Nhanh chóng đưa các luật mới vào cuộc sống

Từ đầu năm 2020, có 6 luật mới bắt đầu thực thi, đó là: Luật Phòng chống tác hại của rượu bia 2019, Luật Thi hành án hình sự 2019, Luật Chăn nuôi 2018, Luật Trồng trọt 2018, Luật Đầu tư công 2019 và Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sửa đổi 2019. Bạn đọc Báo SGGP đã nêu ý kiến phân tích, góp ý về việc nhanh chóng đưa luật đi vào cuộc sống.

Xây dựng ý thức phòng chống tác hại của rượu bia

Với việc Luật Phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực, từ nay việc lái xe khi đã uống rượu bia và ép buộc người khác uống rượu bia bị xem là hành vi phạm pháp. Dư luận đang kỳ vọng đây sẽ là giải pháp tích cực để giải quyết tận gốc một vấn nạn xã hội đã gây nhiều hệ lụy suốt nhiều năm qua. 

Để luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, ngay khi luật có hiệu lực thi hành, cảnh sát giao thông và chính quyền địa phương nên tổ chức lực lượng tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở, xử lý các trường hợp vi phạm. Qua đó, giúp mọi người đều ý thức không lạm dụng và lái xe khi đã uống rượu bia. Làm cho mọi người đều biết khoản 1 Điều 5 của luật quy định rõ là “nghiêm cấm hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia”, từ đó không dám ép uống rượu bia.

Nhanh chóng đưa các luật mới vào cuộc sống ảnh 1 Panô tuyên truyền, cảnh báo không lái xe khi đã uống rượu bia 

Các nhà hàng, quán nhậu phải có cách kinh doanh văn minh, chuẩn bị nhiều biện pháp để đảm bảo an toàn cho thực khách, như tổ chức cho thực khách đã uống rượu bia gửi lại xe để đi taxi hay xe ôm về, hoặc cử nhân viên đưa khách về nhà. Các công ty, hợp tác xã vận tải có quy định và xử lý kiên quyết những trường hợp lái xe khi đã uống rượu bia. 

NGUYỄN MINH ÚT, huyện Cần Đước, tỉnh Long An

Tuyên truyền pháp luật và vận động giao nộp hung khí

Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sửa đổi 2019 (có hiệu lực từ ngày 10-1-2020) đã sửa đổi, bổ sung quy định về khái niệm vũ khí quân dụng; về “vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao”. Các nội dung sửa đổi, bổ sung này nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. 

Trong những năm gần đây, cùng với nguồn vũ khí quân dụng đưa lậu qua biên giới, còn có các loại súng kíp, súng bút, súng bắn đạn ria chế tạo thủ công trong nước, cung cấp cho bọn tội phạm. Việc đang có quá nhiều phương tiện sát thương như vậy nằm ngoài tầm kiểm soát, là điều không thể chấp nhận được. 

Để kiểm soát chặt và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, nên thực hiện đợt tổng kiểm tra, rà soát, đồng thời thâm nhập, triệt phá các đường dây sản xuất, mua bán “hàng nóng”. Cùng với việc thường xuyên, liên tục tấn công mạnh mẽ, kiên quyết chống tội phạm, nên đặc biệt quan tâm việc tuyên truyền pháp luật và vận động giao nộp hung khí tại các địa bàn dân cư, đặc biệt là khu vực có tình hình tội phạm phức tạp. 

MINH THANH, quận 8, TPHCM

Quản lý chặt hoạt động chăn nuôi

Luật Chăn nuôi năm 2018 có nhiều quy định rất mới, tiến bộ, nhân văn, phù hợp với thông lệ quốc tế và yêu cầu ngày càng cao của việc đáp ứng sản phẩm sạch cho người tiêu dùng. Chẳng hạn, khoản 1 Điều 54 luật này quy định tổ chức, cá nhân chăn nuôi phải kê khai với UBND cấp xã, quy định như vậy nhằm kiểm soát quy mô chăn nuôi và có quy hoạch cụ thể từng vùng. Điều này về mặt khoa học là cần thiết để bảo đảm việc quản lý được đầy đủ và chặt chẽ, đồng thời có tính đến yếu tố lợi thế so sánh của từng vùng. 

Đặc biệt, mục 2 của Chương V về đối xử nhân đạo với vật nuôi, có nhiều điểm mới, nhân văn, như: không đánh đập, hành hạ vật nuôi; khi giết mổ vật nuôi phải hạn chế gây sợ hãi, đau đớn cho vật nuôi; phải có biện pháp gây ngất trước khi giết mổ; không để chứng kiến cảnh đồng loại bị giết mổ.

Tuy nhiên, một số quy định dường như có tính định hướng hơn là có thể thực hiện được một cách nghiêm túc trên thực tế; tuy tiến bộ nhưng rất khó giám sát, quản lý việc thực thi. Trừ những cơ sở giết mổ có quy mô lớn, các điểm nhỏ lẻ và nhất là ở chợ truyền thống, biện pháp nhân đạo trong giết mổ, vận chuyển gần như không được thực hiện. 

Do đó, để Luật Chăn nuôi năm 2018 đi vào cuộc sống, cần quản lý chặt chẽ hoạt động chăn nuôi, loại dần các điểm giết mổ nhỏ lẻ (bởi khó bảo đảm về vệ sinh, càng không thể thực hiện các biện pháp nhân đạo). Đồng thời phải quản lý nghiêm việc nhập khẩu các loại hóa chất có thể dùng trong chăn nuôi. Đặc biệt, chú trọng yếu tố bảo đảm yêu cầu về vệ sinh môi trường trong chăn nuôi và giết mổ. Với các yêu cầu đó, bộ máy quản lý về hoạt động chăn nuôi dĩ nhiên cần hoạt động chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.

TRỊNH MINH GIANG, quận Thủ Đức, TPHCM

Tin cùng chuyên mục