Nhiều chính sách học bổng cho sinh viên

Năm học 2022-2023, ĐH Quốc gia TPHCM có nhiều chính sách học bổng dành cho sinh viên (SV) hoàn cảnh khó khăn và tân SV. Đặc biệt, lần đầu tiên nhiều trường thành viên có những chính sách học bổng cho ngành học đặc thù thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và khoa học tự nhiên cho tân SV.
PGS-TS Nguyễn Đình Tứ, Giám đốc Quỹ Phát triển ĐH Quốc gia TPHCM, trao học bổng cho sinh viên đặc biệt khó khăn, học giỏi
PGS-TS Nguyễn Đình Tứ, Giám đốc Quỹ Phát triển ĐH Quốc gia TPHCM, trao học bổng cho sinh viên đặc biệt khó khăn, học giỏi

Học bổng cho sinh viên đặc biệt khó khăn

Quỹ Phát triển ĐH Quốc gia TPHCM vừa phối hợp nhà tài trợ trao 43 suất học bổng trị giá 1,7 tỷ đồng cho các SV hoàn cảnh đặc biệt khó khăn theo học tại các trường, phân hiệu và khoa thành viên ĐH Quốc gia TPHCM. Trong đó, 41 suất học bổng toàn phần với giá trị học bổng lớn nhất: 50 triệu đồng/suất cho SV năm nhất, đối với SV năm hai giá trị học bổng 30 triệu đồng/suất, SV năm ba học bổng 20 triệu đồng/suất, SV năm cuối học bổng 10 triệu đồng/suất và 2 suất học bổng khuyến khích (5 triệu đồng/suất). SV được học bổng khi đáp ứng các yêu cầu là SV đang theo học tại các trường thành viên, phân hiệu và khoa trực thuộc, SV là đối tượng đặc biệt khó khăn như khuyết tật, mồ côi, không nơi nương tựa, gia đình đặc biệt khó khăn về kinh tế, thuộc hộ cận nghèo/hộ nghèo; kết quả học tập đạt loại khá trở lên năm học 2020-2021...

Theo PGS-TS Nguyễn Đình Tứ, Giám đốc Quỹ Phát triển ĐH Quốc gia TPHCM, chương trình học bổng toàn phần dành cho SV hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bắt đầu từ năm học 2019-2020. Đây là lần thứ 3 quỹ phối hợp cùng Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Bcons và nhà hảo tâm tài trợ cho SV ĐH Quốc gia TPHCM. “Chương trình trao học bổng toàn phần này rất có ý nghĩa, các em SV hoàn cảnh khó khăn, nhiều em mồ côi, khuyết tật, có những em SV năm nhất đã không còn bố mẹ, phải sống với ông bà. Chúng tôi luôn mong muốn quan tâm giúp đỡ các em, để không em nào bị bỏ lại trên con đường học tập”, PGS-TS Nguyễn Đình Tứ chia sẻ.

Được nhận học bổng, Võ Thành Đạt, SV Trường ĐH An Giang (ĐH Quốc gia TPHCM) tâm sự: “Em sinh ra đã bị liệt đôi chân, đôi tay cũng vô cùng yếu ớt nên không thể làm việc nặng. Mỗi ngày ba mẹ phải dành thời gian chăm sóc em nên thu nhập gia đình bấp bênh, chủ yếu phụ thuộc vào nghề thợ hồ của ba em. Nhưng em không vì thế mà suy nghĩ tiêu cực. Em đang cố gắng theo đuổi ngành công nghệ thông tin để sau này có thể giúp đỡ ba mẹ và trở thành người có ích cho xã hội. Với mức học bổng lớn này, em và ba mẹ sẽ yên tâm phần nào để hoàn thành ước mơ trở thành kỹ sư về công nghệ thông tin”.

