
Kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2005 ước đạt 9,65 tỷ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ vào giá xuất khẩu một số mặt hàng tăng cao. Trong khi đó, nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực khác đang tăng chậm do bị ảnh hưởng lớn bởi giá nguyên liệu đầu vào tăng, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp còn yếu.
- Đối mặt với “hạn”
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong 4 tháng đầu năm đạt 685 triệu USD, chỉ tăng có 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Có thể nói năm nay việc xuất khẩu thủy sản đã được dự báo sẽ khó khăn bởi nhiều yếu tố, trong đó nhu cầu tiêu dùng giảm do kinh tế tăng trưởng chậm và Hoa Kỳ áp đặt thuế phá giá đối với mặt hàng tôm.

Thu hoạch mủ cao su tại Công ty Cao su Bình Long
Theo quy định của Bộ Thương mại và Hải quan Hoa Kỳ, từ đầu tháng 3 năm nay, mức thuế bán phá giá mặt hàng tôm khoảng 5%. Có điều, Hải quan Hoa Kỳ yêu cầu các nhà nhập khẩu tôm phải đóng tiền đặt cọc nên các nhà nhập khẩu đã yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam phải thay họ ứng số tiền đặt cọc trên để tránh rủi ro.
Nếu giữ được kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam tương đương năm 2004 là khoảng 400 triệu USD, thì số tiền đặt cọc khoảng 20 triệu USD.
Trong điều kiện các doanh nghiệp trong nước chủ yếu có quy mô nhỏ, vốn ít, phải vay vốn thương mại để sản xuất, việc đóng quỹ sẽ là một khó khăn rất lớn.
Trong khi đó tỷ lệ rủi ro cũng khá cao, vì quy định của Hoa Kỳ là sau 3 năm thì Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITC) mới kiểm tra lại sổ sách chứng từ và lúc đó doanh nghiệp Việt Nam mới được hoàn số tiền đặt cọc trong trường hợp chứng minh không bán phá giá.
Còn trường hợp có dấu hiệu bán phá giá, tiền cọc không những bị mất mà còn phải đóng thêm khoản thuế phá giá chênh lệch.
Với những khó khăn trên, việc xuất khẩu tôm đang chựng lại tại thị trường Hoa Kỳ, thị trường lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam. Đó là chưa kể giá xuất khẩu các mặt hàng thủy sản trong mấy tháng qua giảm bình quân 0,1-0,3 USD/kg - mặt hàng tôm giảm 4-5 USD/kg sẽ làm giảm thu nhập của các hộ nuôi trồng thủy sản, giảm khả năng tái đầu tư sản xuất trong những năm tới.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác cũng gặp khó khăn, hoặc do thị trường bị thu hẹp, sản lượng trong nước còn thấp, giá xuất khẩu không thuận lợi. Mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn là dệt may, với hy vọng đạt 5,2 tỷ USD trong năm nay, cũng đang tăng trưởng chậm.
Ngoài khó khăn đối với thị trường Hoa Kỳ, do việc phân bổ quota chưa hợp lý khiến nhiều doanh nghiệp có đơn hàng mà không có quota xuất khẩu, chúng ta còn đang gặp khó khăn trước hàng Trung Quốc với ưu thế giá rẻ hơn trong nước.
Thị trường EU đã được dỡ bỏ hạn ngạch nhưng kim ngạch xuất khẩu không tăng, chứng tỏ khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu trong nước còn yếu. Đó là chưa kể giá nguyên phụ liệu đầu vào đang tăng mạnh, trong khi ngành này phụ thuộc tới 80% nguyên phụ liệu nhập khẩu.
Điều đó có nghĩa có những doanh nghiệp vừa xuất khẩu vừa chịu lỗ hoặc giảm lợi nhuận, do giá xuất khẩu và giá gia công hầu như không tăng mà còn giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Các mặt hàng xuất khẩu từ nông sản như cà phê, cao su, tiêu… hiện nay đang có lợi thế là giá thế giới đang cao. Thế nhưng, sản lượng trong nước hiện không còn nhiều để đáp ứng xuất khẩu.
