Nhiều băn khoăn trong giám sát chính quyền

Theo dự thảo Nghị quyết thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường tại TP Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026 (được thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV), Hà Nội thí điểm ở 177 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây. 

Qua tìm hiểu thực tế của phóng viên Báo SGGP, nhiều người dân, cử tri tại những phường được áp dụng thí điểm không tổ chức HĐND vẫn còn nhiều băn khoăn, trăn trở.

Nhiều băn khoăn trong giám sát chính quyền ảnh 1 Hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính tại UBND phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Tiết kiệm, hiệu quả hơn?

Chức năng, vai trò giám sát của HĐND cấp cơ sở được thể hiện rõ trong Điều 113 Hiến pháp 2013. HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.

HĐND quyết định các vấn đề của địa phương theo luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương về việc thực hiện nghị quyết của HĐND. Việc thí điểm không tổ chức HĐND không phải bây giờ mới thực hiện, trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có các nghị quyết về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND tại 67 huyện, 32 quận, 483 phường của 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ tháng 4-2009 đến tháng 6-2015. 

Sơn Tây là đơn vị hành chính cấp thị xã duy nhất của Hà Nội nằm trong diện thí điểm. Khi được đề cập tới chủ trương không tổ chức HĐND cấp phường, một số người dân ở đây bày tỏ sự đồng tình, bởi trong thực tế, vai trò, chức năng của HĐND chưa phát huy hết quyền lực của mình.

Ông Phan Anh Tuấn (70 tuổi, Tổ trưởng Tổ dân phố Phố Hàng) cho biết, ông đồng tình với chủ trương không tổ chức HĐND cấp phường, bởi theo ông, HĐND có chức năng giám sát các hoạt động của UBND và vai trò của HĐND rất quan trọng. Tuy nhiên, ở cấp phường - xã cũng nên xem xét lại, vì cơ cấu đội ngũ còn cồng kềnh, không tổ chức HĐND sẽ tinh gọn bộ máy.

“Cấp quận, huyện trở lên vẫn nên duy trì có HĐND, bởi sự vận động của quận, huyện lớn hơn phường, xã”, ông Phan Anh Tuấn chia sẻ.

Đề cập câu chuyện không tổ chức HĐND phường, ông Dương Hồng Chính (Tổ trưởng Tổ dân phố số 6, phường Ngô Quyền, thị xã Sơn Tây) nhấn mạnh rằng, không tổ chức HĐND tức là bỏ đi “cánh tay nối dài” giữa người dân và chính quyền và làm cho khoảng cách chính quyền và dân càng xa nhau, đồng thời cũng sẽ nảy sinh những bất cập ở địa phương (như đơn thư vượt cấp).

“Theo tôi, nếu còn duy trì được HĐND là tốt nhất, nếu không cũng cần tính lại bộ máy để hỗ trợ cho chính quyền sau này”, ông Dương Hồng Chính cho biết.

Gặp chúng tôi tại một cuộc họp của HĐND phường Đội Cấn, quận Ba Đình, ông Vũ Đình Cường (Tổ trưởng Tổ dân phố số 8) cho biết, chủ trương bỏ là đúng. Ông dẫn chứng, chức năng của HĐND là giám sát, nhưng thực tế là người dân, các tổ dân phố phải làm nhiệm vụ đó. “Sau này không còn HĐND, khâu giám sát phường sẽ trao cho các tổ dân phố. Các tổ trưởng dân phố là “cánh tay nối dài” của phường, không cần có HĐND. Chúng tôi là những người trực tiếp tiếp nhận phản ánh từ người dân; có HĐND cũng không giải quyết được vấn đề gì, chỉ phí tiền lương”, ông Vũ Đình Cường bày tỏ. 

Trở lại với thị xã Sơn Tây, ông Hoàng Anh Quý, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Ngô Quyền, cho rằng không tổ chức HĐND ở cấp phường, bản thân ông và người dân cũng trăn trở, bởi những kiến nghị, khả năng giám sát của người dân đối với bộ máy chính quyền có thể không được sâu sát, chặt chẽ như trước đây.  “Chúng tôi cũng băn khoăn, sau này những kiến nghị, ý kiến của nhân dân được phản ánh ở đâu. Nếu không tổ chức HĐND thì cơ chế như thế nào, chúng tôi đang chờ hướng dẫn của cấp trên”, ông Hoàng Anh Quý nói. 

