Nhất quán đặt người dân và doanh nghiệp ở trung tâm mọi quyết sách

Chiều 14-2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp đoàn doanh nghiệp Hội đồng Kinh doanh EU - ASEAN và Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam) để trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU).
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi tiếp đoàn doanh nghiệp Hội đồng Kinh doanh EU-ASEAN và EuroCham Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi tiếp đoàn doanh nghiệp Hội đồng Kinh doanh EU-ASEAN và EuroCham Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Các ý kiến tại cuộc làm việc bày tỏ vui mừng khi EU đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 5, thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam; còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khối ASEAN. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là động lực quan trọng giúp thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU liên tục tăng; năm 2022, kim ngạch thương mại đạt 62,4 tỷ USD, tăng 9,8% so với năm 2021. EU cũng vươn lên thành nhà đầu tư lớn thứ 5 của Việt Nam. Hai bên tin tưởng rằng, hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU có nhiều dư địa để khai thác sau khi Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) có hiệu lực, hiện có 12/27 nước thành viên EU phê chuẩn Hiệp định EVIPA.

Đại diện 2 hiệp hội doanh nghiệp cũng bày tỏ tin tưởng vào những thành tựu, kết quả mới trong triển khai Hiệp định EVFTA thời gian tới và khẳng định các doanh nghiệp sẽ tích cực thúc đẩy việc thông qua Hiệp định EVIPA. Đồng thời, nêu một số câu hỏi và kiến nghị liên quan tới chính sách về điện gió ngoài khơi, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch phát triển điện VIII; lộ trình cải cách lĩnh vực y tế và danh sách thuốc thuộc danh mục Quỹ bảo hiểm y tế chi trả; gia hạn giấy phép lao động cho người nước ngoài… Đại diện các bộ, ngành Việt Nam đã giải đáp những kiến nghị này.

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam - EU cũng như quan hệ với các nước thành viên; luôn ủng hộ tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - EU. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một hợp phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, Chính phủ Việt Nam luôn bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; tôn trọng, khuyến khích, sẵn sàng tạo điều kiện để khu vực này phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác.

Để triển khai hiệu quả quan hệ hợp tác Việt Nam - EU cũng như ASEAN - EU trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Việt Nam - EU cùng nỗ lực triển khai hiệu quả Hiệp định EVFTA; có tiếng nói tích cực vận động các nước thành viên EU còn lại sớm phê chuẩn Hiệp định EVIPA và EU xem xét tích cực, sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Chiều 14-2, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có cuộc làm việc với đoàn doanh nghiệp Hội đồng Kinh doanh EU - ASEAN và EuroCham Việt Nam gồm đại diện gần 50 công ty, tập đoàn thành viên.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Việt Nam và Quốc hội Việt Nam hết sức coi trọng và đánh giá cao quan hệ hợp tác với EU - đối tác quan trọng và tin cậy của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực. Quốc hội Việt Nam luôn đặt người dân, doanh nghiệp ở vị trí trung tâm trong mọi quyết sách, nỗ lực kiến tạo sự phát triển nhanh và bền vững, thúc đẩy sự hội nhập ngày càng tích cực chủ động, hiệu quả của Việt Nam vào khu vực và quốc tế. Quốc hội Việt Nam luôn ủng hộ và sẵn sàng tạo mọi hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Đoàn doanh nghiệp Hội đồng Kinh doanh EU - ASEAN và EuroCham Việt Nam

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Đoàn doanh nghiệp Hội đồng Kinh doanh EU - ASEAN và EuroCham Việt Nam

Chia sẻ với nhà đầu tư về mục tiêu hướng tới một hệ thống pháp luật lâu dài, ổn định, công khai, minh bạch; đáp ứng yêu cầu kiến tạo phát triển đất nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành kế hoạch số 81, xác định danh mục 137 nhiệm vụ lập pháp, xác định rõ tiến độ, cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm với từng nhiệm vụ và sẽ tiếp tục cập nhật, bổ sung các nhiệm vụ mới phát sinh để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, nâng cao tính chủ động của Quốc hội trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Theo đồng chí Vương Đình Huệ, kinh tế số đang là lĩnh vực hết sức tiềm năng của Việt Nam với quy mô hơn 50 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng 16%-18%/năm. “Quốc hội Việt Nam đã và đang rà soát lại hệ thống pháp luật để tạo khung pháp lý cho sự phát triển của lĩnh vực này”, Chủ tịch Quốc hội nhận định, đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư châu Âu tích cực tham gia vào tiến trình này, góp phần xây dựng hệ sinh thái cho chuyển đổi số ở Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị Hội đồng Kinh doanh EU - ASEAN và EuroCham Việt Nam tích cực vận động để EU sớm phê chuẩn Hiệp định EVIPA, sớm gỡ “thẻ vàng” về thủy sản đối với Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục