
18 năm trong nghề, đảm nhiệm nhiều công việc ở 2 công ty khác nhau, nhưng dù ở môi trường nào, vị trí nào, Nguyễn Văn Sỹ (ảnh) cũng đã khẳng định được năng lực của mình, với niềm đam mê khám phá, tinh thần trách nhiệm cao, hết lòng vì tập thể...

Năm 1990, tốt nghiệp chuyên ngành Cơ khí chế tạo máy Trường ĐH Bách khoa TPHCM, Nguyễn Văn Sỹ vào làm nhân viên phòng kỹ thuật của Công ty Chế tạo máy Sài Gòn (SAMECO). “Trưởng phòng kỹ thuật lúc đó là một kỹ sư giỏi, vừa là người anh, người thầy đầu tiên của tôi. Tôi học được ở anh rất nhiều, từ kinh nghiệm, kỹ thuật thiết kế chế tạo máy đến tính cách cần thiết của một người thợ kỹ thuật: chi tiết, cẩn thận, chắc chắn, nhanh nhẹn, nhất là tinh thần dám nghĩ dám làm”- Sỹ nhớ lại.
Với sự đồng tâm, cùng hướng tới một mục đích cải tiến kỹ thuật làm lợi cho công ty, Sỹ cùng các anh chị trong phòng tung ra hàng loạt sáng kiến cải tiến máy khoan đá, máy tiện sắt thép, máy tiện gỗ… 2 năm sau, khi vị trưởng phòng chuyển công tác, Sỹ được lãnh đạo SAMECO tín nhiệm, giao làm trưởng phòng kỹ thuật. “Làm ở phòng kỹ thuật, trực tiếp va chạm nhiều với máy móc, tôi lại thấy nhiều cái mới. Mỗi sáng kiến ra đời lại thêm một cái nhìn mới hơn”- anh tâm sự. Chính niềm đam mê khám phá cái mới là động lực để anh mạnh dạn đăng ký học chương trình cao học về môi trường tại Trường ĐH Bách khoa TPHCM. Không lâu sau đó, thấy mình có vẻ lạc hậu với công nghệ mới, anh tiếp tục trở lại trường học lớp phần cứng máy tính, hệ kỹ sư 2, song hành cùng chương trình về môi trường.
Năm 1997, khi Công ty Lidovit (bạn hàng thân thiết của SAMECO) có nhu cầu tuyển một quản đốc, Sỹ quyết định chuyển sang với ý nghĩ “muốn thử sức mình ở lĩnh vực mới”. Từ một trưởng phòng kỹ thuật, suốt ngày quần quật với những cỗ máy, giờ giữ vai quản đốc, đòi hỏi tầm bao quát cao, lại trực tiếp làm việc nhiều hơn với con người, bạn bè đều lo cho anh. Tuy nhiên, Sỹ cũng đã khẳng định được năng lực của mình với niềm đam mê sáng tạo, khám phá cái mới. Cuối năm 2006, Lidovit có nhu cầu thay mới hệ thống xi mạ, nhưng giá nhập từ lãnh thổ Đài Loan quá cao nên ban giám đốc quyết định đặt hàng tại Công ty TNHH Sao Cơ (TPHCM).
Sau 4 tháng đặt hàng, hệ thống xi mạ do Sao Cơ thiết kế đưa vào nghiệm thu, đã không đạt yêu cầu. Là quản đốc, hàng ngày phải chứng kiến cảnh anh em công nhân vất vả với hệ thống xi mạ cũ, dù cố gắng bao nhiêu, sản phẩm làm ra vẫn không đạt như mong muốn, kỹ sư Nguyễn Văn Sỹ mạnh dạn đề nghị ban giám đốc cho anh thử sức. Huy động tập thể kỹ sư- công nhân công ty, ròng rã 3 tháng với tinh thần làm việc cao, công trình “Thiết kế và thi công hệ thống xi mạ” do anh làm chủ nhiệm đã đạt kết quả mỹ mãn. Công trình đã tiết kiệm cho công ty trên 1 tỷ đồng so với giá nhập ngoại.
“Mỗi sáng kiến thành công là cả một quá trình dài từ thai nghén ý tưởng đến thực hiện. Điều quan trọng hơn hết là phải dám nghĩ dám làm, xem mỗi thất bại là một lần kinh nghiệm…”- đó là bài học Nguyễn Văn Sỹ rút ra được sau 18 năm làm thầy lẫn làm thợ.
Thanh Hợp