Nâng cao vai trò giám sát của MTTQ

Ông Nguyễn Tự Tuấn, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Đội Cấn, quận Ba Đình, thừa nhận, tính hiệu quả của HĐND ở phường thời gian qua chưa cao, đại biểu chuyên trách ít, do vậy việc bỏ HĐND phường người dân rất ủng hộ. “Tính hiệu quả không cao sẽ làm cho chất lượng của các kỳ họp HĐND phường không tốt”, ông Nguyễn Tự Tuấn nói, nhưng ông băn khoăn, nếu không tổ chức HĐND phường thì giao quyền giám sát chính quyền nhiệm kỳ tới sẽ có đối tượng cụ thể như thế nào; sau khi thí điểm bỏ HĐND phường, cấp chính quyền chỉ là cấp hành chính, do vậy, cử tri mong muốn Quốc hội sẽ có hướng dẫn cụ thể một đơn vị để giám sát đối với hoạt động của UBND phường. 

Bà Nguyễn Thị Bích Nga, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, cho rằng, việc không tổ chức HĐND phường không ảnh hưởng tới vai trò và chức năng giám sát của nhân dân với chính quyền. Bởi thực tế, ngoài HĐND vẫn còn có MTTQ cùng các cơ quan đoàn thể. Bà Nguyễn Thị Bích Nga cũng đồng tình ý kiến về vai trò của HĐND phường thời gian qua chưa thể hiện rõ và vai trò giám sát của MTTQ không thế thay được HĐND nhưng khi không tổ chức HĐND cấp phường thì vai trò của MTTQ sẽ được nâng lên. 

“Chủ trương thí điểm không tổ chức HĐND phường góp một phần tinh giản biên chế, tinh giản bộ máy, đồng thời giảm chi ngân sách cho những chức danh không chuyên trách”, bà Nguyễn Thị Bích Nga phát biểu. 

Địa bàn phường Đồng Xuân với nhiều tiểu thương kinh doanh buôn bán và cũng là phường thu hút khách du lịch trong nước và nước ngoài lớn, nên theo Chủ tịch HĐND phường, vấn đề lâu nay cần giải quyết, cần sự giám sát của các đoàn thể, chính quyền là trật tự đô thị.

“Dù có thay đổi như thế nào, nhưng quan trọng là đội ngũ các bên từ Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể, công an phường phải là một thể thống nhất để khi triển khai mới giải quyết được công việc cho người dân”, bà Nguyễn Thị Bích Nga khẳng định. 

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Lê Lợi (thị xã Sơn Tây) Đặng Văn Minh cũng cho rằng bộ máy HĐND cấp phường thời gian qua cồng kềnh.

“Vấn đề nào cũng có 2 mặt. Sau khi có thăm dò ý kiến, các đại biểu phường nói chung nhất trí là không tổ chức HĐND cấp phường, vai trò giám sát sẽ theo hướng MTTQ giám sát hoạt động chung của địa phương. Tôi nghĩ MTTQ sẽ đảm nhận được nhiệm vụ này”, ông Đặng Văn Minh cho biết.

Tuy nhiên, theo ông, nếu giao nhiệm vụ giám sát cho MTTQ thì sắp tới vai trò của mặt trận ở cơ sở có thể bị thu hẹp lại, bởi bí thư chi bộ sẽ kiêm thêm trưởng ban công tác MTTQ, hoặc tổ trưởng dân phố kiêm trưởng ban công tác mặt trận.

Nhiều đại biểu, cử tri địa phương cho rằng, khi không tổ chức HĐND cấp phường thì UBND phường sẽ không còn là cấp chính quyền, mà chỉ là cấp hành chính, điều đó cần thay đổi tên gọi thành “Ủy ban hành chính” phường. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng, khi thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường thì cơ quan hành chính phường vẫn gọi là UBND nhằm thực hiện đúng Kết luận số 46-KL/TW ngày 19-4-2019 của Bộ Chính trị về đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội. Mặt khác, nếu đặt tên cơ quan hành chính phường khác với tên gọi UBND thì toàn bộ dữ liệu có liên quan của TP Hà Nội (như chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, sổ hộ khẩu, giấy tờ thường trú, tạm trú…) sẽ phải thay đổi, dẫn đến sự tốn kém, gây khó khăn cho người dân và công tác quản lý nhà nước trên địa bàn phường. 

Theo dự thảo, UBND phường - nơi không tổ chức HĐND là cơ quan hành chính nhà nước trực thuộc UBND quận, thị xã, thực hiện các nhiệm vụ hành chính nhà nước và cung cấp các dịch vụ công theo quy định. Sau khi thực hiện, công chức phường sẽ thuộc biên chế của UBND quận, thị xã; trực tiếp HĐND quận, thị xã sẽ giám sát các hoạt động của UBND cấp phường.

Tin cùng chuyên mục