Nhà sản xuất Hằng Trịnh: Hợp sức để đưa phim Việt đi xa

Kinh nghiệm sau 5 năm làm cầu nối đưa phim Việt ra nước ngoài, Nhà sản xuất (NSX) Hằng Trịnh, Giám đốc điều hành (CEO) Skyline Media, đơn vị cung cấp bản quyền phim, cho biết, ngoài chất lượng phim, phải xây dựng quy trình chuyên nghiệp, tiệm cận quốc tế mới mong chinh phục các thị trường khó tính.
Nhà sản xuất Hằng Trịnh: Hợp sức để đưa phim Việt đi xa

PHÓNG VIÊN: Sau Liên hoan phim (LHP) Cannes 2023, chị chia sẻ, các nhà làm phim Việt vẫn đang cảm thấy chơi vơi và lẻ loi. Điều gì khiến chị có suy nghĩ này?

* NSX HẰNG TRỊNH: Tại LHP Cannes 2023, các quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc… chiếm khu vực lớn trong hội chợ. Nếu đặt mình là một phần của châu Á, đâu đó tôi cũng cảm thấy tự hào. Tuy nhiên, là người đi hội chợ với mục đích giao thương, nếu hạnh phúc với điều đó, theo tôi sẽ không bao giờ thấy bản sắc Việt Nam. Tôi đặt góc nhìn nhỏ hơn, tức là so sánh Việt Nam với các nước khu vực Đông Nam Á. Thái Lan năm nào cũng có những hoạt động sôi nổi, còn 2023 là năm của Indonesia.

Ở một LHP luôn tạo điều kiện cho các quốc gia tham dự, tôi quan sát và thấy, ngay cả các nước mình chưa bao giờ nghe tên trên “bản đồ” phim ảnh, họ cũng có khu vực giao thương riêng. Đáng tiếc, Việt Nam từ nhiều năm nay không có. Điều đó làm tôi thấy buồn khi chúng ta không có một điểm tựa. Tôi cũng có suy nghĩ hay là các công ty Việt Nam đến Cannes gom tiền tự làm, trước hết để đại diện cho mình. Nhưng, đó vẫn là ý tưởng để bàn bạc, chưa thể hành động ngay. Để làm điều đó không dễ và chúng tôi tự thấy chưa đủ lực đứng ra gồng gánh…

Mang đến LHP Cannes 2023 70 tựa phim, chị nhận về những phản ứng ra sao?

* Mùa Cannes năm nay, chúng tôi không có phim nào mới, tức là phim sắp ra rạp để chào bán. Tôi phải giới thiệu các phim mới ra rạp. Chúng tôi chọn phim có nhiều giải thưởng, mang đi cho xứng tầm với LHP lớn. Nhưng các phim này vẫn còn hạn chế khi không nhận được nhiều hỗ trợ về phát hành, quảng bá để đủ sức cạnh tranh, gây chú ý. Giữa hội chợ hàng chục ngàn phim, người ta chỉ chú ý đến một vài điểm lấp lánh, và phim Việt chưa tạo ra sự lấp lánh, đó là điều đáng tiếc.

Nói như thế, bức tranh xuất khẩu phim Việt đang không có nhiều điểm tươi sáng?

* Thị trường quốc tế vẫn có mối quan tâm đến phim Việt, như Đài Loan (Trung Quốc). Nhu cầu và ngân sách mua phim Việt không phải là không có. Tuy nhiên, họ chỉ quan tâm phim có chất lượng tốt, thể loại mang tính thương mại hơn. Việt Nam đang là thị trường tiềm năng nhưng đòi hỏi nỗ lực nhiều hơn. Đặt lên bàn cân với phim Thái Lan, Indonesia chưa chắc Việt Nam là số 1. Chúng ta cần nhiều phim hay hơn nữa, bên cạnh việc đẩy mạnh truyền thông, quảng bá để có lợi thế bán hàng.

