Nhà Trắng trong chặng đường nhạy cảm

Tổng thống Mỹ G. W. Bush đang lèo lái con tàu quyền lực của mình trong cơn bão chính trị mới. Trong hai nhiệm kỳ tổng thống Mỹ, quỹ thời gian của người đứng đầu Nhà Trắng hiện nay còn gần 17 tháng nữa. Chặng đường ấy không quá ngắn, nhưng cũng lắm thác ghềnh và nguy nan khi những cơn dông tố đã xuất hiện.

Ngày 31-8, người phát ngôn Nhà Trắng Tony Snow đã chính thức thông báo sẽ nghỉ việc từ ngày 14-9. Đây là quyết định ra đi mới nhất của hàng loạt quan chức cấp cao trong chính quyền Bush. Lý do người phát ngôn thứ ba của Nhà Trắng thời Bush cầm quyền từ chức là do bệnh ung thư ruột kết tái phát, nhưng dư luận lại nghĩ khác.

Người ta thấy rằng, một số “thủy thủ” vốn là những trợ thủ đắc lực trên con tàu quyền lực của ông Bush đang dần dần rời boong khi mà chặng đường sắp hết. Ngày 27-8, Bộ trưởng Tư pháp Alberto Gonzales tuyên bố sẽ chính thức rời khỏi cương vị bộ trưởng tư pháp vào 17-9. Gonzales bị nhiều cáo buộc lạm dụng chức vụ để sa thải một số công tố viên liên bang vào năm 2006 vì động cơ chính trị và sau đó lại còn nói dối về lý do sa thải các công tố viên này tại các phiên điều trần trước Hạ viện và Thượng viện. Ông còn bị chỉ trích đã nghĩ ra các biện pháp “chống khủng bố” gây tranh cãi ở Mỹ.

Trước Gonzales, cố vấn cấp cao của G. W. Bush là Karl Rove đã từ chức hồi đầu tháng 8 do những cáo buộc vi phạm luật pháp. Tháng 5-2007, Paul Wolfowitz, một thành viên quan trọng trong ê kíp của Bush phải từ chức Chủ tịch Ngân hàng Thế giới sau vụ bê bối liên quan tới bạn gái của ông. Còn Donald Rumsfeld, một trong những kiến trúc sư của cuộc chiến Iraq, đã từ chức sau sự thất bại của đảng Cộng hòa tại cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 năm ngoái.

Người ta cho rằng, những biến động mới đang làm cho Nhà Trắng lo lắng. Không còn ai trong nhóm Texan - những người đã tổ chức và điều hành chiến dịch tranh cử của Bush năm 2000 còn ở lại trong Nhà Trắng: Dan Bartlet đã rời khỏi đây đầu mùa hè, Cố vấn pháp luật lâu năm của Bush là Harriet Mier từ chức đầu năm nay.

Theo báo chí Mỹ, Nhà Trắng cho rằng quyết định ra đi của Bộ trưởng Gonzales vào thời điểm hiện tại tốt hơn việc đợi đến khi Quốc hội nhóm họp trở lại và có thể khôi phục chiến dịch lật đổ ông. Với việc ra đi của Gonzales, ông Bush chỉ tạm thời tránh được một cơn sóng gió nguy hiểm trong cơn bão chính trị đang gây khó khăn cho Nhà Trắng. Các nhà phân tích cho rằng, khoảng thời gian hơn một năm còn lại của ông Bush ở Nhà Trắng là giai đoạn rất nhạy cảm, dễ bị tổn hại đối với tổng thống và làm triệt tiêu sự ủng hộ ít ỏi còn lại trong Quốc hội đối với ông Bush.

Còn trên bình diện đối ngoại, Nhà Trắng cũng đang phải đối mặt với những làn sóng chỉ trích không chỉ từ các đối thủ mà cả các đồng minh thân cận. Việc các tướng lĩnh hàng đầu của Anh phê phán chiến lược của Mỹ ở Iraq là “sai lầm chết người”, là “ngu ngốc” càng làm cho bầu không khí chính trị Wahington trở nên nóng bỏng hơn. Theo tin của Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ, “trận đấu” tiếp theo giữa Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ xung quanh thời gian biểu rút quân Mỹ khỏi Iraq dự kiến sẽ bắt đầu từ giữa tháng 9 này khi chính quyền Bush trình báo cáo đánh giá về tình hình Iraq.

NGUYỄN KHẮC ĐỨC

Tin cùng chuyên mục