chọi với kẻ thù. Riêng nhà nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản còn có mảng ảnh độc đáo khi ông tham gia đoàn quân Nam tiến vào chi viện chiến trường miền Nam cuối năm 1945. Tay súng tay máy, sau ba tháng quay trở về Hà Nội ông được báo Cứu Quốc hỗ trợ tổ chức triển lãm 500 bức ảnh kịp thời phản ánh tình hình cuộc sống chiến đấu chống Pháp tái xâm lược của quân dân Nam bộ. Sau đó, với tư cách đặc phái viên của Thông tấn xã Việt Nam, ông lại lên đường Nam tiến lần thứ 2 vào Nam Trung bộ và Tây Nguyên để chụp ảnh rồi quay ra Hà Nội tiếp tục triển lãm đợt 2 với 200 bức ảnh về chiến trường nóng bỏng.
Nguyễn Bá Khoản - Hành trình dấn thân và những khoảnh khắc lịch sử ảnh 1 Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản .   Ảnh: TL
Nguyễn Bá Khoản sinh ngày 3-7-1917 trong một gia đình nông dân kiêm thợ thủ công có truyền thống yêu nước ở làng Liễu Viên, xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín. Ông nội và cha ông từng là nghĩa sĩ phong trào Cần Vương, một người anh ruột của ông tham gia khởi nghĩa Bắc Sơn và bị đày biệt xứ. Nhà báo Diệu Ân, con gái của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản, cho hay: “Quê tôi có nghề mộc, ông nội tôi giỏi nghề này, nhưng cha tôi thì không thích, từ nhỏ ông đã mê chụp ảnh. Ông nội tôi hiểu được chí hướng của con trai, nhân một lần sinh nhật cha tôi, ông nội đã tặng món quà sinh nhật đặc biệt - là một chiếc máy ảnh. Từ đó chiếc máy ảnh trở thành “người bạn tri kỷ” với cha tôi và cũng là cây cầu nối con đường cha tôi đến với cách mạng”. Vào năm 20 tuổi, Nguyễn Bá Khoản còn đạp xe du khảo vòng quanh Đông Dương để chụp ảnh và ghi chép những điều mắt thấy tai nghe…
Thật hiếm có một nghệ sĩ nhiếp ảnh có hành trình dấn thân phong phú vào Nam ra Bắc xông pha lửa đạn như Nguyễn Bá Khoản. Với hơn 60 năm cầm máy, ông đã để lại một di sản ảnh tư liệu thật đồ sộ. Đáng quý hơn, những năm cuối đời ông còn hiến tặng 4.000 phim gốc và 2.700 bức ảnh cho Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Đó là chưa kể 5 vạn phim của ông được gia đình lưu giữ và tiếp tục chọn lọc hiến tặng. Nghĩa cử của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản đã được một nhà lãnh đạo cao cấp kỳ cựu bấy giờ của ngành ngoại giao và văn hóa là Giáo sư Hoàng Minh Giám đánh giá cao. Ngoài việc bảo quản tài sản quý giá đó, giáo sư còn đề nghị viện bảo tàng phải lựa chọn, trưng bày giới thiệu những tác phẩm của Nguyễn Bá Khoản đến đông đảo công chúng để mọi người hiểu hơn về sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc từ khi nước nhà chưa giành được độc lập. Nhờ đó mà tập sách Những khoảnh khắc lịch sử qua ống kính của Nguyễn Bá Khoản gồm 114 bức ảnh đã được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành.
Vào năm 1991, trước khi nhà nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản qua đời 2 năm, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đã phối hợp với Thông tấn xã Việt Nam tổ chức một cuộc triển lãm ảnh cho ông. Không kể hai đợt trưng bày ảnh Nam tiến mang tính thời sự năm 1946, đây là cuộc triển lãm đầu tiên và có tính tổng kết cuộc đời nghệ thuật của người nghệ sĩ lớn Nguyễn Bá Khoản. Đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười thời điểm đó đã đến xem triển lãm và trân trọng viết vào sổ lưu niệm: “Tôi rất xúc động khi xem triển lãm ảnh tư liệu của nghệ sĩ Nguyễn Bá Khoản. Đây là những tư liệu quý giá phản ánh chân thực sinh động nhiều sự kiện lịch sử chiến đấu giữ nước oanh liệt của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Mong Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hà Nội, cùng với các cơ quan có liên quan có biện pháp giúp các nghệ sĩ lưu giữ những loại phim ảnh tư liệu quý như thế này và giới thiệu rộng rãi cho mọi người được xem, để góp phần giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho nhân dân ta, nhất là giới trẻ...”.

Tin cùng chuyên mục