Nguyện vọng của vị tướng già

Cách đây 40 năm, Trung tướng Lê Nam Phong là Tư lệnh Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 trực tiếp chỉ huy trận đánh ác liệt nhằm mở toang cánh cửa thép Xuân Lộc để đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn. Đanh thép, mạnh mẽ trong chiến trận là thế, nhưng vị tướng già không kềm được nước mắt khi nhắc về những đồng đội vĩnh viễn nằm lại trên chiến trường ngay cửa ngõ Sài Gòn trước giờ giải phóng. Ông bảo trận đánh Xuân Lộc vô cùng ác liệt vì Mỹ ngụy quyết “tử thủ” để bảo vệ Sài Gòn. Chúng biết rằng “mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn” nên đã dùng hỏa lực mạnh để ngăn bước tiến của quân ta. Thế nhưng, nhờ mưu trí, dũng cảm và thay đổi chiến lược chiến thuật, cuối cùng quân ta đã giải phóng hoàn toàn thị xã Xuân Lộc.

Trung tướng Lê Nam Phong thổ lộ: Để có được chiến thắng ấy, chúng ta đã phải đánh đổi bằng bao máu xương của các anh hùng liệt sĩ. Những cái chết của các anh hùng liệt sĩ đã hóa thành bất tử, các anh sẵn sàng hiến dâng cho Tổ quốc cả tuổi đời thanh xuân, điều đó nói lên khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam. 40 năm trôi qua, mỗi lần về thăm chiến trường xưa, trái tim vị tướng già vẫn thổn thức không nguôi, ông bảo những liệt sĩ đã nằm lại Xuân Lộc này là lính do ông trực tiếp chỉ huy, vì vậy có những người mẹ, người chị, người anh của họ đã kiếm gặp ông để tìm hài cốt. Ông đau lòng lắm vì có những người chưa xác định rõ danh tính nên cuộc tìm kiếm chưa thể kết thúc.

Để yên lòng người nằm xuống, vị tướng già chỉ mong Nhà nước sớm xây dựng một nghĩa trang liệt sĩ cấp quốc gia, vì nghĩa trang liệt sĩ hiện nay chưa tương xứng với tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của trận đánh Xuân Lộc - một trận đánh vang dội, góp phần quan trọng quyết định thắng lợi của Đại thắng mùa xuân 1975.

Đã đến lúc nguyện vọng của vị tướng già cầm quân suốt hai mùa kháng chiến và đồng đội của ông cũng như nhân dân, thân nhân những chiến sĩ đã hy sinh cần được ghi nhận và thực hiện, nhất là trong dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Điều đó không chỉ để thể hiện hành động đền ơn đáp nghĩa người có công với nước mà còn làm nơi để thờ cúng người đã khuất, nhằm xoa dịu nỗi đau khôn nguôi cho những người còn sống.

MINH YẾN

Tin cùng chuyên mục