Giá thu mua cà phê loại 1 trong nước khoảng 15.500 đồng/kg, cao gần gấp đôi so với thời điểm giá thấp nhất, thế nhưng lượng cà phê nhân tồn kho trong dân còn rất ít, sản lượng niên vụ mới dự báo không cao do bị hạn hán kéo dài.
Tương tự, mặt hàng cao su xuất khẩu đang có giá cao nhất trong vòng mấy năm gần đây - giá cao su xuất sang Trung Quốc khoảng 11.500 NDT/tấn, tăng tới 500 NDT so với trước…
Thế nhưng, đợt hạn hán kéo dài vừa qua có khả năng ảnh hưởng lớn đến sản lượng mủ khai thác những tháng tới đây.
- Huy động mọi tiềm năng đẩy mạnh xuất khẩu

Chế biến thủy sản tại Nhà máy APT (KCN Tân Tạo TPHCM).
.
Trước tình hình này, nhiều ngành đã khẩn trương bàn các biện pháp khắc phục, nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu tăng mạnh trong những tháng còn lại trong năm nhằm đạt được chỉ tiêu kế hoạch, góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP trong năm nay là 8,8%.
Các cơ quan quản lý nhà nước đã cam kết cải cách thủ tục hành chính để giúp doanh nghiệp giảm các chi phí, lệ phí và thời gian không cần thiết nhằm giảm giá thành sản phẩm; thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, tìm hiểu thông tin về khách hàng và thị trường; hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu, các ngành công nghiệp phụ trợ…
Các doanh nghiệp cũng đang tìm nhiều biện pháp thúc đẩy xuất khẩu. Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho rằng, doanh nghiệp phải có các biện pháp ứng phó, nếu cùng xuất khẩu một mặt hàng buộc phải liên kết lại để đối phó với tình hình, trước mắt là cùng đóng góp tài chính để thuê chung một công ty tư vấn luật.
Công ty tư vấn luật này sẽ hướng dẫn các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cách chuẩn bị sổ sách chứng từ chu đáo. Một số thị trường tiềm năng lớn như Trung Quốc, Nhật Bản cần được tập trung nghiên cứu các mặt hàng chế biến phù hợp, tăng cường công tác tiếp thị và nghiên cứu kỹ các quy định có liên quan đến xuất khẩu mặt hàng này vào thị trường của họ.
Ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp chế biến và tiêu dùng (Bộ Công nghiệp) cho rằng, vấn đề là cần tìm mọi biện pháp tăng cường khả năng cạnh tranh của các sản phẩm dệt may Việt Nam. Đó là việc thực hiện nghiêm túc các biện pháp tiết giảm chi phí, huy động tối đa công suất thiết bị để giảm giá thành.
Song song đó, cần tăng cường công tác quảng bá thương hiệu, tập trung cho những đơn hàng có giá trị cao, liên kết để nâng cao năng lực đàm phán và ký kết các đơn hàng lớn với đối tác nước ngoài.
Bộ Công nghiệp đang kiến nghị Chính phủ cho phép các doanh nghiệp ngành dệt cung ứng vải cho ngành may trong nước làm hàng xuất khẩu được hưởng thuế suất VAT là 0% như đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, các doanh nghiệp xuất khẩu ngành giày dép cần khai thác tối đa cơ hội tiếp tục được hưởng ưu đãi thuế theo các quy định của Hệ thống ưu đãi phổ cập của EU (GSP) khi xuất sang thị trường EU.
Tìm mọi cơ hội thúc đẩy xuất khẩu để tăng nhanh kim ngạch là yêu cầu đang đặt ra, nhất là những mặt hàng đang có nhu cầu đặt hàng tăng cao như hàng điện tử và linh kiện máy tính, dây và cáp điện, sản phẩm gỗ, sản phẩm nhựa…
VĂN MINH HOA