Hội thảo về chế độ, chính sách đối với GS-PGS

“Nhân” đã thành “tài” - chưa được sử dụng đúng!

“Nhân” đã thành “tài” - chưa được sử dụng đúng!

Xây dựng và sử dụng đội ngũ giáo sư-phó giáo sư (GS-PGS) phục vụ đất nước phát triển bền vững là kế sách có tính chiến lược của quốc gia. Đồng thời đề xuất, xây dựng chính sách hợp lý để phát huy năng lực của đội ngũ GS-PGS là việc cấp bách. Đó là nội dung được khẳng định tại Hội thảo khoa học về chế độ, chính sách đối với GS-PGS Việt Nam do Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN) tổ chức ngày 15-7-2005 tại ĐH Kinh tế TPHCM.

  • Đạt chức danh đã khó, làm được việc càng khó hơn!

“Họ trở thành thành phần hạ đẳng của xã hội về đời sống kinh tế”- PGS-TS Trần Cao Sơn (Viện Xã hội học) đã phải kêu lên như thế khi nói về đời sống của các GS-PGS hiện nay của nước ta. Ông cho rằng: GS-PGS là nguyên khí quốc gia nhưng lại thu nhập thấp là điều chưa từng có ở bất cứ quốc gia nào.

“Nhân” đã thành “tài” - chưa được sử dụng đúng! ảnh 1

Cũng theo ông, hiện có 3 loại GS-PGS: PGS-GS có địa vị xã hội và thu nhập chủ yếu từ “bổng lộc” do chức vụ quản lý mang lại; GS-PGS công tác tại các bộ, ngành, hưởng thu nhập từ đặc thù hoạt động của cơ quan; và số GS-PGS chiếm số lượng đông nhất đang làm khoa học và giảng dạy thuần túy thì sống thiếu thốn do lương thấp.

Nhìn ở góc cạnh nghiên cứu, GS TSKH Lê Huy Bá (ĐHQG TPHCM) tỏ ra gay gắt khi đề cập đến việc “phân biệt đối xử” ngay trong hàng ngũ GS “có chức” và “không có chức”.

Ông nói: thói thường xã hội người ta chỉ ưu ái lẫn nhau theo cấp bậc, chức vụ chứ nhà giáo trơn, nhà khoa học trơn, dù giỏi đến đâu cũng không dễ nhận đề tài hay được giao nhiệm vụ nghiên cứu. GS Huỳnh Nghĩ cho rằng: nếu GS không làm lãnh đạo, quản lý mà chỉ chuyên tâm làm giảng dạy thì không có việc để làm.

Phải chăng do còn nhiều bất cập trong chính sách sử dụng lực lượng trí thức mà TS Đỗ Đức Tín, Thư ký HĐCDGSNN, phải dùng từ “tuyệt chủng” khi nói về đội ngũ GS-PGS trong tương lai. Theo ông, thế hệ trẻ hôm nay nhìn “tấm gương” của các bậc trưởng thượng mà không dám bước vào.

GS.TSKH Nguyễn Thị Kim Thoa, Chủ tịch HĐCDGS khoa học Mỏ-Địa chất đồng tình: Chính vì sự đối xử như vậy nên khó thuyết phục các nhà KH Việt kiều hoặc trí thức trẻ đưa đi nước ngoài đào tạo chịu quay về phục vụ đất nước.

  • Hình ảnh “thật”: 82,8% trên 60 tuổi, 41,7% sử dụng Internet...

Những thống kê dưới đây của GS.TSKH Đỗ Trần Cát, Tổng Thư ký HĐCDGSNN, cho chúng ta nhiều suy gẫm: Trong số 5.479 GS-PGS (có 1.131 GS) được công nhận từ 1980 đến tháng 11-2004, chỉ có 3.075 người đang làm việc, trong đó có 2.822 đang làm việc tại các ĐH và viện nghiên cứu.

Phân bố số GS trên theo khu vực, TP Hà Nội chiếm tỷ lệ 86,2%, TPHCM chỉ có 9,5%. Với gần 3.000 bộ môn đang giảng dạy tại ĐH, số GS-PGS như trên là quá thiếu, chưa kể có tới 82,8% số GS có tuổi trên 60. Điều kiện làm việc của GS-PGS lại càng “bi đát” hơn: thu nhập trung bình của GS là 1,8 triệu đồng/tháng, 39,5% GS không có chỗ làm việc riêng tại cơ quan và chỉ có 41,7% GS sử dụng Internet.

Đánh giá chất lượng, theo GS-TSKH Đỗ Trần Cát thì “chưa có tiêu chí”. Theo ông, đây là vấn đề phức tạp: theo tiêu chí của các nước phát triển hay theo thực tế Việt Nam để đánh giá?

TSKH Nguyễn Tác An, Viện trưởng Viện Hải dương học nêu lên một thực trạng cần suy nghĩ: Việc công bố các công trình khoa học của Việt Nam còn quá khiêm tốn so với các nước trong khu vực. Khi các trường ĐH trên thế giới tuyển chọn người hướng dẫn cho nghiên cứu sinh từ nguồn các GS-PGS Việt Nam đều không đạt do thiếu các công trình có giá trị đăng trên các báo.

Trong các tổ chức khoa học quốc tế, không có nhiều bóng dáng của các GS-PGS Việt Nam cũng vì thiếu các công trình KH có chất lượng. Điều này đã được đề cập trong báo cáo của Nghị quyết 2 TƯ, khóa VIII.

  • Tiêu chí để đãi ngộ các GS-PGS…

Cơ chế, chính sách nào cho các GS-PGS? Theo GS-TSKH Đỗ Trần Cát, phải đặt trên 2 động lực: tinh thần và vật chất. Về động lực tinh thần, điều quan trọng nhất đối với GS-PGS là được tôn trọng quyền tự chủ, bởi trong học thuật không có chỗ cho độc đoán và áp đặt, phải lấy chuyên môn làm tiêu chí hàng đầu để đánh giá. Cần có chính sách để thực hiện điều này.

Về vật chất, điều kiện làm việc tốt sẽ giúp các GS-PGS phát huy cao nhất năng lực và qua đó giải quyết phần nào đời sống kinh tế của họ và gia đình. Quan điểm này được sự đồng tình của rất nhiều đại biểu.

Cuối cùng, xin ghi lại ý kiến của GS Nguyễn Văn Đạo (ĐHQG Hà Nội): Nhiều nhà khoa học, trong đó có một số người có tên tuổi, đã buộc phải rời bỏ công việc nghiên cứu để đi kiếm sống. Chất xám đang bị lãng phí rất nghiêm trọng! 

MAI LAN – LINH AN

Tin cùng chuyên mục