PHÓNG VIÊN: Dự án chia sẻ áo dài với các cô giáo vùng sâu, vùng xa có ý nghĩa đặc biệt thế nào, thưa anh?
- NTK NGUYỄN VIỆT HÙNG: Hùng muốn chia sẻ những chiếc áo dài đẹp đến với những người mà mình xem là đồng nghiệp. Hơn 10 năm nay, Hùng đi trao áo dài dọc dài đất nước; có nơi, có trường mình chọn đến, có nơi họ gọi cho mình. Hùng làm không chiến lược, không dự định quá nhiều mà tùy duyên, theo cảm xúc. 10.000 chiếc áo trong 1 năm không phải là con số lớn, sẽ trao hết nhanh thôi.
NTK Nguyễn Việt Hùng |
Hùng nghĩ mỗi người có một sứ mệnh, như Hùng là để phụng sự, yêu thương, lan tỏa tình yêu áo dài; mang áo dài đi xa hơn. Hành trình chia sẻ áo dài của Hùng chỉ có mong muốn để các cô giáo cảm nhận luôn có nhiều người nghĩ đến họ. Tháng 3 này Hùng đi Quảng Ngãi, Quảng Bình, Gia Lai để trao áo dài, tháng 4 Hùng lại về thăm các cô giáo ở Bình Phước.
- Anh nhận ra sứ mệnh chia sẻ áo dài từ khi nào?
- Thực sự đó là truyền thống gia đình. Ngày nhỏ, Hùng thấy mẹ mình tháng nào cũng đi thăm các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hỗ trợ kinh phí để các mẹ sống cơ bản, rồi còn tặng quà cho những người khó khăn. Lớn lên chút, Hùng hiểu về hành trình sẻ chia của mẹ. Trong quá trình sống, mẹ Hùng nhận lại nhiều điều ấm áp. Mỗi lần mẹ đi đâu làm việc thiện đều mang về chút quà nhỏ, khi thì bó trà xanh, giỏ trái cây quê… Người ta tặng cảm ơn, mẹ không nỡ từ chối. Sau này, Hùng cũng muốn tiếp nối hành trình ý nghĩa của mẹ. Hùng làm về áo dài, Hùng có thể chia sẻ chiếc áo đến người cần. Làm nghề giáo chân chính khổ lắm, tinh thần vui vậy thôi chứ vật chất rất thiếu thốn. Nhiều người phải bỏ nghề để đi kiếm các công việc khác thu nhập cao hơn. Hùng chọn các cô giáo để trao đi tấm lòng của mình.
Hơn 20 năm làm nghề, Hùng không cho phép mình lơ là với áo dài trong việc sáng tạo cũng như lan tỏa. Hùng cũng không rong chơi vì đến tháng mình còn trách nhiệm trả lương cho nhân viên, nuôi các cháu nhỏ.
- Anh ảnh hưởng nhiều từ mẹ, và việc chọn áo dài chứ không phải trang phục nào khác cũng vì mẹ?
- Cả tuổi thơ, Hùng sống trong hình ảnh mẹ mình sớm chiều đi về với đôi tà áo. Đến giờ Hùng vẫn mang theo hình ảnh của mẹ mặc áo dài đi về trong nắng chiều trên một con đường 2 bên là hàng dương ở Bà Rịa - Vũng Tàu, quê hương Hùng. Hùng muốn được may áo cho mẹ, những chiếc áo chứa chan hồn Việt và cả tình yêu gửi vào.
Cuộc đời của mình đến nay, chưa bao giờ Hùng nghĩ rời xa chiếc áo dài, chọn một đồ khác để làm thương hiệu. Yêu thương mà không tin vào sự lựa chọn thì khó dài lâu. Đến bây giờ, áo dài luôn là tri kỷ của Hùng.
- Điều gì khiến anh luôn đầy năng lượng và giữ được lửa nghề?
- Hơn 20 năm, sự cháy với nghề là có. Đó là điều tất yếu. Người nào siêng năng cần mẫn thì sẽ gặt hái thành quả thôi. Hùng chưa bao giờ cho phép mình ngơi nghỉ. Hùng thiết kế, vô xưởng, đi show, đi dạy… Hùng nghĩ, động lực bên trong là vì mình yêu thương áo dài. Mình thương áo dài, làm gì được cho áo dài là làm.
Trình diễn BST áo dài Thành phố đi lên - Đất lành chim đậu của NTK Việt Hùng |
- Lễ hội Áo dài TPHCM năm nay anh mang đến 2 bộ sưu tập ý nghĩa, ấn tượng. Anh gửi tình yêu với TPHCM vào đó như thế nào?
- Hùng mang đến BST Khổng Tước hội và BST Thành phố đi lên - Đất lành chim đậu. Hùng càng đi nhiều, càng trải nghiệm nhiều càng thêm yêu TPHCM, vùng đất luôn bao dung, nghĩa tình.
Với BST Thành phố đi lên - Đất lành chim đậu, Hùng chọn màu xanh navy, màu đen, vàng, trắng. Thành phố chỉ có hai mùa mưa nắng thôi, Hùng muốn diễn tả điều này. Họa tiết trên áo là hình lập thể, trộn lẫn những không gian, cảnh trừu tượng về thành phố, những cánh chim đang bay thể hiện sự tự do, bình yên trên vùng trời thành phố…
- Nói về Nguyễn Việt Hùng, nhiều người quen thuộc với biệt danh “designer mát tay của hoa hậu”. Khi cùng nhan sắc Việt ra quốc tế, anh chuyển tải sự tự tôn dân tộc trong chiếc áo dài ra sao?
- Khi bước chân ra thế giới, Hùng mới cảm nhận được niềm tự hào dân tộc lớn đến thế nào. Hùng làm vì sự tự tôn, tự trọng. Quốc phục là bản sắc đặc trưng, chứa đựng tinh thần của đất nước, con người. Sứ mệnh trên áo dài phải cộng hưởng hình ảnh quê hương, mang đậm chất Việt để giới thiệu với bạn bè quốc tế về một Việt Nam tươi đẹp, xanh, sạch, đáng sống.
- Theo anh, áo dài có cần cách tân trong xu hướng hiện đại?
- Qua nhiều thăng trầm, áo dài trở thành trang phục đại diện cho bản sắc người Việt, do người Việt sáng tạo và được thiết kế phù hợp nhu cầu sử dụng hiện đại. Hùng nghĩ, thời điểm này là thời điểm cần sự sáng tạo, đổi mới.
Mỗi chất liệu đều có ngôn ngữ, thông điệp riêng. Hùng tâm niệm phải luôn luôn sáng tạo, tìm kiếm cái mới, tạo nên nét độc đáo cho tà áo dài Việt. Nếu đã chọn thiết kế là công việc, sáng tạo là sứ mệnh, phải tận dụng và thử nghiệm các chất liệu để chứng minh sự đa dạng, biến hóa của áo dài trong cuộc sống.
"Hùng luôn xem nghệ thuật, thời trang, áo dài là một thánh đường. Yêu cầu của Hùng rất cao, bởi áp lực tạo ra giá trị. Sáng tạo phải trở thành thói quen, không được đánh mất. Trong làm nghề và khi giảng dạy cũng vậy. Nói về sự sáng tạo trong thời trang, Hùng khá khắt khe với học trò, bởi mình xem sự sáng tạo, dấu ấn riêng rất quan trọng"- Nhà thiết kế NGUYỄN VIỆT HÙNG