Nhiều học bổng tài năng

Năm 2022, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) công bố dành 2 tỷ đồng để cấp học bổng toàn phần và bán phần dành cho các thí sinh trúng vào 7 ngành thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học trái đất và khoa học biển, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng gồm: Vật lý học; Hải dương học; Kỹ thuật hạt nhân; Địa chất học; Kỹ thuật địa chất; Khoa học môi trường; Công nghệ kỹ thuật môi trường. Ngoài ra, SV học tập tại các ngành trên còn có nhiều cơ hội nhận học bổng từ doanh nghiệp và cựu SV trong các năm tiếp theo. Các học bổng này sẽ được duy trì suốt khóa học nếu SV có thành tích học tập và rèn luyện tốt.

PGS-TS Trần Lê Quan, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM, cho biết, đây là những ngành rất khát nhân lực nhưng ít cơ sở đào tạo, có ý nghĩa quan trọng trong một số mục tiêu chiến lược phát triển bền vững, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của quốc gia đến năm 2030. Nhiều năm qua, SV tốt nghiệp những ngành này có cơ hội nhận học bổng sau đại học tại các quốc gia phát triển trên thế giới, có thể tham gia thị trường lao động đang thiếu hụt nhân lực chất lượng cao. Các khu vực mà SV có thể làm việc bao gồm các cơ sở nghiên cứu về môi trường, hải dương, khí tượng thủy văn; Sở TN-MT, Sở KH-CN các địa phương; tổ chức phi chính phủ, dự án quốc tế hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc và Việt Nam; doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng mới, năng lượng tái tạo, đánh giá tác động môi trường, khai thác và quản lý bền vững tài nguyên, khoáng sản...

Từ năm 2022, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM áp dụng mức học phí theo cơ chế tự chủ. Trong đó, một số ngành được ĐH Quốc gia TPHCM hỗ trợ 35% học phí. Theo đó, nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn có mức học phí từ 16-20 triệu đồng/năm. Cụ thể, học phí 16 triệu đồng/năm gồm 6 ngành: Triết học, Tôn giáo học, Lịch sử, Địa lý, Thông tin - thư viện, Lưu trữ học sẽ được ĐH Quốc gia TPHCM hỗ trợ 35% học phí (còn 13 triệu đồng/năm). Đối với nhóm ngành Ngôn ngữ, 3 ngành ngôn ngữ Italy, Tây Ban Nha và Nga sẽ được ĐH Quốc gia TPHCM hỗ trợ 35% học phí, còn 15,6 triệu đồng/năm.

ThS Trần Nam, Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp (Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM), cho biết, năm học 2022-2023, nhà trường sẽ dành 8% từ nguồn học phí khuyến khích học tập theo cơ chế tự chủ để cấp cho SV có kết quả học tập, rèn luyện tốt. Các học bổng, chương trình hỗ trợ tài chính tổng kinh phí hơn 15 tỷ đồng, mục tiêu lớn nhất của chính sách và hoạt động hỗ trợ SV là giúp các SV an tâm học tập, không để SV vì khó khăn do học phí mà không thể tới trường.

ĐH Quốc gia TPHCM và Tập đoàn Hưng Thịnh ký kết thực hiện chương trình “Ươm mầm tài năng toán và trí tuệ nhân tạo” trong 5 năm (2022-2026), tổng giá trị dự kiến 25 tỷ đồng. Theo PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, chương trình nhằm khuyến khích và ươm mầm các tài năng trẻ toán học và trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam. Mỗi năm chương trình dự kiến chi 5 tỷ đồng để ươm mầm các tài năng. Chương trình đặt mục tiêu phát triển cộng đồng trong lĩnh vực toán và AI tại Việt Nam, hỗ trợ, bồi dưỡng, đào tạo các tài năng trẻ trở thành các nhà khoa học có uy tín trong khu vực và thế giới. 5 năm triển khai, chương trình tập trung các hoạt động cấp học bổng cho học sinh, SV, học viên sau đại học có tài năng trong lĩnh vực toán học và AI; hỗ trợ kinh phí cho các nghiên cứu khoa học, các dự án đổi mới phương pháp giảng dạy trong lĩnh vực toán học và AI của các nhà khoa học, giáo viên.

Tin cùng chuyên mục