Đông Nam Á khá buồn khi chưa có thị trường quen thuộc, hiện mới chỉ tiếp nhận ở mức thử sức. Nam Mỹ là thị trường mới mẻ. Theo tôi đây là thị trường thú vị để mua bán. Còn đối với Mỹ, Australia, chúng tôi cũng coi là thị trường truyền thống vì chủ yếu dành cho cộng đồng người Việt. Thách thức tiếp theo phải là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Biết là khó nhưng chúng tôi tham vọng làm sao phải vô được. Trước mắt, chúng ta cần chinh phục thị trường các nước láng giềng như Thái Lan, Indonesia, Singapore… trước khi muốn đi xa.

Có phải ngay từ đầu khi lên ý tưởng, các NSX đã phải ý thức đưa phim đi xa, thay vì chỉ chiếu trong nước?

* Chúng tôi vẫn thường kêu gọi các NSX hãy hợp tác từ sớm, có tính toán để phim đi được bao xa. Việc này, phải làm trước cả năm, tập trung mọi nguồn lực. Việc hợp sức sẽ tạo thêm sức mạnh. Như với Mười: Lời nguyền trở lại, về phát hành

quốc tế, đó là một thành tựu không phải phim nào cũng đạt được vì chúng tôi có kế hoạch từ sớm.

Theo tôi, đa số NSX thường âm thầm tính toán, tự giả định. Đôi khi họ không biết phim như thế nào bán được. Vậy nên rất cần thiết phải có đối tác cùng tính toán, lên kế hoạch. Hiện nay, không phải NSX nào cũng hiểu đúng vai trò một sale agent (đại diện bán hàng). Có khi họ chỉ nghĩ chúng tôi như cò mồi, đứng giữa môi giới và hưởng lợi. Năm nào chúng tôi cũng mời các đối tác, NSX đến các buổi thảo luận để chia sẻ về thị trường, hiểu đúng quy trình và sự hợp tác. Có nhiều thứ mình làm họ không biết, họ chỉ biết phim Việt không bán được nhưng không hiểu có quá nhiều lý do chi phối.

Thực tế, có một tín hiệu lạc quan là nhiều NSX đã bắt đầu ý thức phim không chỉ có doanh thu trong nước, phải bán ra nước ngoài. Nhưng để biến mọi thứ thành sự thật, họ còn khá mơ hồ. Nếu một NSX tự đứng ra làm mọi thứ không thể kham nổi vì không có nguồn lực.

Những năm qua, sự đón nhận và doanh thu phim Việt khi bán ra các thị trường nước ngoài như thế nào?

* Sự đón nhận và doanh thu phim Việt phụ thuộc phần lớn vào chất lượng phim. Tuy nhiên, khi đại diện cho một số lượng lớn các phim, điều này giúp ích cho việc bán hàng vì họ sẽ muốn thử sức với một gói phim thay vì chỉ một phim đơn lẻ. Vì vậy, 96% phim trong kho của Skyline đều đã được bán thành công ít nhất một lần. Các kênh sau chiếu rạp đang bù đắp một khoản doanh thu đáng kể cho NSX.

Tầm nhìn trong những năm tiếp theo không phải là cân nhắc có nên làm hay không. Quan trọng hơn, trong những năm tới mọi thứ phải bài bản, chuyên nghiệp và tiệm cận với thế giới. Chúng tôi còn đặt mục tiêu, trong tương lai không chỉ là đại diện bán hàng cho phim Việt, mà cả phim quốc tế. Cách tốt nhất là đưa phim Việt đến nhiều hơn các quốc gia và ngược lại.

Chúng tôi hay nói, dù bán phim đi nước nào nhưng cũng phải đem tiền về, không để lỗ, không cần biết là nhiều hay ít. Điều quan trọng nhất, phải thấy khả năng lợi nhuận cao, việc phát hành thương mại an toàn, chúng tôi mới làm và cố gắng làm bài bản nhất

NSX HẰNG TRỊNH

Tin cùng chuyên mục