Nhà quay phim Matthew J. Siegel: Phim Việt Nam đẹp nhưng chưa sâu

Trong 3 ngày (19 đến 21-8) vừa hướng dẫn chuyên môn, vừa cùng làm việc với các nhà làm phim Việt Nam, giám đốc hình ảnh (D.O.P) người Mỹ, Matthew J.Siegel đã để lại những ấn tượng đẹp bởi phong cách cởi mở, hài hước và sự nhiệt tình của mình. Kinh nghiệm 25 trong nghề làm D.O.P đã cho Matthew cái nhìn nhạy bén đối với các tác phẩm điện ảnh. Cũng trong dịp này, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc phỏng vấn Matthew J.Siegel xung quanh vấn đề làm phim ở Việt Nam…
Nhà quay phim Matthew J. Siegel: Phim Việt Nam đẹp nhưng chưa sâu

Trong 3 ngày (19 đến 21-8) vừa hướng dẫn chuyên môn, vừa cùng làm việc với các nhà làm phim Việt Nam, giám đốc hình ảnh (D.O.P) người Mỹ, Matthew J.Siegel đã để lại những ấn tượng đẹp bởi phong cách cởi mở, hài hước và sự nhiệt tình của mình. Kinh nghiệm 25 trong nghề làm D.O.P đã cho Matthew cái nhìn nhạy bén đối với các tác phẩm điện ảnh. Cũng trong dịp này, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc phỏng vấn Matthew J.Siegel xung quanh vấn đề làm phim ở Việt Nam… 

PV: Hollywood là một môi trường cạnh tranh khốc liệt, ông đã vượt qua những gì để có được vị trí hôm nay? 

Ông Matthew J.Siegel: Đúng, đó là một nơi mà sự cạnh tranh diễn ra hết sức khốc liệt, ai cũng muốn được làm việc và thành công trong nền công nghệ điện ảnh của Hollywood. Số người muốn được làm phim cho Hollywood còn nhiều hơn cả số phim được làm ra. Tôi đã phải nỗ lực rất nhiều. Điều này trái ngược với thị trường phim của các bạn. Các nhà làm phim Việt Nam (VN) đang có nhiều cơ hội vì cung chưa đủ cầu. Đó cũng là lý do mà tôi thấy nhiều đạo diễn hình ảnh VN ở nước ngoài về nước làm phim. VN đang là “mảnh đất dụng võ” cho tất cả những ai muốn làm phim.

Bắt tay với nhà làm phim VN.

Bắt tay với nhà làm phim VN.

 Ông đã từng xem những bộ phim nào của VN và ông nghĩ sao về những nhà làm phim VN? 

Tôi đã từng xem các phim “Mùi đu đủ xanh”, “Ba mùa”, “Xích lô” và một số phim của VN tham dự liên hoan phim. Ngay trong buổi nói chuyện với các nhà làm phim VN, tôi cũng được một số người mang phim ngắn của mình tới nhờ tôi xem và nhận xét. Mặt mạnh của các bạn đó chính là tâm huyết, sự hăng say đối với công việc.

Nhiều nhà làm phim ở VN có năng khiếu bẩm sinh. Con mắt nghệ thuật, năng khiếu nghệ thuật của những nhà làm phim VN rất tốt, cách truyền đạt về mặt hình ảnh của các bạn rất tinh tế, bố cục, ánh sáng đẹp. Hạn chế của phim trường vô tình lại là thế mạnh để các đạo diễn hình ảnh VN tận dụng được những cảnh quay thiên nhiên, đó là lý do khiến các bộ phim thường có hình ảnh đẹp, sống động.

Tuy nhiên điểm yếu của phim VN thường là nội dung chưa sâu. Kỹ năng làm phim ở VN mới chỉ dừng lại ở sự tự phát, mang tính học nghề, các bạn thiếu sự đào tạo bài bản, thiếu tính đồng đội. Điều này thực sự uổng phí, nếu kết hợp được cả năng khiếu lẫn kỹ năng thì điện ảnh VN sẽ phát triển rất nhanh.

Một điều nữa là giữa hãng phim nhà nước và hãng phim tư nhân ở VN chưa tìm ra tiếng nói chung để cùng phát triển, mặc dù sự đồng điệu của đôi bên đã khá hơn trước. Tín hiệu lạc quan cho điện ảnh VN đó là nhiều nhà làm phim VN hiện nay được đào tạo từ nước ngoài, hoặc ở nước ngoài thích về làm phim. VN có nhiều bộ phim tôn vinh cái đẹp của dân tộc, tôn vinh văn hóa truyền thống lâu đời của người VN. 

Trong cách nói của ông có vẻ như xu hướng làm phim mà ông quan tâm là dòng phim nghệ thuật. Tuy nhiên những bộ phim ông từng thực hiện lại thuộc thể loại phim hành động và phim đánh vào thị hiếu của số đông khán giả. Dường như hai điều này trái ngược nhau. Ông cũng thấy những bộ phim nghệ thuật ở VN chỉ dành đi tham dự liên hoan phim, không được đông đảo khán giả quan tâm. Xu hướng làm phim ở VN hiện nay cũng đang nhắm đến dòng phim chiều lòng khán giả… 

Phim nghệ thuật là thế mạnh của các nước nghèo, của những thị trường phim non trẻ. Xu hướng làm phim thương mại là xu hướng chung. Những bộ phim thuộc thể loại hành động thường làm nhanh và đánh vào thị hiếu nên ai cũng thích làm. Để điện ảnh phát triển, tạo được nguồn thu các bạn vẫn phải làm phim thương mại. Tôi không khuyến khích các bạn chú tâm làm phim thể loại này. Điều quan trọng là cân bằng cả hai dòng phim để chúng bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau. Việc mất cân bằng chính là nhược điểm của các nước có nền điện ảnh phát triển hiện nay…

HÀ GIANG

 Matthew bắt đầu sự nghiệp bằng công việc chụp hình trong những buổi quay thời trang của tập đoàn thời trang khổng lồ Esprit de Corp, sau đó là chụp hình cho tạp chí Buzz và Details ở Ý và Đông Âu… Tác phẩm điện ảnh đầu tiên của Matthew đã đoạt giải quay phim của Kodak, đó là cơ hội để ông gia nhập Học viện Điện ảnh và Truyền hình ở Budapest, Hungary.

Ông làm tất cả các loại phim từ quảng cáo, tài liệu đến video ca nhạc bước dần sang lĩnh vực phim truyền hình nhiều tập và phim nhựa. Ông đi khắp thế giới để thực hiện chương trình thể thao đặc biệt cho kênh truyền hình thể thao ABC/ESPN.

Giải thưởng mà ông đạt được đó là: giải CLIO vàng – giải thưởng danh giá nhất ở lĩnh vực quảng cáo ở một phim quảng cáo mang tên “Extreme”; giải JOEY, giải TELE cho phim “Bóng rổ của phụ nữ” trong chương trình NCAA/NIKE; thành công ở thể loại phim ngắn với phim “Ripple and Tall Girl” (được chiếu và khen ngợi tại LHP Cannes và LHP Sundance). Ở lĩnh vực phim truyện nhựa, Matthew chính là đạo diễn hình ảnh của những phim nổi tiếng Hollywood như “Mr & Mrs Smith”, “The Matrix 2”, “Master and Commander”… Những bộ phim của cá nhân ông là “Mexican Werewolf in Texas”, “Raising Genius”, “Simon”, “Crime Parners”…

Tin cùng chuyên mục