Nhà trẻ cho con em công nhân: Tại sao không?

Vụ bảo mẫu hành hạ trẻ ở Bình Dương
Nhà trẻ cho con em công nhân: Tại sao không?

Xem clip vụ “bảo mẫu” Trần Thị Phụng ở Bình Dương hành hạ cháu bé 3 tuổi Hồ Thị Thùy Ngân phát trên kênh VTV9 tối ngày 24-11, tôi và những người thân trong gia đình thật sự… rùng mình. Cũng tối hôm ấy, bản tin thời sự trên VTV1 phát lại clip này, tôi đã không dám xem. Điều đau lòng bởi lẽ cháu gái bé bỏng kia vốn không đủ khả năng tự bảo vệ mình trước sự hành hạ của “bảo mẫu”.

Các cháu Trường Mẫu giáo dân lập Sao Mai 5 (Phú Nhuận) vui chơi tô tượng. Ảnh: MAI HẢI

Các cháu Trường Mẫu giáo dân lập Sao Mai 5 (Phú Nhuận) vui chơi tô tượng. Ảnh: MAI HẢI

Dư luận bức xúc trước những thông tin dồn dập về việc các “bảo mẫu” ra tay hành hạ không thương tiếc các cháu bé chưa đủ khả năng nhận thức và tự bảo vệ mình. Đó là vụ “bảo mẫu” Quảng Thị Kim Hoa ở Đồng Nai, cô giáo Lê Vy ở Phú Nhuận, cô giáo Xuân Nữ ở quận Tân Phú…

Lỗi tại ai? Người ta nói là do chính quyền địa phương thiếu kiểm tra, giám sát. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Hãy nhìn lại một thực tế: Người ta luôn kêu gọi “tất cả vì đàn em thân yêu”, hãy chăm lo cho mầm non đất nước nhưng các lớp mầm non bây giờ đều là bán công “tự chủ tài chính” với mức giá đóng khá cao. Còn nhà trẻ, ngay như những hộ viên chức hay gia đình khá giả, việc tìm nhà trẻ để gởi con cũng chẳng hề đơn giản tí nào, nếu có thì chi phí cũng không dễ chịu.

Hầu hết các cháu gởi ở những nhóm trẻ gia đình, nhóm trẻ tư nhân đa số là con em gia đình lao động, công nhân khu công nghiệp với cơ chế “mềm”: giá mềm, thời gian giữ trẻ linh hoạt, thuận tiện cho cha mẹ khi tăng ca… Và hậu quả giờ ai cũng thấy.

Ngay chính anh Hồ Minh Lực, ba của cháu Ngân, cũng phải thừa nhận với báo chí rằng do anh chị thường xuyên phải tăng ca nên rất khó khăn khi gởi con ở các trường mầm non. Ngay tại khu công nghiệp mà anh làm, nhiều công nhân phải gởi con về cho ông bà ở quê chăm sóc hoặc gởi cho các nhóm trẻ gia đình. Thiếu nhà trẻ và trường mầm non đang là một thực tế không chỉ ở Bình Dương, Đồng Nai, mà cả ở TPHCM.

Theo số liệu từ website của Sở GD-ĐT TPHCM, toàn thành phố hiện có 303 trường tư thục mầm non, 892 nhóm trẻ gia đình trong tổng số 1.603 nhóm, trường mầm non. Con số này cho thấy số trường tư thục và nhóm trẻ gia đình chiếm tỷ lệ áp đảo. Ngay ở lứa tuổi mầm non, trong tổng số hơn 80.000 trẻ 5 tuổi ra lớp vẫn còn 7.500 trẻ phải học một buổi, tập trung ở quận 8, Tân Phú và 5 huyện ngoại thành.

Còn trong 407 trường mầm non công lập có đến 94 trường đã xuống cấp. Để đảm bảo đúng chuẩn cho trẻ mầm non (35 cháu/lớp), từ nay đến năm 2015 thành phố cần xây thêm 188 trường với 2.691 phòng học với kinh phí ước tính là 3.579 tỷ đồng! Đây là con số không nhỏ và cũng không dễ dàng thực hiện nếu không vận dụng nhiều hình thức, giải pháp phù hợp.

Nhớ lại những năm đầu sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, nhiều cơ quan, xí nghiệp lớn đã chủ động mở các nhóm giữ trẻ ngay tại đơn vị là một cách làm tốt, hỗ trợ cho công nhân an tâm làm việc và như một chính sách phúc lợi cho người lao động.

Trong xu hướng tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, thiết nghĩ việc đầu tư phát triển mới các nhà trẻ, trường mầm non thông qua kênh xã hội hóa là một hướng đi tốt và cần thiết. Mỗi khu chế xuất, khu công nghiệp nên có nhà trẻ, lớp mầm non cho con em công nhân. Cô giáo dạy trẻ hiện nay không thiếu, mặt bằng có sẵn, quy mô đầu tư không lớn và cách tổ chức bài bản với sự hỗ trợ về nghiệp vụ của ngành giáo dục, việc nuôi dạy các cháu sẽ tốt hơn. Một phần quỹ phúc lợi của các nhà máy, công ty trong khu công nghiệp sẽ được trích để đầu tư chi phí hoạt động cho nhà trẻ, nhóm mầm non…

Điều này sẽ góp phần giảm gánh nặng chi tiêu cho công nhân. Mong thành phố quan tâm để triển khai hướng đi tích cực này. Có thể trước mắt, ngành giáo dục nên chủ động bàn bạc với một vài khu công nghiệp để triển khai thí điểm, rút kinh nghiệm trước khi có thể mở rộng cách làm này.

Văn Minh (Quận 3)

Vụ bảo mẫu hành hạ trẻ ở Bình Dương

- Luật sư nhận trợ giúp pháp lý miễn phí cho bé Ngân

- Vụ hành hạ trẻ ở Bình Dương: Bà Phụng đã nhiều lần bạo hành cháu Ngân

- Vụ bảo mẫu hành hạ dã man cháu bé 3 tuổi: Cháu bé bị viêm phổi

Tin cùng chuyên mục